“Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc đối đầu ở châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ thập niên 1980. Dù chúng ta đang có ít đầu đạn hạt nhân hơn, nhưng khả năng phải sử dụng đến chúng lại ngày càng gia tăng"”, Roi-tơ dẫn phát biểu của ông I-go I-va-nốp trong một sự kiện diễn ra tại Brúc-xen (Brussels, Bỉ) ngày 19-3.
Theo ông I-go I-va-nốp, người từng giữ chức Ngoại trưởng Nga trong giai đoạn 1998-2004, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu là một trong những lý do làm gia tăng nguy cơ vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng tại khu vực này. Cuối năm ngoái, Mỹ đã hoàn thành việc lắp đặt các thành phần quan trọng thuộc cơ sở phòng thủ tên lửa mới của nước này tại căn cứ quân sự Deveselu ở Ru-ma-ni. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa lớp Aegis trên mặt đất, được trang bị hệ thống ra-đa công suất lớn SPY-1, các tên lửa đánh chặn tầm xa SM-3 và thiết bị viễn thông. Tại Ba Lan, quốc gia láng giềng của Nga, Mỹ cũng có một căn cứ tương tự và dự kiến căn cứ này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018.
Một phần hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà Mỹ triển khai tại Ba Lan. Ảnh: sputniknews.com
Thời gian vừa qua, Nga đã nhiều lần phản đối kế hoạch của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bố trí các thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga, đồng thời khẳng định kế hoạch trên sẽ làm suy yếu an ninh của Nga và buộc Mát-xcơ-va phải áp dụng các biện pháp đáp trả để ngăn chặn mối đe dọa này. Tuy nhiên, Oa-sinh-tơn và NATO đã phản bác ý kiến trên. Theo Tổng thư ký NATO Gien Xtôn-ten-bớc (Jens Stoltenberg), lá chắn tên lửa của NATO được thiết kế để bảo vệ châu Âu trước hiểm họa từ tên lửa đạn đạo của I-ran và không nhằm vào Nga, cũng như không có khả năng bắn hạ tên lửa của Nga.
Trong bài phát biểu ngày 19-3 vừa qua, ông I-go I-va-nốp cũng khẳng định chắn chắn rằng “nếu Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan, Nga sẽ đáp trả bằng cách triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của mình tại tỉnh Ca-li-lin-grát (Kaliningrad)”. Ca-li-lin-grát có vị trí địa lý đặc biệt khi nằm tách biệt với lãnh thổ Nga nhưng lại “sát sườn” các nước thuộc NATO và Liên minh châu Âu. Tại đây, hiện Nga cũng có một trạm ra-đa cảnh báo sớm nhằm cảnh báo và giám sát các vụ phóng tên lửa có nguy cơ đe dọa nước Nga.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, mặc dù Mỹ và Nga đã cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng quá trình này có dấu hiệu chững lại. Tính đến tháng 1-2015, Nga và Mỹ mỗi nước vẫn sở hữu hơn 7.000 đầu đạn hạt nhân, chiếm 90% tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, theo ông I-go I-va-nốp, hiện NATO và châu Âu vẫn chưa thể tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở U-crai-na và đôi bên có rất ít cơ hội hòa giải về vấn đề này. “Con đường của châu Âu và Nga đang bị chia rẽ nghiêm trọng và sẽ như vậy trong một thời gian dài, có thể là nhiều thập niên tới”, người từng đứng đầu ngành ngoại giao Nga dự đoán.
Tổng hợp lại những nhận định của cựu Ngoại trưởng Nga I-go I-va-nốp, có thể thấy rằng tình trạng đối đầu, chia rẽ giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề U-crai-na, những bất đồng quan điểm về kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO ở châu Âu, cộng với kho vũ khí hạt nhân chưa được cắt giảm rõ rệt là những nguyên nhân khiến châu Âu chưa thoát khỏi hiểm họa chiến tranh hạt nhân.
TRUNG DŨNG