Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống ngụy Sài Gòn tự tin tuyên bố: “Việt cộng đã quay về với chiến thuật du kích, chứ không thể đánh lớn. Những trận đánh lớn nổi bật chỉ có thể nổ ra sớm nhất là vào tháng 7 hoặc tháng 8”. 

Lúc này, thế bố trí chiến lược của địch ở miền Đông Nam Bộ được điều chỉnh theo hướng phòng ngự từ xa, lấy Đường số 22 làm hướng phòng ngự chủ yếu với 10 trung đoàn bộ binh và 4 thiết đoàn. Trên hướng Đường số 13, địch bố trí lực lượng ít hơn với 2 trung đoàn bộ binh. Trên hướng đông nam Sài Gòn, chỉ còn Chiến đoàn 48 của Sư đoàn 18. Trên khu vực Sài Gòn-Biên Hòa, địch bố trí Lữ đoàn 1 dù làm lực lượng dự bị, sẵn sàng cơ động chi viện cho hướng bị tiến công. Rõ ràng, trước khi ta mở chiến dịch, địch phán đoán ta sẽ tiến công, nhưng không xác định được quy mô, hướng chủ yếu. Vì thế, chúng dồn sức ngăn chặn trên hướng Đường số 22, trong khi hướng Đường số 13 có nhiều sơ hở.

Từ những nhận định sai lầm và thế bố trí của địch, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương tập trung khối chủ lực miền tiến công vào hệ thống phòng thủ của địch ở bắc Sài Gòn; lấy Sư đoàn 5, Sư đoàn 25, Sư đoàn dù thiếu và Thiết đoàn 1-lực lượng phòng thủ chủ yếu của địch làm đối tượng tiến công chính; chọn hướng Đường số 13 làm hướng tiến công chủ yếu, hướng Đường số 22 làm hướng tiến công thứ yếu, Đường số 1 và các vùng sâu là hướng phối hợp.

leftcenterrightdel
Quân giải phóng trước giờ xuất quân tiến công cứ điểm Lộc Ninh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, năm 1972. Ảnh tư liệu 

Về kế hoạch tác chiến, bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng lực lượng tiến công trước trên hướng thứ yếu là Đường số 22 ở khu vực Xa Mát-Thiện Ngôn, thu hút lực lượng, đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu của chiến dịch bí mật hành quân chiếm lĩnh, hình thành thế bao vây chia cắt địch ngay từ đầu trên hướng chủ yếu Đường số 13. Sau đó, tập trung binh hỏa lực bất ngờ tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh; tổ chức diệt viện và phát triển tiến công theo Đường số 13 về phía nam.

Trước giờ ta nổ súng mở màn chiến dịch, tình báo địch vẫn báo về “phát hiện thấy có xe bọc thép của đối phương ở khu vực bắc Tây Ninh dọc lộ 22” nên quân ngụy tập trung sự chú ý vào hướng Xa Mát, chuyển từ báo động “vàng” sang báo động “đỏ” cho tất cả lực lượng trong vùng Quân khu 3. Sư đoàn 25 ngụy đang phòng thủ tuyến Đường số 22 được bổ sung thêm lực lượng xe tăng, xe bọc thép.

Ngày 1-4-1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn. Lực lượng chủ lực miền từ biên giới bí mật di chuyển về phía nam, hình thành thế bao vây chia cắt, bất ngờ mở màn bằng trận then chốt trên hướng nghi binh tại khu vực Xa Mát nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ Đường số 22, thu hút địch về hướng thứ yếu, tạo điều kiện tập trung lực lượng cho trận quyết chiến tiêu diệt chi khu Lộc Ninh, giải phóng huyện, phát triển thế tiến công về Bình Long. Ta đã làm cho địch nhận định sai lầm về quy mô, địa bàn tác chiến, thu hút sự tập trung của địch trên hướng thứ yếu, tạo sơ hở trên hướng chủ yếu. Từ đó, buộc địch phải phân tán một số lực lượng nhất định ra hướng Đường số 22, tạo sơ hở trên hướng chính Đường số 13.

Nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ làm cho đối phương không chỉ bất ngờ và bị động lúc đầu mà trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, binh hỏa lực của địch không tập trung được do bị ta bao vây, chia cắt, buộc chúng phải phân tán đối phó ở nhiều khu vực. Nghệ thuật nghi binh, giành quyền chủ động chiến dịch còn tạo thế cho ta kìm giữ, uy hiếp được một lực lượng địch quan trọng và phối hợp hiệu quả với các chiến trường khác.

TRẦN HUY ĐỊNH