Đây là những chiến lợi phẩm bộ đội ta thu được của lính Pháp tại các cứ điểm đồi A1, C, D, Hồng Cúm năm 1954. Những năm sau, khi đào hố trồng cây, nhân dân địa phương tiếp tục thu được các phù hiệu và trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ và trưng bày.

Ban đầu, thông tin chi tiết về các phù hiệu chưa rõ. Năm 1990, khi đoàn làm phim của Pháp sang Việt Nam quay bộ phim về Điện Biên Phủ để tham gia Liên hoan phim thế giới, thông tin về loại hiện vật này được sáng tỏ. Trong đoàn làm phim có ông Jacque Allare, người phụ trách về đạo cụ. Ông vốn là lính nhảy dù thuộc Tiểu đoàn 6 Commando, dưới sự chỉ huy của Marcel Bigeard nhảy dù xuống Điện Biên Phủ lần thứ nhất vào ngày 20-11-1953, đụng độ với Trung đoàn 148 của quân ta từ 10 giờ đến 16 giờ 30 phút ở Bản Kéo. Lần thứ hai tiểu đoàn này nhảy dù xuống đóng quân cố thủ ở đồi C1, C2 ngày 15-3-1954.

leftcenterrightdel

Một số cầu vai, phù hiệu của sĩ quan, binh lính Pháp ở Điện Biên Phủ được bộ đội Việt Nam thu được năm 1954. Ảnh: laodong.vn 

Ngày 7-5-1954, Jacque Allare bị bắt làm tù binh và sau đó được trả về Pháp. 36 năm sau, là một cựu đại tá, ông trở lại Việt Nam, nhưng không phải để "nhảy dù" xuống Điện Biên Phủ mà để tham gia làm phim. Đã từng chứng kiến những ngày giao tranh ác liệt ở Bản Kéo, đồi C1, C2, giờ đây ông rất ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến những đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất này. Nơi xưa kia ngổn ngang bom đạn, đã được phủ bằng màu xanh của rừng cây, màu vàng của cánh đồng lúa Mường Thanh. Điện Biên Phủ trở thành đô thị du lịch của miền Tây Bắc. Vết tích chiến tranh xưa còn lại là những chiếc xe tăng, những khẩu pháo, khu hầm ngầm vẫn gợi lại cho ông những ngày khủng khiếp. Với ông, tất cả đã ghi sâu vào ký ức, thật khó quên. Trong chuyến đi này, ông muốn ghi lại chân thực những hình ảnh đã qua. Ông muốn những người lính Pháp đã tham chiến ở Việt Nam cũng như nhiều người khác nữa hiểu được sự thật về cuộc chiến tranh này, hiểu được tại sao Quân đội Pháp lại thất bại và tại sao Quân đội nhân dân Việt Nam lại giành chiến thắng.

Những yêu cầu từ công việc làm phim đã đưa ông Jacque Allare đến nghiên cứu kỹ lưỡng các hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nhóm hiện vật mang các số đăng ký BTQĐ: 441-ĐB-410, 443-ĐB-412, 445-ĐB-415... là những phù hiệu lính Pháp được Jacque Allare đặc biệt quan tâm. Đồng thời, qua những thông tin mà ông cung cấp đã giúp bảo tàng xác minh một số phù hiệu, đó là:

- Phù hiệu của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn Bắc Phi Algeria số 1 (2/1 RTA) thuộc binh đoàn cơ động số 6 đóng ở trung tâm đề kháng Hồng Cúm (Isabelle).

- Phù hiệu của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Bắc Phi Algeria số 3 (3/3 RTA) thuộc Binh đoàn cơ động số 9 đóng ở đồi E.

- Phù hiệu của Tiểu đoàn lê dương số 1 (1erBEP), đóng tại đồi C1.

- Phù hiệu của Tiểu đoàn 1, bán Lữ đoàn lê dương 13 phòng ngự ở hướng Tây Nam thuộc trung tâm đề kháng phía Nam sân bay Mường Thanh (Claudine) gồm các cứ điểm 309, 310, 311B, 305...

- Phù hiệu của Tiểu đoàn Thái số 2 (BT2), phòng ngự hướng Đông Nam đóng tại trung tâm đề kháng đồi A1 (Elian 2), cứ điểm C1, C2, 512, 506, 511.

- Phù hiệu tiểu đoàn thông tin liên lạc.

- Phù hiệu biệt động Commando.

- Phù hiệu Trung đoàn pháo binh thuộc địa số 4, gồm 48 khẩu pháo các loại 155mm, 105mm và một tiểu đoàn pháo 120mm.

Các phù hiệu có màu sắc, hình hiệu riêng của từng đơn vị tham chiến. Các phù hiệu do nhiều hãng, nhiều địa phương của Pháp sản xuất. Mỗi phù hiệu có biểu tượng khác nhau nhưng phần lớn đều có hình mỏ neo. Đặc điểm này ngụ ý là Quân đội Pháp ở nước ngoài. Đặc biệt với Việt Nam, yếu tố này rất quan trọng vì Pháp xâm lược Việt Nam đầu tiên bằng đường biển. Để nhận biết lính lê dương hay bộ binh trên phù hiệu có hình cây xòe 5 cánh, lính dù có cánh chim... Với sự giúp đỡ bằng tài liệu và là nhân chứng đã tham chiến ở phía bên kia, Bảo tàng có thêm các thông tin cơ sở để thẩm định các hiện vật là phù hiệu của quân Pháp ở Điện Biên Phủ.

ĐỨC AN (Lược trích theo cuốn "Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên", Nxb Quân đội nhân dân, năm 2004)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.