Đã thành nền nếp, vào ngày nghỉ cuối tuần, tại ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp (Bình Phước), Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu (BĐBP tỉnh Bình Phước) phối hợp với đoàn thanh niên địa phương tổ chức điểm cắt tóc miễn phí giúp trẻ em người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đây là mô hình “Tay kéo biên phòng” được đơn vị thực hiện trong nhiều năm qua.

Trực tiếp triển khai thực hiện mô hình, Thiếu tá Nguyễn Trường Sơn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu cho biết: “Thực hiện mô hình này, Chi đoàn trích kinh phí mua tông-đơ, kéo, dao cạo... và lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu tham gia. Mỗi tuần, đơn vị phối hợp với cơ sở đoàn địa phương tổ chức điểm cắt tóc miễn phí tại từng ấp cho 20-25 em nhỏ. Thông qua cắt tóc miễn phí, cán bộ, chiến sĩ nắm được hoàn cảnh, kịp thời động viên, tặng quà các em có hoàn cảnh khó khăn nên mỗi năm, đơn vị vận động được 2-3 học sinh bỏ học trở lại trường”.

Em Điểu Chanh, ngụ tại ấp Bù Tam, bày tỏ: “Gia đình em còn khó khăn. Từ nhà đến điểm cắt tóc trên địa bàn xã, em phải đi bộ hơn chục cây số. Được các chú bộ đội đến tận nhà cắt tóc miễn phí, em rất vui”.

leftcenterrightdel
Tuổi trẻ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu cắt tóc miễn phí giúp trẻ em trên địa bàn. Ảnh: PHẠM CHỈNH  

Thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp có trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Từ thực tế này, Đồn Biên phòng Bù Đốp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức lớp học xóa mù chữ cho trẻ em nơi đây. Thời gian học vào các buổi tối và những ngày nghỉ cuối tuần. Thực hiện từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã phối hợp với địa phương tổ chức hơn 10 lớp học miễn phí cho hơn 200 trẻ em và người dân trên địa bàn. Lớp học không chỉ dạy kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt mà còn cung cấp nhiều kiến thức về khoa học tự nhiên và xã hội, giúp bà con thêm tự tin, vận dụng hiệu quả kiến thức vào sản xuất, nâng cao đời sống.

Mới đây, thực hiện chiến dịch 90 ngày đêm kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân do UBND tỉnh Bình Phước phát động, các chi đoàn đồn biên phòng chủ động phối hợp cùng cơ quan, đoàn thể địa phương vùng biên tổ chức sôi nổi hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện” để tập trung hướng dẫn, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử giúp người dân. Các đơn vị cũng ra mắt mô hình "Tìm hiểu các văn bản luật bằng mã QR". Kết quả hằng tuần, mỗi chi đoàn đồn biên phòng cài đặt được hơn 100 tài khoản định danh điện tử, góp phần giúp các địa phương vùng biên thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số và tuyên truyền, phổ biến pháp luật kịp thời tới nhân dân.

Sinh sống ở khu vực biên giới tỉnh Bình Phước chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, trình độ, nhận thức của một số bà con còn hạn chế. Nhận rõ vấn đề này, tuổi trẻ BĐBP tỉnh triển khai nhiều phong trào phát huy tốt vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, như: “Thầy thuốc mang quân hàm xanh”; “Tay kéo biên phòng”; “Con nuôi đồn biên phòng”; “Heo đất tiết kiệm”...

Từ năm 2020 đến nay, các tổ chức đoàn tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị chỉ đạo tổ chức huy động hơn 3.000 ngày công bộ đội để lao động giúp dân xây dựng, sửa chữa nhà ở, dọn vệ sinh, làm đường giao thông nông thôn, khắc phục hậu quả thiên tai, thu hoạch hoa màu; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 15.000 lượt người dân; nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu hơn 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Các mô hình nói trên đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Thông qua đó giúp bà con sản xuất, nâng cao đời sống; đẩy mạnh chuyển đổi số; tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh...

Theo Đại tá Hoàng Văn Thành, Chính ủy BĐBP tỉnh Bình Phước, Đảng ủy, chỉ huy BĐBP tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, nắm bắt kịp thời những tâm tư, vướng mắc của bà con, từ đó xây dựng các phong trào, mô hình sát thực.

BĐBP tỉnh cũng ký kết chương trình phối hợp hoạt động với các ban, ngành địa phương, đồng thời chọn đơn vị làm điểm, bồi dưỡng kỹ năng công tác cho cán bộ; gắn thực hiện các mô hình với công tác tổ chức, cán bộ, thi đua-khen thưởng. Qua đó tạo môi trường, động lực để cán bộ, chiến sĩ ra sức thi đua rèn luyện, cống hiến, trưởng thành, xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, tình đoàn kết quân dân gắn bó, biên giới bình yên.

DUY NGUYỄN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.