Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ rất nhiều hình ảnh, hiện vật, tư liệu của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có những cây đàn, cây sáo, những dụng cụ âm nhạc in đậm dấu ấn thời gian. Các hiện vật đã giúp người xem hiểu thêm về cuộc sống tinh thần phong phú, lạc quan của các chiến sĩ Điện Biên và lực lượng dân công hỏa tuyến trên mặt trận rừng núi xa xôi, đầy khó khăn, thử thách và vô cùng ác liệt. 

Những ai đã từng xem phim “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” hẳn còn nhớ hình ảnh người chiến sĩ trẻ ngồi trong chiến hào với chiếc kèn Monica nhỏ trên môi, bên cạnh những người đồng đội ôm súng cười rất tươi, họ đang chơi một bản nhạc vui gì đó giữa những phút nghỉ sau trận đánh. Không biết có bao nhiêu những nhạc cụ nhỏ xinh như chiếc kèn này đã luôn bên cạnh những chiến sĩ và cùng họ xung trận. Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết, đây là một trong số nhạc cụ mà nhân dân Trung Quốc đã tặng cho Quân đội ta từ sau Chiến dịch Biên Giới năm 1950.

leftcenterrightdel

Kèn Monica của Đoàn văn công thuộc Đại đoàn 308 dùng biểu diễn phục vụ bộ đội và dân công tại mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Chủ nhân chiếc kèn Monica đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự là ông Phạm Ngọc Thụy, nguyên là chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn Thủ Đô thuộc Đại đoàn Quân Tiên Phong. Từ năm 1952, ông đã cùng một số anh em yêu thích văn nghệ của Trung đoàn lập một nhóm nhạc nhẹ để giải trí, động viên bộ đội trong những lúc chờ đợi vào trận đánh mới.

Chiếc kèn đã cùng ông tham gia Chiến dịch Tây Bắc với bài hát “Qua miền Tây Bắc” rồi lại cùng bộ đội hành quân vào Chiến dịch Điện Biên Phủ với các bài “Làng tôi”, “Quê em miền trung du”, các bài hát của nước ngoài “Thượng Cam Lĩnh”, “Nhị Long Sơn”, “Paloma” ... Bằng các điệu nhạc tươi vui, réo rắt, tiếng kèn của ông Thụy đã góp phần làm cho bước chân hành quân của đồng đội bớt mệt mỏi. Kèn còn được thổi để động viên anh em thương binh sau trận đánh đồi A1, đêm 30-3-1954 và mừng chiến thắng sau ngày giải phóng Điện Biên.

Hòa bình lập lại, ông Thụy vẫn mang chiếc kèn bên mình. Cho đến khi giữ chức Phó giám đốc Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, từ năm 1987 đến 1991), ông vẫn dùng kèn này để thổi các bài hát, các bản nhạc mà ông yêu thích, gắn bó với cuộc đời binh nghiệp.

Năm 1994, chiếc kèn đã chính thức trở thành hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và âm vang của những bài ca “Làng tôi”, “Qua miền Tây Bắc”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Vì nhân dân quên mình”... vẫn còn vọng mãi.

ĐỨC THUẬN (Lược trích theo cuốn: "Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên", Nxb Quân đội nhân dân, năm 2024)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.