Tối 6-11-2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cách chức Bộ trưởng Tài chính theo đường lối tự do Christian Lindner, qua đó phá vỡ liên minh giữa Đảng Xanh, SPD và FDP tồn tại trong gần ba năm. Một “tia sét” bất ngờ trong đời sống chính trị Đức, dẫn đến cuộc bầu cử sớm, dự kiến diễn ra vào tháng 11-2025.
Để hiểu được sự thất bại của liên minh này, cần quay trở lại thời gian đầu cầm quyền của Thủ tướng Scholz. Để lập được chính phủ, SPD của ông Scholz phải liên minh với Đảng Xanh và FDP. Đây là lần đầu tiên ở cấp liên bang, một liên minh không còn liên kết 2 mà là 3 đảng. Dưới sự lãnh đạo của ông Scholz, liên minh “đèn giao thông” giữa Đảng Xanh, SPD và FDP đã thống nhất việc chuyển đổi và hiện đại hóa nước Đức thông qua một chương trình dựa trên ý tưởng "Tiến bộ".
 |
Ông Olaf Scholz, ứng cử viên của đảng SPD (bên phải) và ông Friedrich Merz, ứng cử viên của liên đảng gồm Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) tranh cử chức Thủ tướng Đức. Ảnh: Euronews
|
Tuy nhiên, thực tế ba năm qua không có sự thay đổi đáng kể nào so với những năm tháng cầm quyền của người tiền nhiệm Angela Merkel. Trong khi đó, chính phủ liên minh cầm quyền lại sớm phải chịu thử thách do suy thoái kinh tế ở trong nước và cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Những bất đồng trong các cuộc đàm phán về ngân sách mới của liên bang, chính sách di cư,… ngày càng nghiêm trọng, làm rạn nứt liên minh cầm quyền. Quyết định rút khỏi liên minh của FDP dường như là một sự tất yếu. Tờ báo Đức Der Spiegel từng nói về thất bại của ông Scholz khi liên minh cầm quyền sụp đổ: "Không có Thủ tướng Đức nào lại mất lòng dân đến vậy trong 27 năm qua".
Việc chính phủ thiểu số gồm SPD và Đảng Xanh (sau khi FDP rút lui) không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ngày 16-12-2024, buộc Thủ tướng Scholz phải yêu cầu Tổng thống Frank-Walter Steinmeier giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23-2, sớm hơn 9 tháng so với kế hoạch.
Cuộc bầu cử Quốc hội sớm diễn ra ngày 23-2 trong bối cảnh Đức đối mặt nhiều thách thức: Khủng hoảng năng lượng sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, lạm phát tăng cao và sự trỗi dậy của các phong trào cực hữu trên khắp châu Âu. Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong cử tri Đức, với một bộ phận lớn lo ngại về kinh tế và an ninh, trong khi những người khác ưu tiên các vấn đề khí hậu và xã hội. Ngoài ra, sự sụp đổ của liên minh cầm quyền trước đó giữa SPD, đảng Xanh và FDP đã làm dấy lên câu hỏi về khả năng hình thành một chính phủ ổn định sau ngày 23-2.
Bất luận không nhận được sự tín nhiệm cao sau khi liên minh sụp đổ, ông Scholz vẫn tiếp tục ứng cử với tư cách là ứng cử viên tranh cử thủ tướng của đảng SPD. Nhưng ông vẫn còn kém xa đối thủ chính, ông Friedrich Merz, ứng cử viên thủ tướng của liên đảng theo đường lối trung hữu gồm Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU). Hiện CDU/CSU có cơ hội giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội liên bang, với từ 180 đến 241 trong tổng số 630 ghế.
Trong khi đó, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đang trên đà tăng gấp đôi số đại biểu trong quốc hội, được thúc đẩy bởi sự tức giận của người dân về vấn đề nhập cư và chi phí sinh hoạt. Thành công của AfD có nghĩa là SPD phải đối mặt với việc trượt xuống vị trí thứ ba, lần đầu tiên kể từ khi Quốc hội Liên bang Đức được thành lập vào năm 1949. Tuy nhiên, tất cả các đảng khác đều loại trừ khả năng đàm phán liên minh với AfD, khiến đảng này không có con đường khả thi nào để tham gia lãnh đạo chính phủ.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, chắc chắn không có đảng nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử ngày 23-2. Do đó, khả năng lớn là sẽ thành lập liên minh giữa đảng có số phiếu ủng hộ cao nhất với một hoặc hai đảng có số phiếu ít hơn để đủ điều kiện thành lập chính phủ.
Dù đảng nào hay liên minh đảng lên nắm quyền lãnh đạo nước Đức sau cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang ngày 23-2 cũng phải đối mặt với những thách thức lớn. Đó là bảo đảm an ninh trong nước và chống chủ nghĩa cực đoan; vừa chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp trong khi vẫn thúc đẩy nhập cư lao động có tay nghề; ngăn chặn các cuộc tấn công mạng; duy trì pháp quyền và củng cố nền dân chủ trước những kẻ thù bên trong và bên ngoài… Ngoài ra, giá năng lượng tăng cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề và quá nhiều thủ tục hành chính cũng là những vấn đề cần được chính phủ mới quan tâm.
Với hệ thống bầu cử phức tạp và truyền thống liên minh cầm quyền, kết quả cuối cùng không chỉ phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri mà còn vào những cuộc đàm phán hậu bầu cử giữa các đảng phái. Và cuộc bỏ phiếu vào ngày 23-2 này mới chỉ là bước khởi đầu nhưng kết quả của nó sẽ là bước ngoặt cho tương lai nước Đức, đồng thời ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu, trong bối cảnh những chuyển động địa chính trị ngày càng phức tạp.
LINH OANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.