QĐND - Sau khi được Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục phê duyệt kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972, Bộ chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô tương đương cấp quân đoàn ở miền Đông, mang tên "Nguyễn Huệ”, phối hợp với tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền, nhằm tạo thế mạnh cho đấu tranh ngoại giao ở Pa-ri.

Hướng chủ yếu của chiến dịch là Đường số 13, Lộc Ninh là trận then chốt mở đầu, thị xã An Lộc là quyết chiến điểm. Đêm 31-3-1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn trên hướng thứ yếu, nghi binh. Đoàn 30B đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt 2 chiến đoàn quân đội Sài Gòn, đập tan hệ thống phòng thủ biên giới trên Đường 22, tỉnh Tây Ninh. Địch tăng cường Chiến đoàn 9 và Trung đoàn 1 Thiết giáp lên hướng biên giới Lộc Ninh, đưa tổng quân số lên tới 5.000 quân.

Sư đoàn 5 đánh chiếm Chi khu Lộc Ninh năm 1972. Ảnh tư liệu

Sư đoàn 5, chủ lực Miền, do đồng chí Bùi Thanh Vân làm Sư đoàn trưởng, được tăng cường Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9), Trung đoàn Pháo binh 208 (Đoàn 75) và một đại đội thiết giáp có 10 chiếc xe tăng từ hậu phương chi viện, được giao nhiệm vụ tiến công, tiêu diệt toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Lộc Ninh.

5 giờ 30 phút ngày 5-4-1972, sư đoàn bước vào chiến đấu. Vận dụng kinh nghiệm "vây, lấn, tấn, diệt" trước đây, sư đoàn áp sát khu vực phòng thủ của địch. Công binh, đặc công bí mật mở 4 cửa rộng 12m qua lớp hàng rào dày đặc có chiều sâu hơn 100m quanh chi khu và căn cứ địch, bảo đảm cho xe tăng, bộ binh đột phá vào trung tâm. Trong lúc các trận địa pháo của Trung đoàn 208 bắn cấp tập vào căn cứ địch, xe tăng bất ngờ xuất trận cùng bộ binh xung phong. Quân địch trong chi khu và quận lỵ hoảng loạn, tháo chạy về hướng Nam, lọt vào trận địa phục kích sẵn của Trung đoàn 1. Hơn 1.000 tên địch bị bắt sống, có cả tên Đại tá, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 9 Nguyễn Văn Vĩnh. Ở Lộc Tấn, phía bắc Lộc Ninh, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9) phối thuộc với sư đoàn cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tấn công tiêu diệt Trung đoàn 1 thiết giáp của địch. Đến 14 giờ ngày 7-4-1972, trận tấn công của Sư đoàn 5 vào Chi khu Lộc Ninh và tuyến phòng ngự biên giới Tây Ninh kết thúc thắng lợi.

Chiến thắng Lộc Ninh đã phá vỡ một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng ngự biên giới của Quân đoàn 3 Sài Gòn, tạo bàn đạp cho hướng chủ yếu của chiến dịch mở trận quyết chiến chiến dịch ở thị xã An Lộc.

TRẦN CÔNG GIANG

 (Theo Lịch sử Sư đoàn 5)