Theo AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các cuộc tấn công ngày 11-1 nhằm chứng minh rằng Mỹ và các đồng minh “sẽ không dung thứ” cho các cuộc tấn công không ngừng của Houthi ở Biển Đỏ. Mỹ và đồng minh thực hiện động thái này sau những nỗ lực đàm phán ngoại giao và cân nhắc kỹ lưỡng. Trong một tuyên bố, ông Joe Biden nhấn mạnh: “Những cuộc tấn công này nhằm đáp trả trực tiếp các cuộc tấn công chưa từng có của Houthi nhằm vào các tàu hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ”. Ông chủ Nhà Trắng lưu ý rằng các cuộc tấn công của Houthi gây nguy hiểm cho nhân viên và thủy thủ dân sự của Mỹ cũng như đe dọa thương mại toàn cầu. Do đó, ông Joe Biden nhấn mạnh sẽ không ngần ngại đưa ra các biện pháp tiếp theo để bảo vệ người dân Mỹ và dòng chảy tự do của thương mại quốc tế khi cần thiết.

Máy bay chiến đấu của Mỹ chuẩn bị cất cánh trong cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở của Houthi ở Yemen. Ảnh: Reuters 

Về phần mình, theo CNN, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, Không quân Hoàng gia Anh đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở quân sự được Houthi sử dụng ở Yemen. Các cuộc tấn công nhằm mục đích làm suy giảm khả năng quân sự của Houthi và bảo vệ hoạt động vận chuyển toàn cầu. Theo ông Sunak, Houthi tiếp tục coi thường các cảnh báo quốc tế và liên tục tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ, trong đó gây ra các sự cố cho tàu chiến của Anh và Mỹ.

Máy bay của Không quân Hoàng gia Anh cất cánh tham gia cuộc tấn công các cơ sở của Houthi ở Yemen. Ảnh: Reuters.

Sau khi bị Mỹ và Anh không kích, lực lượng Houthi cũng đã tấn công trả đũa nhằm vào các tàu chiến của hai nước này ở Biển Đỏ. Theo Reuters, chỉ huy cấp cao Abdul Salam Jahaf của Houthi tuyên bố rằng lực lượng này sẽ không dừng các cuộc tập kích trên Biển Đỏ cho tới khi cuộc xung đột ở dải Gaza kết thúc. Trước đó, quan chức đối ngoại của Houthi là Hussein al-Ezzi cũng khẳng định rằng Mỹ và Anh sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề khi tấn công các cơ sở của lực lượng này ở Yemen.

 

Tàu khu trục HMS Diamond của hải quân Hoàng gia Anh hiện diện ở Biển Đỏ. Ảnh: The Independent. 

Cuộc tấn công quân sự phối hợp giữa Mỹ và Anh với sự hỗ trợ của Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan diễn ra chỉ một tuần sau khi Nhà Trắng và một loạt quốc gia đối tác đưa ra tối hậu thư với Houthi rằng hãy ngừng các cuộc tấn công hoặc đối mặt với các phản ứng quân sự. Ban đầu, cảnh báo này phát huy tác dụng trong ngắn hạn khi các cuộc tấn công đã dừng lại trong một vài ngày. Tuy nhiên, hôm 9-1 vừa qua, Houthi đã tiến hành cuộc không kích lớn nhất từ trước đến nay bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ. Đến ngày 11-1, Houthi bắn một tên lửa đạn đạo chống hạm vào các tuyến đường vận chuyển quốc tế ở vịnh Aden. Tính từ ngày 19-11-2023, Houthi đã bắt giữ tàu thương mại Galaxy Leader và tiến hành hơn 20 cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV nhằm vào các tàu thương mại và tàu hải quân ở Biển Đỏ để ngăn tất cả tàu đi đến Israel qua tuyến đường biển quan trọng này. Houthi giải thích hành động này nhằm buộc Israel ngừng không kích dải Gaza.

Trong bối cảnh Mỹ và Anh tấn công các cơ sở của Houthi ở Yemen dẫn đến việc lực lượng này có hành động đáp trả, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Theo AFP, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: “Bắc Kinh lo ngại tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và kiềm chế để ngăn căng thẳng leo thang”. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định trên Biển Đỏ, cũng như bảo đảm tự do hàng hải đáp ứng nhu cầu quốc tế. 

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.