leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn. 
Nếu đúng như lời ông Bút-sơ-cốp-xki nói thì đây quả là “gáo nước lạnh” giội vào vùng Ban-tích trong thời điểm nền kinh tế khu vực vẫn èo uột sau cơn “bạo bệnh” nợ công. "Những nước trên sẽ không chỉ thiệt hại cả tỷ ơ-rô mà còn mất nhiều việc làm nếu “chú gấu Nga” ra đòn lần này. Điều đó sẽ thành thảm họa!”, ông Bút-sơ-cốp-xki thốt lên.

Thế nhưng, để dẫn tới cơ sự trên, nhiều người cho rằng, trước hết các nước Ban-tích phải “soi lại mình”.

Vốn từng thuộc Liên bang Xô-viết trước khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, nhưng kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) tháng 5-2004, Lít-va, Lát-vi-a và E-xtô-ni-a đã không còn đi chung đường với Nga, thậm chí còn đi “ngược chiều” kể từ khi khủng hoảng ở U-crai-na nổ ra năm 2014. Với lý do quan ngại về bất ổn an ninh, 3 nước Ban-tích đã tăng hoạt động hợp tác quân sự với NATO để đề phòng Nga, tự đẩy mình vào thế “đối đầu” với người anh em trước đây. Cũng chính ba nước này là những quốc gia đầu tiên phê chuẩn trừng phạt kinh tế đối với Mát-xcơ-va sau sự kiện bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga.

Việc các nước Ban-tích ngả theo phương Tây, theo quan điểm của Nga, đó là lẽ tất yếu trong một thế giới đa cực. Song, việc vùng Ban-tích thường xuyên ủng hộ NATO đưa quân tập trận sát biên giới Nga, từ chối tìm kiếm đối thoại với Mát-xcơ-va…, phải chăng là hành động “vuốt mặt chẳng nể mũi”(!?). Thế nên, Mát-xcơ-va mới “ra đòn” nhắc nhở rằng, “phần lớn nguồn thu nhập của vùng Ban-tích đến nay vẫn phải trông cậy vào trung chuyển dầu mỏ và hàng hóa từ Nga”. Các nước vùng Ban-tích chớ nên chỉ nhìn thấy “lợi” trước mắt mà quên đi cái “hại” lâu dài khi tạo thế đối đầu với Nga.

LINH OANH