Triệu Đại sinh năm 1920 tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, trong một gia đình tiểu thương. Ông là người vui vẻ, ham hoạt động, được gia đình sớm cho đi học nghề ảnh ở hiệu ảnh Central Photo.

leftcenterrightdel

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại năm 1954.

Ngày kháng chiến toàn quốc, Triệu Đại tham gia vào đội tự vệ thành Hà Nội. Sau cuộc chiến đấu ác liệt cùng Trung đoàn Thủ đô ở Hà Nội, ông về Vân Đình mở hiệu ảnh “Triệu Đại ảnh quân”. Nghề ảnh ông theo đuổi gắn bó suốt cuộc đời quân ngũ.

Năm 1949, ông vào Quân đội. Đến năm 1950 ông đã tham gia Chiến dịch Biên giới. Được giao nhiệm vụ chụp ảnh các trận đánh. Bộ ảnh Chiến dịch Biên giới ông chụp trong đó có Chiến thắng Đông Khê, Thất Khê, hình ảnh bộ đội ta bắt sống hai tên chỉ huy quan năm Pháp, cảnh tù binh bị bắt trong Chiến dịch Biên giới, cảnh bác sĩ Huard cảm ơn lòng nhân đạo của Chính phủ Việt Nam…

Sau Chiến dịch Biên giới, ông được cử làm Trưởng phòng Nhiếp ảnh, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Năm 1952, ta mở Chiến dịch Tây Bắc. Trong những ngày mở chiến dịch, Triệu Đại sống cùng bộ đội ở Tuần Giáo, Lai Châu. Ông đã chụp ảnh bộ đội mở đường vào Điện Biên, cảnh kéo pháo vào trận địa, cảnh hành quân, chuẩn bị cho chiến dịch. Ta giải phóng Sơn La và một phần Lai Châu. Sau Chiến dịch Tây Bắc, Triệu Đại về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

leftcenterrightdel
 Bức ảnh "Kéo pháo vào trận địa". Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Hành trang của ông là một chiếc máy ảnh Leika với ống kính trung bình, vài chục cuộn phim lấy được của địch gói chung với gạo rang chống ẩm. Được sống những ngày hào hùng cả nước ra mặt trận, tham dự những cuộc hành quân gian nan trong cảnh ngày đêm giặc bắn phá, nhiều bức ảnh Triệu Đại ghi lại được quang cảnh của Điện Biên ngày ấy, từ cảnh dân quân ra hỏa tuyến đến những cảnh công binh mở đường, kéo pháo và cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho các cán bộ chỉ huy mặt trận.

Triệu Đại được cử về Sư đoàn 312 tham gia trực tiếp mở đột phá khẩu. Ông nằm trong nhóm phóng viên đầu tiên tiếp cận chiến trường Điện Biên Phủ. Nhiều bức ảnh chiến trường ghi dấu ấn thời điểm lịch sử quan trọng ấy. Ông hay đùa rằng mình chỉ có ảnh máu lửa mà không có ảnh đẹp.

leftcenterrightdel
 Bức ảnh "Phất cờ trên nóc hầm Des  Castries”. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Triệu Đại cũng theo đoàn phim thời sự Romen Carmen (đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Liên Xô) khi ông tái hiện lại một số sự kiện ngay khi chiến trường vừa tắt tiếng súng để làm bộ phim “Việt Nam”. Bức ảnh bộ đội ta phất lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" trên nóc hầm De Castries là một trong những bức ảnh giàu ấn tượng, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử. Những bức ảnh của ông nóng bỏng hơi thở chiến trường, sinh động và hấp dẫn người xem. Tờ “Báo ảnh Việt Nam” số đầu tiên đã đăng phần lớn ảnh của Triệu Đại chụp tại trận Điện Biên Phủ lịch sử. Bộ ảnh cũng góp phần vào thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, là bằng chứng khẳng định chiến thắng tất yếu của nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Triệu Đại được phân công làm tờ báo ảnh “Hình ảnh Quân đội”. Vào năm 1967 ông đi chiến trường miền Nam, hoạt động ở vùng Khe Sanh, Quảng Trị.

Năm 1971 ông nghỉ hưu, tiếp tục làm dịch vụ nhiếp ảnh, giữ niềm yêu thích với nhiếp ảnh tới trọn đời.

Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh VŨ ĐỨC TÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.