QĐND - Bước sang năm 1951, Bộ chỉ huy quân đội Pháp đẩy mạnh phát triển lực lượng tay sai, tăng cường binh khí kỹ thuật, hoàn chỉnh phòng tuyến boong ke, mở hàng loạt các cuộc hành quân càn quét quy mô lớn trong vùng tạm chiếm, phá hoại mùa màng, dồn làng, tập trung dân… Bằng các hoạt động nhằm ổn định hậu phương, tháng 11-1951, thực dân Pháp tập trung một lực lượng lớn đánh chiếm khu vực tỉnh Hòa Bình để mở rộng vùng chiếm đóng, làm thay đổi tương quan lực lượng, giành quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ, xoay chuyển tình thế cuộc chiến tranh.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy nhận định: Cuộc tiến công của địch ra Hòa Bình sẽ gây cho ta những khó khăn nhất định, nhưng cũng tạo cho ta một cơ hội tốt để tiêu diệt sinh lực địch. Bởi vì địch đánh ra Hòa Bình, lực lượng cơ động buộc phải phân tán trên một tuyến dài, đột xuất, phần lớn quân cơ động tập trung vào mặt trận Hòa Bình, cho nên vùng địch hậu ở đồng bằng và trung du tương đối sơ hở. Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình, sử dụng 3 Đại đoàn Bộ binh 304, 308, 312 và Đại đoàn Công-Pháo 351, cùng lực lượng tại chỗ vây hãm, tiêu diệt địch ở Hòa Bình, đưa Đại đoàn 320, 316 vào vùng địch hậu phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương phá bình định của địch, phát triển chiến tranh du kích sau lưng địch ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là một quyết định sáng suốt, táo bạo, nắm chắc thời cơ địch ra để đánh, giam chân và tiêu diệt quân cơ động ở Hòa Bình.
 |
Bộ đội Pháo binh ta đón đánh địch trên sông Đà trong trận Tu Vũ, mở màn Chiến dịch Hòa Bình. Ảnh tư liệu (chụp lại tại Khu di tích Chiến thắng Tu Vũ)
|
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, Chiến dịch Hòa Bình mở màn ngày 10-12-1951. Qua ba đợt tiến công, ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, buộc chúng phải rút khỏi Hòa Bình. Ngày 25-2-1952, chiến dịch kết thúc. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch, điển hình là nghệ thuật tập trung đánh phá giao thông trên sông và trên bộ, khoét sâu khó khăn về vận tải, tiếp tế của địch.
Thực tế khi địch tiến công Hòa Bình, hàng vạn quân phải rải ra trên một địa bàn rộng, xa hậu phương, trong đó có 6 tiểu đoàn bị cô lập trong thị xã Hòa Bình. Để duy trì sức chiến đấu và thực hiện mục đích đề ra, chúng phải nhờ vào hai tuyến vận tải sông Đà và Đường số 6, địch gọi là “cuống họng ướt” và “cuống họng khô” của chúng. Cho nên ngay từ đầu, địch đã xác định bảo vệ hai tuyến này, trở thành vấn đề sinh tử đối với chúng trong cuộc hành binh ra Hòa Bình.
Trên cơ sở nghiên cứu, xem xét đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã sớm phát hiện ra những khó khăn lớn nhất này của địch, nên trong suốt quá trình chỉ đạo tác chiến, ta xác định nhiệm vụ đánh phá giao thông vận tải trên sông, trên bộ là hướng hoạt động quan trọng của bộ đội, nhằm không ngừng khoét sâu khó khăn của địch về vận tải, tiếp tế. Vì vậy, trong đợt 1 và đợt 2, ta lấy sông Đà-Ba Vì làm hướng tiến công chính; sang đợt 3, ta tập trung lực lượng tiến công vào cánh quân địch trên Đường số 6. Bằng những trận tiến công cứ điểm, phục kích trên bộ, trên sông, kết hợp với phá hoại cầu cống, đường giao thông, ta đã uy hiếp và cắt đứt nguồn tiếp tế của địch, cô lập Tập đoàn cứ điểm Hòa Bình. Sau khi Tu Vũ, một cứ điểm mà Bộ chỉ huy quân Pháp coi là “vững như bàn thạch” bị tiêu diệt (ngày 11-12-1951), đồng thời bị phục kích liên tục ở Ninh Mít, Đường 87, đường vận chuyển trên sông Đà, một trong hai cái “ống thực quản” nối đến “dạ dày” là thị xã Hòa Bình bị chặn đứng, vô hiệu hóa ngay từ đợt 1 chiến dịch và trận phục kích ở Lạc Song ngày 23-12-1951, quân và dân ta đã làm thất bại cố gắng cuối cùng của địch nhằm khai thông sông Đà. Tuyến phòng thủ sông Đà của địch bị lung lay, Tướng Ra-un Xa-lăng, Tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh Pháp tại Việt Nam, phải điều gấp hai binh đoàn cơ động (số 1 và số 4) đang càn quét ở Bắc Ninh về vùng Ba Vì. Tiếp đến là các trận đánh trên sông của ta không những đã cắt đứt “cuống họng ướt” của địch, mà còn tạo điều kiện cho bộ đội đánh địch vận động ở khu vực Ba Vì. Trong khi đó, các trận phục kích của ta đã uy hiếp sự vận chuyển và hành quân của địch trên Đường số 6, con đường huyết mạch duy nhất còn lại “cuống họng khô” của chúng, với chức năng nuôi sống Tập đoàn cứ điểm Hòa Bình và các vị trí dải dọc Đường số 6.
Như vậy, chủ trương tập trung mọi nỗ lực đánh mạnh vào hai trục đường vận chuyển trên sông, trên bộ của địch là một phương thức tác chiến chiến dịch đúng đắn, ngày càng dồn quân địch vào tình thế nguy khốn. 6 tiểu đoàn địch trong thị xã Hòa Bình chỉ còn trông chờ vào những chuyến máy bay tiếp tế nhỏ giọt hằng ngày.
Thắng lợi của chiến dịch đã làm phá sản hoàn toàn mục tiêu của cuộc hành quân đánh chiếm Hòa Bình của địch, buộc thực dân Pháp phải rút khỏi Hòa Bình, để lại những kinh nghiệm quý để ta tiếp tục nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo vào thực hiện thắng lợi các chiến dịch trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