Roi-tơ đưa tin, theo kế hoạch đang được Nhà Trắng xem xét, Bộ tư lệnh chiến tranh mạng sẽ trở thành một bộ tư lệnh thống nhất tương đương với các phân nhánh tác chiến của quân đội Mỹ như Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) hoặc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM). Về mặt nghiệp vụ, Bộ tư lệnh chiến tranh mạng sẽ tách khỏi Cục An ninh Quốc gia (NSA), cơ quan tình báo chịu trách nhiệm thu thập tín hiệu điện tử, nghe lén... Theo đó, các chỉ huy của Bộ tư lệnh chiến tranh mạng sẽ có tiếng nói lớn hơn trong việc quyết định sử dụng các công cụ mạng trong cả tấn công và phòng thủ.

Roi-tơ dẫn lời một cựu quan chức tình báo Mỹ cấp cao cho biết kế hoạch trên phản ánh vai trò ngày càng tăng của tác chiến mạng trong chiến tranh hiện đại, cũng như việc phân công nhiệm vụ khác nhau giữa Bộ tư lệnh chiến tranh mạng và NSA. Hiện cả hai cơ quan này đều đóng quân ở căn cứ Fort Meade, bang Ma-ri-len và cùng  nằm dưới sự chỉ huy của Đô đốc Mai-cơn Rô-dơ (Michael Rogers).

Một đơn vị tác chiến mạng của quân đội Mỹ. Ảnh: stripes.com 

Đầu năm nay, Lầu Năm Góc thông báo, quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, chi tiết về các cuộc tấn công này không được công bố vì được xếp vào dạng thông tin tối mật. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Uốc (Robert Work) chỉ nói rằng: “Chúng tôi đang thả các quả bom mạng. Chúng tôi trước kia chưa bao giờ từng làm điều này”. Tháng 4-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A-xtơn Ca-tơ (Ashton Carter) cũng tuyên bố, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch đầu tư 35 tỷ USD cho chiến tranh mạng trong vòng 5 năm tới.

Thực ra, Mỹ đã chú ý đến chiến tranh mạng từ lâu. Oa-sinh-tơn từ nhiều năm nay đã đưa ra giả thuyết về một vụ Trân Châu Cảng hoặc một vụ 11-9 từ không gian mạng. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) tuyên bố rằng, nước Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa của một cuộc tấn công quy mô lớn trên mạng, có thể gây ra tổn thất nặng nề về người và của. Trong cuốn sách mang tên "Chiến tranh mạng" được xuất bản năm 2010, cựu cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng Ri-chác Clác (Richard Clarke) cũng đề cập tới khả năng một cuộc tấn công nhằm vào hệ thống máy tính của nước Mỹ gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, máy bay rơi, tàu đâm vào nhau do mất phương hướng, nhà máy lọc dầu nổ tung, vệ tinh bay ra khỏi quỹ đạo… Quả thực, đây là một viễn cảnh đáng sợ hơn nhiều so với vụ khủng bố 11-9 khiến các nhà hoạch định chính sách ở Oa-sinh-tơn không ngần ngại đổ tiền vào lĩnh vực chiến tranh mạng. Bộ tư lệnh chiến tranh mạng được thành lập năm 2010, hiện trực thuộc Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động vũ trụ quân sự, vũ khí hạt nhân và phòng thủ tên lửa. Theo tờ Army Times, dưới Bộ tư lệnh chiến tranh mạng là các Sở chỉ huy chiến tranh mạng thuộc Lục quân gồm 11 nghìn binh sĩ, Không quân 17 nghìn binh sĩ, Hải quân 14 nghìn binh sĩ và Thủy quân lục chiến 700 binh sĩ. Không chỉ đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, Mỹ cũng đã tiến hành xây dựng một học thuyết về chiến tranh mạng. Các chuyên gia an ninh thông tin hàng đầu của Cơ quan nghiên cứu các dự án cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) đã nghiên cứu thiết lập những nguyên tắc trong việc xây dựng kế hoạch tác chiến trong không gian mạng với thời gian thực trên quy mô lớn. DARPA, có trụ sở ở A-lin-tơn bang Vơ-gi-ni-a, đã triển khai dự án Cơ sở của chiến tranh mạng hay còn được biết tới với tên gọi là Kế hoạch X. Theo DARPA, Kế hoạch X sẽ nghiên cứu bản chất của chiến tranh mạng và hoạch định chiến lược “nhằm nắm bắt và duy trì ưu thế vượt trội của Mỹ trên chiến trường mạng”.

ĐẶNG LÊ