leftcenterrightdel
  Binh nhất Mộng Văn Đức nấu ăn phục vụ bộ đội. Ảnh: HỮU TÂN

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ, tôi vẫn luôn cẩn trọng trong từng công đoạn và không ngừng học hỏi qua sách báo, đồng đội để cải tiến cách chế biến, trình bày món ăn sao cho hấp dẫn, đẹp mắt, ngon miệng. Tôi cũng thường gặp gỡ, trò chuyện với đồng đội để xem món ăn do mình chế biến có bảo đảm và hợp khẩu vị không, từ đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh, phục vụ tốt hơn. Song song với nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày, chúng tôi còn dành nhiều thời gian thu dọn, vệ sinh nhà ăn, nhà bếp gọn gàng, sạch sẽ để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm nơi chế biến, ăn uống. Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy đồng đội ăn hết khẩu phần, khen ngon. Dự định của tôi sau khi xuất ngũ là đi học một khóa dạy nấu ăn, sau đó mở cửa hàng ăn uống để thỏa niềm đam mê nấu nướng và phát triển kinh tế gia đình ngay trên quê hương mình.

Binh nhất MỘNG VĂN ĐỨC

(Chiến sĩ Tiểu đội nấu ăn Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 324, Quân khu 4)

-----------------

Nhiệm vụ nuôi quân cũng rất vất vả

Trong Quân đội, nhiệm vụ nào cũng quan trọng, nhất là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Nhiệm vụ này là tổng thể của nhiều yếu tố, trong đó có bảo đảm ăn uống, chăm sóc tốt sức khỏe bộ đội. Tuy chiến sĩ nuôi quân không thường xuyên phải dãi nắng dầm mưa, lăn lộn ngoài thao trường, chịu nhiều áp lực bởi cường độ huấn luyện cao nhưng nhiệm vụ nấu ăn cũng không phải nhàn nhã. Nhiều người ví chiến sĩ nuôi quân là những người “làm dâu trăm họ”, bởi họ phải “đau đầu, vắt óc” nghiên cứu cách chế biến thức ăn sao cho hợp khẩu vị của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ. Hằng ngày, họ phải dậy rất sớm để chuẩn bị bữa sáng; bộ đội ăn xong lại tất bật dọn dẹp, chuẩn bị bữa ăn tiếp theo. Những chuyến hành quân dã ngoại, diễn tập hoặc khi đơn vị nhận nhiệm vụ đột xuất thì càng vất vả hơn, đặc biệt là những lúc trời mưa, rất khó khăn trong nấu nướng...

leftcenterrightdel
Phòng Hậu cần Sư đoàn 330 tổ chức kiểm tra bếp ăn tại Trung đoàn 20. Ảnh: DANH MẾN 

 

Do đặc thù công việc của "anh nuôi" nên khi chọn chiến sĩ nấu ăn, ngoài năng khiếu, sở trường thì phải là người cẩn thận, sạch sẽ, gọn gàng, tinh thần trách nhiệm cao. Có thể khẳng định, nhiệm vụ nấu ăn không hề đơn giản. Đã là quân nhân thì nhiệm vụ nào được giao cũng là vinh dự, trách nhiệm và phải nỗ lực hoàn thành tốt. 

  Trung tá LÊ THANH BẢO

(Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 20, Sư đoàn 330, Quân khu 9)

----------------

Phải an toàn, sạch ở mọi khâu

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 297, Quân khu 2 thường xuyên phải huấn luyện với cường độ cao, tiêu hao nhiều năng lượng, thể lực nên công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội giữ vai trò rất quan trọng. Vì thế, cùng với thay đổi thực đơn, chế biến ngon thì một yêu cầu quan trọng nữa là phải bảo đảm an toàn, sạch ở mọi khâu. Các loại lương thực, thực phẩm do đơn vị tự tăng gia, chăn nuôi được thì chúng tôi rất yên tâm về nguồn gốc, chất lượng nên chỉ cần chú ý khâu sơ chế, chế biến. Đối với những sản phẩm mua bên ngoài, đơn vị yêu cầu nhà cung cấp phải có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm tươi sống. Quá trình chế biến đến khi chia khẩu phần, chúng tôi luôn bám sát, nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm quy định về an toàn thực phẩm; vệ sinh sạch sẽ, sắp đặt ngăn nắp đồ dùng ở khu nhà ăn, nhà bếp... Nhờ duy trì tốt nền nếp nên có những giai đoạn phải phục vụ vài trăm suất ăn mỗi bữa nhưng chúng tôi vẫn lo chu đáo, kể cả khi hành quân dã ngoại, diễn tập. Theo tôi, ngoài nấu ăn giỏi thì “anh nuôi” phải tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình.

Thượng úy QNCN NGUYỄN HỮU TOÀN

(Nhân viên nấu ăn bếp Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 297, Quân khu 2)