Thủ tướng Merkel là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ 3, sau Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sẽ gặp Tổng thống Joe Biden ở Nhà Trắng kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1-2021. Đây cũng là chuyến thăm chia tay của bà Merkel sau gần 16 năm nắm quyền lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu và diễn ra chỉ hai tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.

Với gần 16 năm giữ cương vị thủ tướng 4 nhiệm kỳ, bà Merkel cầm quyền lâu hơn nhiều người đồng cấp nước ngoài khác, bao gồm cả 3 đời tổng thống Mỹ. Nữ thủ tướng Merkel đã lãnh đạo nước Đức trong 3 năm nhiệm kỳ hai của Tổng thống George W. Bush, 8 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama và 4 năm đầy biến động trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Nếu bà Merkel có một mối quan hệ thân tình, mang tính xây dựng và thậm chí nồng nhiệt với Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Obama, thì ngược lại mối quan hệ với ông Trump hết sức khó khăn.

leftcenterrightdel
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nguồn: dw.com.

Ngược lại lịch sử vào những năm 2003-2004, mối quan hệ giữa Washington và Berlin từng ở mức thấp khi Tổng thống Bush và Thủ tướng Đức Gerhard Schroder có quan điểm khác nhau về cuộc chiến Iraq. Mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Condoleezza Rice đã nói rằng, có một “bầu không khí bị nhiễm độc” giữa hai chính phủ. Năm 2005, bà Merkel nhậm chức thủ tướng và chuyến thăm Mỹ của bà một năm sau đó đã mở ra chương mới trong mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo nói riêng, giữa hai nước Đức-Mỹ nói chung, cởi mở và thân thiện hơn.

Quan hệ Đức-Mỹ “thăng hoa” dưới thời cầm quyền của Tổng thống Obama. Mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo đã góp phần xây dựng quan hệ hai nước tốt đẹp, thiện chí và hiểu biết lẫn nhau. Trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ hai, một trong những chuyến công du nước ngoài cuối cùng mà ông Obama thực hiện là gặp bà Merkel ở Berlin. Trong chuyến đi đó, vào tháng 11-2016, ông Obama gọi bà Merkel là một “đối tác xuất sắc”, ca ngợi bà là người “chính trực, trung thực, chu đáo” và nói rằng nếu ông là một cử tri Đức, chắc chắn ông sẽ chọn bà cho một nhiệm kỳ khác.

Ấy nhưng, mối thân tình Đức-Mỹ đã quay ngoắt 180 độ kể từ khi ông Trump nhậm chức đầu năm 2017. Có lẽ nhiều người vẫn chưa thể quên khoảnh khắc “gây bão” khi ông chủ Nhà Trắng không hiểu vô tình hay hữu ý đã nhiều lần từ chối bắt tay Thủ tướng Merkel trong cuộc gặp mặt đầu tiên tại Washington hồi tháng 3-2017, khiến giới chức hai nước không khỏi khó xử. Vì mục tiêu cốt lõi “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, Washington và Berlin đã không ít lần bất đồng, thậm chí là trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trước hàng loạt vấn đề: Từ chính sách thương mại, vấn đề nhập cư, chi tiêu quốc phòng, cho đến hồ sơ hạt nhân Iran, quan hệ với Nga. Sự “lệch pha” trong quan điểm đã khiến mối quan hệ Đức-Mỹ những ngày sau đó thật sự không êm ả.

“Phá băng” quan hệ Mỹ-Đức là mong muốn mà Thủ tướng Merkel hướng tới kể cả khi nhiệm kỳ của bà kết thúc sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới. Về phần mình, Tổng thống Biden mong muốn cải thiện quan hệ với Đức, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong việc phối hợp giải quyết các thách thức hiện tại, bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế...

Điểm nổi bật trong chuyến thăm Mỹ của bà Merkel chính là cuộc hội đàm với ông Biden tại Nhà Trắng vào hôm nay (15-7), giờ Washington. Cuộc gặp rất có thể sẽ được đánh dấu bằng những cử chỉ thân thiện và lời nói ấm áp. Hai lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận một loạt vấn đề, từ cam kết thúc đẩy hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương cho đến tình hình an ninh đang xấu đi ở Afghanistan, an ninh mạng, ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, các vấn đề thương mại...

Tuy nhiên, cuộc hội đàm được cho là khó có thể đạt được đột phá lớn do hai bên còn tồn tại một số bất đồng chủ chốt, trong đó có dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) và chính sách đối với Trung Quốc. Dự án Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD là “rào cản” lớn giữa Mỹ và Đức từ nhiều năm nay. Mỹ và một số nước Đông Âu lo ngại rằng, với đường ống Nord Stream 2 chạy qua biển Baltic gần như đã hoàn thiện này, Nga có thể loại Ukraine ra khỏi lộ trình trung chuyển khí đốt tới châu Âu, khiến Kiev mất đi nguồn thu đáng kể lâu nay. Ngoài ra, dự án này sẽ càng khiến châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Trấn an những lo ngại trên, Thủ tướng Merkel khẳng định rằng, Ukraine sẽ vẫn là điểm trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu ngay cả khi dự án Nord Stream 2 hoàn tất. Đức ý thức được những lo ngại của Ukraine trong vấn đề này và Berlin cam kết bảo đảm để Kiev tiếp tục là nhà trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu như hiện nay, thậm chí điều này sẽ được duy trì với mọi thủ tướng tiếp theo của Đức. Bà Merkel cũng chỉ rõ rằng đối với Berlin, việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine là cấu thành trong tổng thể nguồn khí đốt nhập khẩu của Đức.

Bên cạnh đó, Đức và Mỹ cũng khó có thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới chính sách đối với Trung Quốc. Trong suốt 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Merkel là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ kinh tế giữa Đức và châu Âu với Trung Quốc. Trái lại, chính quyền Tổng thống Biden coi Trung Quốc là “mối đe dọa”. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức sẽ chỉ kêu gọi Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu khí carbon, tăng cường hệ thống y tế toàn cầu và mở cửa thị trường hơn nữa. Ngoài những vấn đề nêu trên, giữa Đức và Mỹ cũng tồn tại một số bất đồng khác, trong đó có chủ trương của Mỹ tạm dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 để giúp tăng cường sản xuất vaccine, trong khi Đức lại phản đối ý tưởng này. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn từ chối nới lỏng hạn chế đi lại đối với châu Âu.

Dù tồn tại một số bất đồng chưa thể hóa giải trong một sớm một chiều, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Merkel lần này được kỳ vọng sẽ “phá băng” đưa quan hệ đồng minh Mỹ-Đức trở về quỹ đạo vốn có của nó, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung, mở ra thời kỳ mới của quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương.

LINH OANH