Theo AFP, ngày 24-5, ICJ-cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc (LHQ)-đã ra phán quyết yêu cầu Israel ngừng các hoạt động quân sự ở thành phố Rafah. Đây được xem là phán quyết mang tính bước ngoặt có khả năng làm tăng thêm áp lực quốc tế đối với Israel sau hơn 7 tháng kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát ở Gaza hồi tháng 10-2023.

Trong phán quyết, ICJ yêu cầu Israel phải “ngay lập tức dừng cuộc tấn công quân sự và bất kỳ hành động nào khác ở Rafah có thể gây ra cho nhóm người Palestine ở Gaza những điều kiện sống có thể dẫn đến sự hủy diệt vật chất toàn bộ hoặc một phần”. ICJ yêu cầu Israel phải duy trì việc mở cửa khẩu Rafah để việc cung cấp các dịch vụ cơ bản và hỗ trợ nhân đạo không bị cản trở. Cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza đã bị đóng cửa hồi đầu tháng này khi Israel bắt đầu cuộc tấn công vào thành phố.

Ngoài ra, ICJ cũng yêu cầu thả ngay lập tức tất cả con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7-10-2023. “Tòa án thấy thật đáng lo ngại khi nhiều con tin vẫn đang bị giam giữ và nhắc lại lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ”, ICJ nhấn mạnh trong một tuyên bố. Quyết định của ICJ được đưa ra hai tuần sau khi Nam Phi đệ trình kiến nghị kêu gọi cơ quan này yêu cầu Israel thực thi lệnh ngừng bắn và ngừng chiến dịch tấn công Gaza trong bối cảnh thương vong dân sự ở khu vực này ngày một gia tăng.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel ở thành phố Rafah, phía Nam dải Gaza. Ảnh: Reuters 

Phản ứng sau khi ICJ đưa ra phán quyết, Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ tham khảo ý kiến các bộ trưởng về vấn đề này. Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi cho biết: “Israel chưa và sẽ không thực hiện các hoạt động quân sự ở Rafah có khả năng gây ra sự hủy diệt vật chất hoàn toàn hoặc một phần đối với điều kiện sinh sống của người dân Palestine”.

Trong diễn biến liên quan, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của ICJ và kêu gọi Israel tuân thủ phán quyết. Chính quyền Palestine cho rằng phán quyết này thể hiện sự đồng thuận quốc tế nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza. Về phần mình, lực lượng Hamas cũng ca ngợi phán quyết trên, nhưng tỏ ý không hài lòng khi phán quyết chỉ áp dụng cho Rafah chứ không phải toàn bộ Gaza. Trong khi đó, Nam Phi kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ ủng hộ phán quyết này. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh: “Israel có nghĩa vụ thực thi phán quyết của ICJ”. Trong tuyên bố kêu gọi Israel tuân thủ phán quyết, Bộ Ngoại giao Ai Cập lưu ý phán quyết của ICJ phù hợp với tình hình hiện nay ở Gaza, nơi hàng chục nghìn người Palestine vô tội đã thiệt mạng và hầu hết cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Theo Tân Hoa xã, Bộ trưởng về biến đổi khí hậu và năng lượng Australia Chris Bowen ủng hộ phán quyết của ICJ, đồng thời nhấn mạnh tình hình ở Rafah là một thảm họa nhân đạo.

Các phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc pháp lý. TASS dẫn thông báo của Văn phòng báo chí LHQ cho biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhắc lại rằng các phán quyết của ICJ là có tính ràng buộc và tin tưởng các bên sẽ tuân thủ hợp lệ phán quyết của Tòa án. Ngoài ra, ông Guterres sẽ nhanh chóng chuyển thông báo cho Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về các biện pháp tạm thời do ICJ đưa ra. Trong trường hợp Israel phớt lờ phán quyết của ICJ, vấn đề này sẽ được đưa ra HĐBA LHQ. 

Theo số liệu của LHQ, quân đội Israel bắt đầu tiến vào Rafah-thành trì cuối cùng của Hamas vào đầu tháng 5 này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Kể từ đó, hơn 800.000 người buộc phải rời khỏi Rafah, từng là nơi trú ẩn của 1,4 triệu người Palestine sau khi xung đột Israel-Hamas nổ ra. Hoạt động quân sự của Israel tại Rafah khiến tuyến đường chính vận chuyển viện trợ nhân đạo vào Gaza bị cắt đứt, gây nhiều lo ngại về thiệt hại về người và nạn đói gia tăng.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.