Theo Bloomberg, ngày 23-1, Chính phủ New Zealand đã thông báo quyết định cử 6 thành viên của Lực lượng Phòng vệ New Zealand (NZDF) đến Trung Đông để duy trì an ninh hàng hải ở Biển Đỏ nhằm bảo đảm thương mại toàn cầu. Tại buổi họp báo ở thủ đô Wellington, Thủ tướng Christopher Luxon cho biết: “Các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu thương mại và tàu hải quân là bất hợp pháp, không thể chấp nhận được và gây bất ổn sâu sắc”. Theo ông Luxon, việc triển khai quân của New Zealand như một phần của liên minh quốc tế là sự tiếp nối lịch sử lâu dài trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Trung Đông. Các thành viên của NZDF sẽ tham gia vào các chiến dịch tự vệ chung ở Trung Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và phải kết thúc hoạt động, về nước trước ngày 31-7.

Hồi tháng 12 năm ngoái, liên minh quốc tế gồm Mỹ, Anh và các đồng minh khác đã thành lập “Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng” để tham gia tuần tra Biển Đỏ, bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và vận tải đường biển. Gần đây, Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công vào những cơ sở của Houthi ở Yemen nhằm răn đe lực lượng này.

leftcenterrightdel

 Các tàu chở hàng di chuyển trên Biển Đỏ. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến liên quan đến nỗ lực bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đỏ, theo RT, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận để khởi động sứ mệnh hải quân ở Biển Đỏ nhằm mục đích bảo vệ các tàu thương mại trước những cuộc tấn công của Houthi. Thông tin này được Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell công bố sau cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao EU ở Brussels (Bỉ), ngày 22-1. “Về nguyên tắc, chúng tôi đã đồng ý bắt đầu sứ mệnh của EU tại Biển Đỏ. Chúng tôi sẽ cần thống nhất về thời điểm sứ mệnh bắt đầu”, ông Borrell cho biết. Theo Sputnik, Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Joao Gomes Cravinho cho biết, nước này sẽ tham gia vào sứ mệnh của EU nhằm bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đỏ. Ông Cravinho lưu ý: “Chúng tôi sẽ không triển khai tàu khu trục hay loại tàu nào khác, nhưng chúng tôi sẽ tham gia bằng hình thức nào đó”.

Theo kế hoạch, EU sẽ triển khai các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bảo vệ các tàu hàng trong trường hợp có mối đe dọa. EU hiện đang nghiên cứu chi tiết kế hoạch thực hiện sứ mệnh hải quân. Các quan chức cần phải quyết định tàu của nước thành viên EU nào sẽ tham gia sứ mệnh cũng như thống nhất các quy tắc phản ứng nếu những tàu đó bị Houthi tấn công. EU cũng chưa xác định rõ quốc gia nào sẽ nắm quyền chỉ huy sứ mệnh này. Hãng tin Reuters dẫn những nguồn tin ngoại giao cho biết, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu đặt mục tiêu thành lập lực lượng trước ngày 19-2 và bắt đầu triển khai hoạt động ngay sau đó. Ở giai đoạn đầu của sứ mệnh ở Biển Đỏ, dự kiến sẽ có sự tham gia của ít nhất 3 tàu chiến.

Trong thời gian qua, Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu mà lực lượng này cho là có liên hệ với Israel để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine ở dải Gaza. Các cuộc tấn công của Houthi làm gián đoạn hoạt động vận chuyển qua tuyến đường thủy mà trước đây chiếm tới 12% thương mại toàn cầu, khiến chi phí của các nhà xuất khẩu tăng cao, gây ra sự chậm trễ trong việc giao hàng. Nhiều hãng vận tải lớn đã tạm dừng di chuyển các tàu của mình qua Biển Đỏ, thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.