leftcenterrightdel
Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Cô Tô. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG 

Là chỉ huy đơn vị, ngoài quan tâm nắm bắt tâm tư, tình cảm của cấp dưới, trong thẩm quyền được phép, tôi luôn cố gắng tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc giúp cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Trong đó ưu tiên đề nghị đi phép, tranh thủ cho những cán bộ, chiến sĩ có công việc quan trọng, đột xuất; phân công cán bộ giúp đỡ riêng đối với quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, động viên kịp thời những đồng chí bị ốm đau; nâng cao đời sống vật chất... Chúng tôi cũng phối hợp với đoàn thanh niên địa phương, đơn vị kết nghĩa để tiến hành hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, diễn đàn, tọa đàm, sinh nhật đồng đội nhằm tạo không khí vui tươi, lành mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống tinh thần của bộ đội và tăng cường đoàn kết quân dân nơi đảo xa.

 Thiếu tá PHẠM KHẮC ĐỨC

(Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Cô Tô, Lữ đoàn 242, Quân khu 3)

------

Luôn có đồng đội trong những lúc khó khăn

Tôi là bộ đội, vợ tôi là giáo viên. Gia đình tôi ở Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An (Quảng Nam). Tuy đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn cảm thấy may mắn, hạnh phúc vì nhận được nhiều sự quan tâm, động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của chỉ huy các cấp cũng như bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp cùng cơ quan, đơn vị. Cuộc sống bình yên cứ lặng lẽ trôi qua cho đến cuối năm 2021, qua thăm khám sức khỏe định kỳ, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 17 (Cục Hậu cần Quân khu 5) phát hiện tôi bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối thì mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Với phương châm “còn nước còn tát”, tôi được cấp trên quan tâm giới thiệu thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Qua tư vấn của bác sĩ, đầu năm 2022, tôi xin về Bệnh viện Trung ương Huế làm thủ tục hồ sơ chờ ghép thận, với chi phí ước tính từ 950 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. Ngoài vay mượn người thân, bạn bè, phương án bán nhà lấy tiền chữa bệnh cũng được vợ chồng tôi tính đến. Song khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá nhà đất trên xã đảo đã giảm rất sâu...

leftcenterrightdel
Quân y và chỉ huy Tiểu đoàn Hỗn hợp 70 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) thăm khám, động viên Thượng úy QNCN Ngô Hồng Cẩm. Ảnh: THUẬN AN 

Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và Ban chỉ huy Tiểu đoàn Hỗn hợp 70 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam)-nơi tôi công tác đã tổ chức vận động, quyên góp, hỗ trợ tôi 130 triệu đồng. Tuy công việc rất bận rộn nhưng cấp trên cùng đồng đội vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên, nhắn tin, gọi điện giúp tôi quên đi nỗi đau thể xác, quyết tâm chiến thắng bệnh tật. Những ngày tôi nằm viện, vợ tôi phải xin nghỉ việc đến viện để chăm sóc, phục vụ chồng. Ở nhà, may nhờ có cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Hỗn hợp 70 quan tâm, chăm lo, bảo ban, giúp đỡ mà các con tôi vẫn đi học đều đặn. Có cân thịt, rổ trứng, bó rau, hộp khẩu trang y tế, chai nước sát khuẩn... anh em cũng dành dụm mang cho tụi nhỏ. Thậm chí, nhiều đồng đội công tác ở các đơn vị khác mà tôi chưa từng gặp mặt, biết tên, khi biết chuyện cũng gửi quà thăm hỏi, động viên khiến vợ chồng tôi rất xúc động, biết ơn, cảm kích.

Sau ca ghép thận, hiện nay, sức khỏe của tôi đã cải thiện rất nhiều. Ngoài chuyên môn, tay nghề của các thầy thuốc thì sự quan tâm của cấp trên, đồng đội, gia đình là động lực tinh thần to lớn giúp tôi chiến thắng bệnh tật. Tôi luôn trân trọng, khắc ghi tình cảm, sự quan tâm mà mọi người dành cho tôi và gia đình. 

Thượng úy QNCN NGÔ HỒNG CẨM 

(Nhân viên quản lý Tiểu đoàn Hỗn hợp 70, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam)

-----

Cấp dưới cần quan tâm, chia sẻ với cấp trên

Hạnh phúc hay khổ đau không phân biệt chức quyền, cấp trên, cấp dưới. Đã là con người thì khó tránh khỏi có những lúc khó khăn, cần động viên, chia sẻ. Vì thế, cấp dưới quan tâm, chia sẻ với cấp trên trong những lúc này là hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc này phải hết sức trong sáng, chân thành, xuất phát từ tình cảm giữa con người với con người và mong muốn giúp nhau vượt qua khó khăn, tránh lợi dụng để xu nịnh lấy lòng, vụ lợi cho bản thân. Ngoài ra, cấp dưới cũng cần quan tâm, chia sẻ với cấp trên trong công việc. Chẳng hạn, khi đưa ra một mệnh lệnh, quyết sách, người chỉ huy đã phải suy nghĩ, tính toán một cách hợp lý nhất vì lợi ích chung của tập thể và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Thế nên khi nhận mệnh lệnh, cấp dưới cần chủ động, tích cực tham mưu với cấp trên những cách làm hay để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; tuyệt đối không được dựa dẫm, ỷ lại cấp trên mà phải mạnh dạn, có trách nhiệm và sáng tạo trong công việc.

Thượng tá VŨ XUÂN HÒA

(Chính trị viên Tiểu đoàn 30, Trường Sĩ quan Thông tin, Binh chủng Thông tin liên lạc)