Cách đó hơn 13.000km, tại thành phố Villa Carlos Paz của Argentina, bà giáo nghỉ hưu 66 tuổi Raquel Greco đang xem một tập phim hài lãng mạn của Thổ Nhĩ Kỳ, xung quanh là những kỷ vật từ chuyến đi Istanbul. “Như một giấc mơ ấy, tôi không dám tin mình lại có mặt tại nơi từng được thấy trên phim”, bà Raquel chia sẻ về chuyến du lịch tới Istanbul vào tháng 4 năm nay.
Sự phổ biến toàn cầu của phim ảnh Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quốc gia này lọt vào tốp các nước xuất khẩu phim ảnh hàng đầu thế giới, góp phần củng cố đáng kể hình ảnh quốc tế của đất nước nằm ở điểm giao cắt giữa châu Á và châu Âu này; từ đó thu hút hàng triệu du khách nước ngoài đến thăm các di tích lịch sử-văn hóa, nơi được dựng thành phim trường phục vụ ghi hình trong nhiều bộ phim Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên AP News, giới chuyên gia nhận định, sự thành công của các chương trình điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy ngành công nghiệp tỷ đô của nước này phát triển mạnh mẽ và tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới. Qua đó, sức mạnh mềm của Thổ Nhĩ Kỳ từng bước được củng cố.
Theo công ty nghiên cứu Parrot Analytics, từ năm 2020 đến 2023, nhu cầu phim điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ trên toàn cầu đã tăng 184%, đưa nước này trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu phim ảnh lớn nhất thế giới. "Chúng tôi tiếp cận hơn 400 triệu người xem mỗi đêm trên toàn cầu... Sức mạnh mềm mà nền nghệ thuật thứ bảy của Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra thậm chí còn vượt qua những gì mà sức mạnh chính trị-quân sự của chúng tôi đem lại”, AP News dẫn tuyên bố của Giám đốc điều hành Izzet Pinto của Global Agency, một đơn vị xuất khẩu phim ảnh Thổ Nhĩ Kỳ.
"Deli Yurek" là loạt phim Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được xuất khẩu sang Kazakhstan vào năm 2001, song phải đến năm 2005, loạt phim lãng mạn "Gumus" mới khiến điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ trở nên nổi tiếng. Bộ phim xoay quanh một người phụ nữ truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ thích nghi với cuộc sống đô thị, đã trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Đông. Năm 2006, bộ phim thần thoại “Nghìn lẻ một đêm” dựa trên truyện cổ cùng tên gây sốt cho khán giả các nước vùng Balkan, nhiều người mê mẩn với bối cảnh của thành phố Istanbul huyền bí và chất chứa những nét văn hóa đặc sắc trải qua nhiều thời đại cổ xưa.
Từng là quốc gia nhập khẩu phim truyền hình dài tập Mỹ Latin, ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực xuất khẩu phim ảnh sang khu vực này. Năm 2018, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đến thăm trường quay bộ phim “Resurrection: Ertugrul” và nhấn mạnh sức hấp dẫn của bộ phim tại Venezuela.
Haley Uganadi, người sáng lập nền tảng “Dizilah” dành cho người hâm mộ điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, phim Thổ Nhĩ Kỳ thường tập trung vào chủ đề gia đình, tình bạn, tình yêu, với bối cảnh là cuộc sống xa hoa ở Istanbul hoặc lịch sử phong phú của Thổ Nhĩ Kỳ. “Dù bạn đến từ quốc gia nào, khi xem phim Thổ Nhĩ Kỳ, bạn sẽ thấy hình ảnh phản chiếu của người mẹ, của bản thân và của anh chị em trong một gia đình”, Haley chia sẻ. Nền tảng của cô hiện thu hút khoảng 1,5 triệu lượt xem mỗi tháng, với người hâm mộ đến từ nhiều nơi như: Mỹ, Canada, Hy Lạp, Ấn Độ, Pakistan...
Lý giải vì sao điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ được lòng người hâm mộ không phân biệt lứa tuổi, Giám đốc điều hành Global Agency cho hay, ngoài việc tạo cho khán giả cảm giác thân thiện, ấm áp, phim Thổ Nhĩ Kỳ luôn chứa đầy kịch tính và lôi cuốn bởi nét văn hóa phảng phất sự huyền bí giữa phương Đông và phương Tây, và một điều quan trọng là: "Không có cảnh khỏa thân, không chửi thề hay lời lẽ thô tục, không ám ảnh bởi thù, ghét-yêu, hận, lại mang bản chất hướng đến nền tảng gia đình. Vì vậy, phim Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với người xem ở mọi lứa tuổi".
Xuất khẩu điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ thu về 1 tỷ USD vào năm 2023 và tác động đáng kể đến ngành du lịch nước này. Hình ảnh Istanbul vừa cổ xưa, tráng lệ, vừa hiện đại, quyến rũ, cùng nền ẩm thực, âm nhạc và văn hóa phong phú, đa dạng đang từng bước giúp Thổ Nhĩ Kỳ củng cố sức mạnh mềm trên phạm vi toàn cầu.
HÀ PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.