Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng quan tâm tới châu Phi. Một trong những lý do quan trọng nhất khiến Thổ Nhĩ Kỳ muốn tăng cường hiện diện tại châu Phi là nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ của khu vực này. Ankara đã đặt mục tiêu đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống ở châu Âu và châu Á.
Trong khi đó, châu Phi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, bao gồm khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt. Việc đảm bảo tiếp cận các nguồn tài nguyên này có ý nghĩa rất quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngoài ra, tăng cường quan hệ với các nước châu Phi là một động thái chiến lược nhằm nâng cao ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế và trong các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc. 54 quốc gia châu Phi tạo thành một khối có nhiều phiếu bầu tại Liên hợp quốc và mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia này có thể củng cố vị thế quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ.
 |
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler (bên phải) và người đồng cấp Somalia Abdulkadir Mohamed Nur tại lễ ký thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng và kinh tế tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-2-2024. Ảnh: Anadolu.
|
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sử dụng ngoại giao, viện trợ nhân đạo và các dự án phát triển để xây dựng hình ảnh tích cực và thúc đẩy quan hệ với các quốc gia châu Phi. Chiến lược quyền lực mềm này giúp Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mình là đối tác đáng tin cậy của châu Phi.
Chuyên gia về châu Phi Ibrahim Tigli cho biết: “Chính sách châu Phi của Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên ngoại giao và kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã mở đại sứ quán tại hầu hết các nước châu Phi, đang chuyển mối quan hệ của mình với họ từ cấp độ vĩ mô sang cấp độ vi mô. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có chính sách về Somalia ở cấp độ vi mô. Nền tảng của chính sách này được đặt ra vào năm 2011. Thổ Nhĩ Kỳ định hướng chính sách về Somalia của mình bắt đầu bằng việc cung cấp viện trợ thành chính sách hợp tác chiến lược và kinh tế”.
Trong thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng đáng kể sự hiện diện ngoại giao của mình tại châu Phi bằng cách mở các đại sứ quán tại nhiều nước. Sự mở rộng này nhằm mục đích tăng cường quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác chính trị. Các chuyến thăm thường xuyên của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước châu Phi giúp củng cố quan hệ ngoại giao và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, an ninh và trao đổi văn hóa.
Kim ngạch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi hiện đạt gần 50 tỷ USD. Cách đây 20 năm, con số này chỉ là 3 tỷ USD. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương với từng quốc gia châu Phi nhằm mục đích xóa bỏ rào cản, giảm thuế quan và thúc đẩy hợp tác kinh tế. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên khắp châu Phi, bao gồm xây dựng đường bộ, cầu, sân bay và các cơ sở năng lượng. Các dự án này thúc đẩy nền kinh tế địa phương và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơ quan hợp tác và điều phối Thổ Nhĩ Kỳ (TIKA) đóng vai trò then chốt trong chiến lược viện trợ phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ. TIKA triển khai nhiều dự án ở châu Phi, tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp để hỗ trợ phát triển bền vững. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung cấp viện trợ nhân đạo đáng kể cho các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng bởi xung đột, thiên tai và các cuộc khủng hoảng khác. Các gói viện trợ nâng cao hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác luôn sẵn sàng hỗ trợ các nước gặp khó khăn.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ huấn luyện quân sự cho các quốc gia châu Phi để giúp họ tăng cường năng lực phòng thủ và chống khủng bố. Sự hợp tác này bao gồm các cuộc tập trận chung, các chương trình đào tạo và cung cấp thiết bị quân sự. Việc hợp tác với các quốc gia châu Phi về chống khủng bố rất cần thiết cho an ninh khu vực và toàn cầu. Sự ổn định ở châu Phi cũng có thể giúp quản lý dòng người di cư. Đây là một mối quan tâm đáng kể đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia trung chuyển của những người di cư đến châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ toàn diện và cùng có lợi với các quốc gia châu Phi. Sự hiện diện ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi là bằng chứng cho tầm nhìn chiến lược của Ankara trong việc thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ và đa diện với khu vực. Cách tiếp cận này không chỉ giúp tăng cường tầm ảnh hưởng toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn góp phần vào sự phát triển và ổn định của châu Phi.
LÂM ANH (theo TRT World)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.