Nhiếp ảnh về người lính có nhiều thành tựu lớn

Phóng viên (PV): Bà có thể cho biết nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam với đề tài Quân đội trong những năm tháng chiến tranh có điều gì nổi bật?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Ở nước ta, so với nhiều loại hình nghệ thuật, nhiếp ảnh sinh sau đẻ muộn. Nhiếp ảnh bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 20-thế kỷ diễn ra các cuộc kháng chiến vĩ đại giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Như một mối lương duyên đẹp, nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã tạo nên pho sử hình ảnh bằng vàng, lưu giữ những sự kiện và dấu ấn trọng đại của đất nước ta, dân tộc ta; đặc biệt, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ-nhân vật trung tâm đã được tôn vinh xứng tầm chiến công thời đại.

leftcenterrightdel

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông. 

Chiến tranh đã lùi xa nhưng công chúng trong và ngoài nước vẫn nhớ mãi những khoảnh khắc lịch sử, đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của dân tộc. Có thể kể đến bộ ảnh “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” (Triệu Đại); các bức ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của Trần Mai Hưởng, Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Hứa Thanh Kiểm, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm... 

Nhiều khoảnh khắc trong các chiến dịch, trận đánh đã thể hiện lòng quả cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng của người chiến sĩ như: “Xung phong-Trận Phố Ràng” (Nguyễn Tiến Lợi), bộ ảnh “Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh trong những năm tháng đánh Mỹ” (Vương Khánh Hồng), bộ ảnh “Đường 20 Quyết thắng” (Hứa Thanh Kiểm), “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Lê Minh Trường), “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu” (Đoàn Công Tính), “Tấn công đồn Cái Keo-Đầm Dơi” (Trần Bỉnh Khuôl), “Đấu pháo ở Dốc Miếu” (Lương Nghĩa Dũng)... Một số tác phẩm khác ghi lại những khoảnh khắc sinh hoạt của người lính rất ấn tượng: “Các chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ đọc thư nhà dưới chiến hào” (Đinh Ngọc Thông), “Trạm quân y dã chiến” (Võ An Khánh), “Nụ cười bên thành cổ Quảng Trị” (Đoàn Công Tính), “Tình mẹ hậu phương” (Lương Huệ Quân), “Mẹ con ngày gặp mặt” (Lâm Hồng Long)...

Sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng của những bức ảnh thời chiến, với hình tượng người chiến sĩ đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Người Anh Cả của Quân đội ta, nhận định: “Nhiếp ảnh sao mà chân thực, ghi nhớ chính xác và gợi cảm lạ lùng đến vậy. Có những chuyện do thời gian chúng ta có thể quên đi, nhưng khi nhìn vào ảnh là nhớ từng chiến sĩ, từng trận đánh, từng ý tứ chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ... Thay mặt những chiến sĩ trong chiến tranh, tôi chân thành cảm ơn các nhà nhiếp ảnh”.

Để có được những tác phẩm vô giá đó, các NSNA đã đồng hành với từng bước trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội, theo chân người lính đến những mặt trận gian khổ, ác liệt nhất. Nhiều nhà nhiếp ảnh đã ngã xuống với tư thế của người lính trên chiến trường như: Lương Nghĩa Dũng, Trần Bỉnh Khuôl, Phan Tứ Kỷ, Phan Tấn Phước... 

PV: Sau khi đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc đổi mới, đề tài về Quân đội được giới nhiếp ảnh quan tâm như thế nào, thưa bà?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Đất nước hòa bình, văn học nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng chuyển hướng sang phản ánh công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, hội nhập quốc tế là điều tất yếu. Các cơ quan có trách nhiệm đó là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội NSNA Việt Nam những năm qua đã phối hợp tổ chức các cuộc thi, triển lãm như: “Tự hào một dải biên cương”, “Tổ quốc bên bờ sóng” có chất lượng cao, sức lan tỏa toàn quốc, thu hút giới nhiếp ảnh tham gia đông đảo.

Trong các cuộc thi và triển lãm kể trên, hình ảnh người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển, biên cương, hải đảo để đất nước bình yên được khắc họa một cách nổi bật. Nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của Quân đội, những hoạt động nhiếp ảnh được các đơn vị Quân đội, các địa phương quan tâm, tạo điều kiện tổ chức. Mới nhất là Cuộc thi ảnh “Chân dung người chiến sĩ” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Bên cạnh Câu lạc bộ “Nhiếp ảnh chiến sĩ” (Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh) hoạt động rất hiệu quả, các hội, nhóm nhiếp ảnh trên toàn quốc cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động sáng tác về người lính hôm nay.   

Có thể khẳng định rằng, nhiếp ảnh về Quân đội vẫn duy trì mạch nguồn sách tác, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ vẫn tạo cảm hứng sáng tác lớn lao cho giới nhiếp ảnh.

