Đây là chiến dịch đầu tiên bộ đội chủ lực của ta tiến công vào cứ điểm phòng ngự mạnh của địch và giành thắng lợi, phá tan âm mưu của thực dân Pháp đánh chiếm vùng tự do để giành quyền chủ động trên chiến trường, tạo nên thế trận có lợi cho chúng ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Sau thất bại ở Chiến dịch Biên giới 1950, Đại tướng De Lattre de Tassigny, Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương tìm mọi cách để giành lại quyền chủ động ở chiến trường Bắc Bộ; tập trung quân cơ động, tổ chức xây dựng phòng tuyến công sự kiểu mới (bungker) ở Đông Bắc, trung du Đồng bằng Bắc Bộ, Đường số 18, Sơn Tây, hữu ngạn sông Hồng. Đồng thời thành lập vành đai trắng xung quanh đồng bằng, bình định ác liệt vùng tạm chiếm.
Đặc biệt, giữa tháng 11-1951, quân Pháp mở cuộc hành binh "Hoa sen", huy động lực lượng lớn đánh chiếm Hòa Bình và tổ chức phòng ngự tại đây với hai phân khu chính: Phân khu sông Đà-Ba Vì (khu Bắc) và Phân khu Hòa Bình-Đường số 6 (khu Nam), trong đó, thị xã Hòa Bình đang được xây dựng thành một khu vực phòng ngự vững chắc.
Ngoài ra còn có Phân khu Chợ Bến là tiền đồn phía đông bảo vệ Hòa Bình. Tổng số binh lực địch trên địa bàn Hòa Bình có 20 tiểu đoàn bộ binh, 7 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn và 2 đại đội xe tăng, thiết giáp.
 |
Xe tăng và trận địa hỏa lực của Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt trong Chiến dịch Hòa Bình. Ảnh tư liệu |
Bộ Tổng Tư lệnh nhận định: Mục đích đánh chiếm Hòa Bình của thực dân Pháp chính là mở rộng khu chiếm đóng, tăng cường phòng ngự phía tây nam Đồng bằng Bắc Bộ, ngăn chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4; chọn một chiến trường định trước, buộc ta phải tham chiến sớm để dễ tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực của ta, phá sự chuẩn bị tiến công thu đông của quân ta, qua đó cố giành lấy một thắng lợi về chính trị, quân sự để làm yên lòng chính phủ Pháp và Mỹ.
Từ phân tích trên, ngày 18-11-1951, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đánh giá: Đó là một cơ hội hiếm cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đánh ra Hòa Bình, địch phải phân tán lực lượng cơ động tinh nhuệ trên một mặt trận rộng lớn, địa hình nhiều núi rừng hiểm trở, công sự chưa vững chắc.
Mặt khác, vì phải tập trung phần lớn quân cơ động ra Hòa Bình nên lực lượng địch ở đồng bằng bị dàn mỏng, các vùng từ hữu ngạn, tả ngạn Liên khu 3 đến trung du sẽ sơ hở hơn trước, do đó, ta dễ bao vây, chia cắt địch. Khu vực Hòa Bình lại tiếp giáp với khu vực tự do Việt Bắc, cơ động lực lượng và bảo đảm hậu cần thuận lợi; các đại đoàn chủ lực của ta đều đang bố trí sát gần, tranh thủ được thời gian nổ súng sớm...
Trên cơ sở đó, ngày 24-11-1951, Trung ương Đảng ra chỉ thị mở cuộc tấn công tiêu diệt sinh lực địch ở Hòa Bình. Vào thời điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực và dân quân du kích trong Chiến dịch Hòa Bình: “Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta. Muốn thắng thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh... Bác đang để dành giải thưởng đặc biệt cho bộ đội nào và chiến sĩ nào lập công to nhất. Bác chờ nhiều báo cáo thắng trận của các chú”.
Quân ta mở một cuộc tiến công lớn đánh địch trên cả hai mặt trận: Tập trung chủ lực ở hướng chính là Hòa Bình và mạnh bạo đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong địch hậu Đồng bằng Bắc Bộ nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tiến tới phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích (trọng tâm là Đồng bằng Bắc Bộ). Sau khi cơ động, triển khai lực lượng, sáng 10-12-1951, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tiến công.
Trải qua 2,5 tháng chiến đấu liên tục, ta đã phá kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của địch, giải phóng khu vực Hòa Bình, sông Đà với khoảng 2.000km2; tiêu diệt hơn 6.000 tên địch; thu 24 khẩu pháo, gần 800 súng các loại; bắn rơi 9 máy bay; bắn chìm và bắn cháy 18 ca nô, tàu, xuồng; phá hủy 246 xe quân sự...
Ta đã làm thất bại âm mưu đánh chiếm vùng tự do, phá được ý đồ giành lại quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ của địch; bảo đảm đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, đồng thời phá tan âm mưu thâm độc chia rẽ đồng bào Mường của địch.
Mở Chiến dịch Hòa Bình là quyết định táo bạo, nhạy bén, đúng đắn của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh. Nhờ chủ động dự báo tình hình chính xác; chuẩn bị nhanh chóng, chu đáo; sử dụng và chấn chỉnh lực lượng kịp thời; nhanh chóng chuyển loại hình chiến dịch phản công sang chiến dịch tiến công; phối hợp chặt chẽ với mặt trận sau lưng địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ... tạo nên một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.
CHÍ PHAN