Dự hội thảo có Tiến sĩ A.A.Svitich Phó tổng giám đốc phía Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga; đại biểu chỉ huy một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ nghiên cứu về độ bền nhiệt đới trong và ngoài Quân đội.
 |
Các đại biểu dự hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Đặng Hồng Triển cho biết, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga là mô hình hợp tác song phương duy nhất, có vị trí đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây (nay là Liên bang Nga). Từ khi thành lập đến nay, hoạt động khoa học và công nghệ của trung tâm tập trung trên 3 hướng chính: Độ bền nhiệt đới (vật liệu học nhiệt đới); y sinh nhiệt đới và sinh thái nhiệt đới. Trong đó, vật liệu học nhiệt đới là hướng nghiên cứu chủ đạo của trung tâm, phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trong thời gian 35 năm qua, nhiều sản phẩm, công nghệ do trung tâm nghiên cứu, phát triển trên hướng này đã được thử nghiệm thực tế, đưa vào ứng dụng phục vụ hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
 |
Thiếu tướng Đặng Hồng Triển phát biểu khai mạc hội thảo. |
Từ trước tới nay, hướng nghiên cứu này cũng nhận được sự quan tâm từ phía Nga, với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành thuộc hơn 30 tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga. Cán bộ khoa học phía Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với chuyên gia Nga thực hiện nhiều nghiên cứu chung; đồng thời cũng chủ trì nhiều nghiên cứu độc lập và đạt kết quả quan trọng trong một số lĩnh vực tiêu biểu như: Thử nghiệm, đánh giá độ bền của các chủng loại vật liệu, chi tiết, cụm chi tiết dưới tác động của các yếu tố khí hậu nhiệt đới; đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác phù hợp; nghiên cứu chế tạo và ứng dụng các chủng loại vật liệu bảo quản, các phương pháp và phương tiện để bảo vệ vũ khí, trang bị kỹ thuật khi niêm cất, bảo quản, khai thác, sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam; nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ nhiệt đới hóa nâng cao độ bền, độ tin cậy cho các vũ khí, trang bị kỹ thuật; nghiên cứu phát triển các vật tư đặc thù phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; nghiên cứu, thích ứng một số phương pháp, tiêu chuẩn và chuyển giao công nghệ từ Liên bang Nga vào Việt Nam…
 |
Tiến sĩ A.A.Svitich, Phó tổng giám đốc phía Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga trình bày báo cáo khoa học tại hội thảo. |
Theo thông tin từ Ban tổ chức, với chủ đề “Khoa học và công nghệ vật liệu học nhiệt đới – Từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng”, hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của gần 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý từ các viện, trường đại học, các tổ chức nghiên cứu cả trong và ngoài Quân đội cũng như các tổ chức nghiên cứu đến từ Liên bang Nga trên các lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm đánh giá độ bền vật liệu.
 |
Quang cảnh hội thảo phiên toàn thể.
|
Hội thảo được tổ chức gồm phiên toàn thể và 2 phiên của các tiểu ban. Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày gần 20 báo cáo khoa học và thảo luận nhiều nội dung về các kết quả nghiên cứu nổi bật hướng độ bền nhiệt đới; trao đổi thông tin, đánh giá khả năng hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đưa các sản phẩm nghiên cứu trên hướng vật liệu học nhiệt đới vào ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Tin, ảnh: VĂN CHIỂN