PV: Sáng tác nhiếp ảnh về Quân đội hôm nay có điểm đáng chú ý, thưa bà?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Các NSNA hôm nay nối tiếp truyền thống của các thế hệ NSNA lão thành, tiếp tục bám sát các nhiệm vụ Quân đội thời bình: Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đối ngoại quốc phòng; lao động sản xuất...

Từ đó, ghi lại nhiều bức ảnh giá trị thời bình như: Sách ảnh “Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-Đăng” (Nguyễn Á), bộ ảnh “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng, chống Covid-19” (Huỳnh Văn Truyền), bộ ảnh “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào” (Nguyễn Văn Hoàng), bộ ảnh “Một ngày đi khám bệnh cho dân của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tùng Vài” (Nguyễn Thế Hùng), bộ ảnh “Hổ mang chúa SU-30MK2” (Nguyễn Tiến Anh Tuấn), “Vui ngày hội té nước Khmer Nam Bộ” (Nguyễn Hoàng Nam)... Thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh, nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế hiểu hơn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới.

Tuy nhiên vẫn có những hạn chế như chưa có nhiều tác phẩm nổi trội; nhiều bức ảnh chụp na ná như nhau... Điều này có nguyên nhân khách quan là đơn vị Quân đội, các sự kiện liên quan đến Quân đội không dễ tiếp cận nên các NSNA thường đi sáng tác cùng nhau, trùng lặp chủ đề, bối cảnh, nhân vật... là không tránh khỏi. 

Nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá nhiếp ảnh về Quân đội

PV: Để có thêm nhiều tác phẩm nhiếp ảnh giá trị về Quân đội, tôn vinh hình tượng người chiến sĩ hôm nay, theo bà, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Do đặc thù cần giữ bí mật quân sự, không dễ tiếp cận, trong khi nghệ thuật nhiếp ảnh cần ghi lại khoảnh khắc cụ thể, chân thực, sống động. Chỉ một số ít NSNA, phóng viên ảnh đang là quân nhân có điều kiện tác nghiệp để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền; còn đại đa số các “tay máy” chỉ biết ước mơ... từ xa. Cho nên, cần tạo điều kiện, hướng dẫn, thẩm định để các NSNA sáng tác không vi phạm những quy định. Như trường hợp NSNA Nguyễn Á, nếu không có sự giới thiệu của Hội NSNA Việt Nam và sự phê duyệt của lãnh đạo Bộ Quốc phòng thì anh không thể theo chân các chiến sĩ mũ nồi xanh để có bộ ảnh ấn tượng về nhiệm vụ mới mẻ của Quân đội ta là tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

leftcenterrightdel
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tham quan triển lãm Cuộc thi “Tự hào một dải biên cương” năm 2022. Ảnh: QUANG HỒ

Bên cạnh các NSNA là hội viên, tôi cho rằng cần tích cực tập huấn, nâng cao trình độ của đội ngũ phóng viên ảnh báo chí, cán bộ nhân viên tuyên huấn trong Quân đội. Tôi được biết trong chế độ, tiêu chuẩn của Quân đội có quy định đơn vị đầu mối trực thuộc Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hoạt động văn hóa, văn nghệ 5 năm 2 lần. Hoàn toàn có thể đưa nội dung nhiếp ảnh để bồi dưỡng các cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu. Suy cho cùng không ai hiểu đời sống quân ngũ hơn chính những người lính. Đây là cách làm truyền thống, đó là các NSNA nổi tiếng trước đây cũng chủ yếu tự học, từ đơn vị cơ sở mà trưởng thành.

Bên cạnh tiếp tục duy trì các cuộc thi và triển lãm hiện có, cần phải tổ chức thêm cuộc thi chuyên đề về Quân đội mang tính toàn quốc, định kỳ. Việc tổ chức cũng cần phải bài bản, chuyên nghiệp, tránh hình thức và chạy theo số lượng, tính phong trào.

PV: Vấn đề quảng bá hình ảnh Quân đội thời gian tới sẽ thực hiện như thế nào, thưa bà?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Về cơ bản tất cả các bức ảnh liên quan đến Quân đội, người lính nổi tiếng, đã được công bố đang được Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam (Hội NSNA Việt Nam) lưu giữ một cách chuyên nghiệp, an toàn, sẵn sàng trưng bày khi có nhiệm vụ yêu cầu. 

Tôi cho rằng, các cơ quan trong Quân đội cần chủ trì tổ chức những hoạt động mang tính tuyên truyền, quảng bá, đưa những tác phẩm nhiếp ảnh về bộ đội đến gần hơn với công chúng, tăng cường trên không gian mạng. Hội NSNA Việt Nam và rộng ra là giới nhiếp ảnh sẽ luôn đồng hành với Quân đội tiếp tục sáng tác và quảng bá hình ảnh người chiến sĩ sâu rộng hơn nữa.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.