Trong một bài viết mới đây, trang mạng Defense News cho biết, tàu hộ vệ lớp Ada TCG Kinaliada của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi hành từ ngày 8-4. Theo lịch trình, trên đường đến thăm Nhật Bản nhân kỷ niệm 100 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tàu TCG Kinaliada dừng chân tại Saudi Arabia, Djibouti, Somalia, Maldives, Bangladesh, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Trên đường trở về nước, tàu TCG Kinaliada sẽ ghé thăm Philippines, Singapore, Sri Lanka, Ấn Độ, Oman, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Pakistan, Jordan.
 |
Tàu hộ vệ TCG Kinaliada của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Defense News
|
Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, một cuộc triển lãm trưng bày các sản phẩm quốc phòng nội địa đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp nước này nhân dịp tàu TCG Kinaliada thăm thành phố Jeddah của Saudi Arabia. Ngoài ra, trong số các quốc gia mà tàu TCG Kinaliada thăm theo lịch trình, có một vài, chứ không phải tất cả, là khách hàng của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, theo Defense News, giới phân tích cho rằng, thông điệp đằng sau chuyến thăm của tàu TCG Kinaliada là ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ muốn giành được chỗ đứng lớn hơn tại châu Á.
Bà Diren Doğan, giảng viên Đại học Alanya Alaaddin Keykubat (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết, tàu TCG Kinaliada thăm hàng loạt quốc gia châu Á trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai "Sáng kiến châu Á mới" (được công bố hồi năm 2019), nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Ankara với khu vực. Thông qua sáng kiến này, Thổ Nhĩ Kỳ xác định bản thân không phải là "quốc gia bên ngoài"-vốn chỉ bắt đầu quan tâm tới châu Á khi chứng kiến sự trỗi dậy của khu vực-mà thay vào đó là "quốc gia mang bản sắc châu Á ở mọi giai đoạn lịch sử". Bà Doğan lưu ý "Sáng kiến châu Á mới" không đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ phải chọn bên giữa lúc gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc, ưu tiên "lợi ích đôi bên" và tạo "vùng an toàn" để hợp tác trong cả lĩnh vực nhạy cảm như công nghiệp quốc phòng. Điều này khiến các sản phẩm quốc phòng do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trở nên hấp dẫn với châu Á.
Theo chuyên gia Çağlar Kurç thuộc Đại học Abdullah Gül của Thổ Nhĩ Kỳ, các sản phẩm quốc phòng do Ankara sản xuất có chất lượng cao và giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm tương tự của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không sử dụng việc mua bán vũ khí làm "con bài mặc cả". "Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà cung cấp đáng tin cậy. Khi nhiều quốc gia châu Á đa dạng nguồn cung vũ khí nhằm phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa quân đội, họ sẽ tìm kiếm những nhà cung cấp nào đưa ra mức giá phải chăng và không cản trở sự tự chủ của họ. Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là liên quan tới các hệ thống không người lái, có thể có được lợi thế quan trọng tại khu vực", ông Kurç nhấn mạnh.
 |
Tàu hộ vệ TCG Kinaliada của Thổ Nhĩ Kỳ thăm thành phố Jeddah của Saudi Arabia. |
Trên thực tế, ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã hiện diện tại khu vực từ trước khi "Sáng kiến châu Á mới" được công bố. Nhà thầu quốc phòng FNSS của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hoạt động tại Indonesia và Malaysia từ đầu thập niên 2000. Năm 2018, hãng đóng tàu ASFAT của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng cung cấp tàu hộ vệ lớp Milgem cho Pakistan. Năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ bán 6 máy bay trực thăng chiến đấu T129 Atak cho Philippines. Hồi tháng 1 năm nay, Indonesia thông báo có kế hoạch mua 45 tên lửa chống hạm Atmaca của Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 3-2024, Malaysia cũng công bố kế hoạch mua các tàu hộ vệ lớp Ada do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn giao cho Maldives các máy bay chiến đấu không người lái TB2 vào tháng 3 năm nay để thực hiện nhiệm vụ tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của quốc đảo.
Tờ Daily Sabah cho biết, trong một thập niên qua, ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước phát triển nhanh chóng với các sản phẩm chứng minh được độ hiệu quả cao. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một "ngôi sao đang lên" trên thị trường xuất khẩu quốc phòng toàn cầu. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 4,3 tỷ USD trong năm 2022 và đạt 5,5 tỷ USD trong năm 2023. Với 230 chủng loại sản phẩm khác nhau được xuất khẩu sang 185 quốc gia, Thổ Nhĩ Kỳ là nhà xuất khẩu quốc phòng lớn thứ 11 thế giới. Defense News cho biết, châu Á, ngoại trừ các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), chiếm 16% xuất khẩu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.
HOÀNG VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.