Đây là lần đầu tiên Ấn Độ tổ chức một cuộc họp đặc biệt với các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ. Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan đồng chủ trì.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Jaishankar nhấn mạnh, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ sẽ góp phần thúc đẩy toàn cầu hóa phi tập trung, kiến tạo nên các chuỗi cung ứng linh hoạt và đáng tin cậy. Ấn Độ hoàn toàn ủng hộ một ASEAN mạnh mẽ, thống nhất và thịnh vượng, một ASEAN có vai trò trung tâm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ đang đạt tới độ chín và được xây dựng trên nền tảng vững chắc. “ASEAN là trung tâm của Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ”, tờ Hindustan Times dẫn lời ông Bagchi.
 |
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ khai mạc tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 16-6. Ảnh: Twitter của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar
|
Lâu nay, Ấn Độ và các nước ASEAN vốn có lập trường tương đồng về các vấn đề quốc tế. Tại hội nghị lần này, quan chức cấp cao hai bên đã xem xét, đánh giá hợp tác theo 3 trụ cột của quan hệ đối tác là chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội; thảo luận về các bước để tiếp tục triển khai kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2021-2025. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, bao gồm cuộc khủng hoảng do Covid-19 và phục hồi sau đại dịch.
Theo ông Jaishankar, đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc và con đường phục hồi sau đại dịch còn nhiều chông gai: “Con đường này thậm chí còn trở nên gian nan hơn với những khó khăn về địa chính trị mà chúng ta phải đối mặt do những diễn biến ở Ukraine và tác động trực tiếp của nó đối với an ninh lương thực và năng lượng, cũng như giá phân bón và hàng hóa leo thang, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng”.
Còn theo Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Balakrishnan, bên cạnh cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc “có tác động trực tiếp đến tất cả chúng ta... Những vấn đề này, nếu không được kiểm soát, có thể đe dọa toàn bộ hệ thống hòa bình và ổn định của chúng ta-vốn là nền tảng của sự tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng trong nhiều thập kỷ”. Ông Balakrishnan bày tỏ mong muốn hội nghị lần này là cơ hội để ASEAN-Ấn Độ tăng cường liên kết và xây dựng khả năng ứng phó với các thách thức đang và sẽ diễn ra trong tương lai.
Đánh giá về vị thế, vai trò của ASEAN trong khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar mô tả ASEAN là “ngọn hải đăng của chủ nghĩa khu vực, chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa”. ASEAN đã tạo lập cho mình một vị trí quan trọng trong khu vực và xây dựng nền tảng cấu trúc kinh tế và chiến lược phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. “Vai trò của ASEAN ngày nay có lẽ quan trọng hơn bao giờ hết, trước những thách thức và bất ổn địa chính trị mà thế giới phải đối mặt”, ông cho biết và lưu ý rằng, sự hội tụ mạnh mẽ giữa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) là minh chứng cho tầm nhìn chung của hai bên đối với khu vực.
Ấn Độ và ASEAN lần đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác vào năm 1992 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2012. Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, hợp tác thương mại ASEAN-Ấn Độ đã gia tăng nhanh thời gian qua, với thương mại song phương tăng từ 5,8 tỷ USD năm 1996 lên 84,39 tỷ USD vào năm 2021.
Tuy nhiên, nếu so với thương mại ASEAN-Trung Quốc thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn bởi lâu nay-kể từ năm 2009-Bắc Kinh đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, với thương mại hai chiều đạt khoảng 878 tỷ USD vào năm 2021.
Muốn tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực, Ấn Độ sẽ cần đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các nước ASEAN. Tuy nhiên, quốc gia này đang gặp bất lợi vì không tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) (hiệp định có sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand).
Năm 2022 là Năm Hữu nghị ASEAN-Ấn Độ. Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ đã trở thành một trong những mối quan hệ phát triển nhanh nhất, năng động và toàn diện nhất của ASEAN. Theo nhận định của các nhà phân tích chính trị, hội nghị lần này là cơ hội hiếm có để ASEAN-Ấn Độ nâng tầm mối quan hệ lên cấp đối tác chiến lược toàn diện, trong bối cảnh thế giới và khu vực còn tiềm ẩn nhiều xung đột và bất ổn chưa thể giải quyết một sớm một chiều.
HÀ PHƯƠNG