Mở Chiến dịch Nguyễn Huệ là quyết định đúng đắn, sáng tạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quyết đoán về chỉ đạo, điều hành tác chiến của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ tư lệnh (BTL) Miền trong thời đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Quán triệt nhiệm vụ chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục, Quân ủy và BTL Miền đề ra kế hoạch tác chiến Chiến dịch Nguyễn Huệ, đó là tập trung toàn bộ khối chủ lực Miền, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương, mở chiến dịch tiến công trên khu vực Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương, nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực ngụy Sài Gòn và làm tan rã lớn lực lượng quân địa phương, bộ máy kìm kẹp của địch; phá vỡ tuyến phòng thủ của chúng ở phía bắc Sài Gòn; giải phóng những khu vực quan trọng trên địa bàn hoạt động chiến dịch, khôi phục lại thế trận chiến tranh nhân dân, tạo bàn đạp tiến công vững chắc cho bộ đội chủ lực uy hiếp Sài Gòn, thu hút, kìm chân tiêu diệt địch, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
 |
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khắc phục địa hình, đưa xe tăng tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ảnh tư liệu |
Để công tác tổ chức chỉ huy được thuận lợi, BTL Miền quyết định tách một bộ phận cơ quan chỉ huy Miền, thành lập Bộ chỉ huy Đoàn 301 (tương đương quân đoàn tăng cường), trực tiếp chỉ huy chiến dịch trên hướng chủ yếu Lộc Ninh-Bình Long-Đường 13. Đồng thời, Trung ương Cục, Quân ủy Miền tổ chức BTL Chiến dịch do Trung tướng Trần Văn Trà làm Tư lệnh. Ngày 25-3-1972, dưới sự chỉ đạo của BTL Chiến dịch, mọi công tác chuẩn bị của các đơn vị tham gia chiến dịch đã căn bản hoàn thành.
Địa bàn chiến dịch diễn ra trong khu vực bốn tỉnh là: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương, phía bắc Sài Gòn. Chính diện chiến dịch từ Ta Pang Ro Bon (tỉnh Tây Ninh) đến Bù Đốp (tỉnh Phước Long, nay là Bình Phước) khoảng 140km; chiều sâu chiến dịch từ biên giới đến Thủ Dầu Một, khoảng 130km. Toàn bộ khu vực này nằm trên hướng phòng thủ chủ yếu của địch ở miền Đông Nam Bộ, là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch trong suốt cuộc kháng chiến.
Chiến dịch Nguyễn Huệ được tiến hành thành ba đợt. Đợt 1, nghi binh thu hút địch. 4 giờ ngày 1-4-1972, trên hướng thứ yếu, ta nổ súng tiến công Chiến đoàn 49 thuộc Sư đoàn 25, Lữ đoàn 4 biệt động quân, Thiết đoàn 6 ở Ma Sát, trục Đường 12. Trong lúc ta nổ súng tiến công địch ở hướng thứ yếu, ngày 4-4-1972, các đơn vị trên hướng chủ yếu đến cuối đã triển khai xong đội hình ở tuyến xuất phát tiến công.
Sư đoàn 5 bao vây cụm cứ điểm Lộc Ninh, Sư đoàn 9 triển khai ở phía bắc thị xã Bình Long, Sư đoàn 7 triển khai chốt chặn ở khu vực Cần Lê, ngã ba Đường 17 từ nam thị xã đến Bắc Chơn Thành, hình thành thế bao vây chia cắt chiến dịch. Chỉ sau 4 ngày mở đầu Chiến dịch Nguyễn Huệ, ta đã giành thắng lợi trên hướng thứ yếu, đồng thời các đơn vị trên hướng chủ yếu đã vào triển khai đúng kế hoạch và giữ bí mật.
Đợt 2, diễn ra từ ngày 16-5-1972, tuy quân địch vẫn giữ được phần lớn thị xã Bình Long, nhưng tinh thần hoang mang, bị động đối phó. Về phía ta, lúc này, theo chỉ thị của bộ, Sư đoàn 5 và 1/3 lực lượng binh chủng phải cơ động xuống Đồng bằng sông Cửu Long để tham gia chiến dịch tiến công tổng hợp trên chiến trường Khu 8. Đến tháng 9-1972, đợt 2 Chiến dịch Nguyễn Huệ kết thúc. Các đơn vị tập trung củng cố, tổ chức lại đội hình.
Đợt 3, từ tháng 10-1972, BTL Chiến dịch chủ trương uy hiếp cửa ngõ Sài Gòn từ phía tây bắc. Cuối tháng 12, địch dùng Sư đoàn 5 mở cuộc hành quân lấn chiếm ra khu vực Rạch Bắp-Dầu Tiếng, trên Đường 14 và Long Nguyên-Minh Hòa. Ngày 11-1-1973, địch cụm lại ở khu vực Dầu Tiếng, Bến Tranh; Trung đoàn 14 và Trung đoàn 209 tổ chức thành nhiều hướng mũi tiến công vào hai tiểu đoàn thuộc Chiến đoàn 8 ở Bến Tranh.
Không chịu nổi sức tiến công của ta, địch ở đây tháo chạy. Ngày 19-1-1973, BTL Chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch. Toàn Chiến dịch Nguyễn Huệ, ta diệt và đánh thiệt hại nặng 5 chiến đoàn, 7 lữ đoàn và 1 sư đoàn ngụy Sài Gòn, diệt gần 8.000 tên, bắt 5.381 tên, thu 282 xe quân sự, 52 khẩu pháo, 6.837 súng các loại, bắn rơi và phá hủy 897 máy bay.
Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra liên tục, dài ngày (từ ngày 1-4-1972 đến 19-1-1973), tuy không chiếm được thị xã Bình Long, nhưng đã giải phóng được một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu, trực tiếp uy hiếp cửa ngõ Sài Gòn từ phía Tây Bắc; làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ, giành lại quyền chủ động chiến lược, tạo địa bàn đứng chân vững chắc cho bộ đội chủ lực, đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân phát triển.
Kết quả của Chiến dịch Nguyễn Huệ bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Quân ủy và BTL Miền, đưa ra những quyết định chính xác để phối hợp với toàn miền giành thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược 1972. Nửa thế kỷ đã qua, đó vẫn là dấu ấn đậm nét trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam