Sau ngày 7-5-1954, cụm từ “Điện Biên Phủ-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp” được nhắc đến như một biểu tượng minh chứng cho sự thắng lợi của chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, của danh xưng trìu mến, thân thương mà nhân dân ta đã đặt cho những chiến sĩ trong quân đội ấy: Bộ đội Cụ Hồ!

1. Khi giao nhiệm vụ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tổng tư lệnh ra trận. Tướng quân tại ngoại. Trao toàn quyền cho chú quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh". Mất ngủ, đầu quấn ngải cứu, suốt 11 ngày đêm phân tích tình hình và trăn trở, cân nhắc, đêm 25-1-1954, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã thức trắng để đi đến quyết định “đánh chắc, tiến chắc”, trong khi mấy vạn quân đã dàn trận, pháo đã kéo vào trận địa sẵn sàng nổ súng.

Đánh chắc, tiến chắc tức là bao vây đánh dần từng bước, tiêu diệt địch từng bộ phận, từ ngoại vi vào trung tâm sẽ tạo nên sức mạnh áp đảo đánh thắng địch. Sự chuyển hướng về phương châm này đã hạn chế về tổn thất, nhất là tổn thất về người và đem lại một chiến thắng không phải bằng mọi giá! Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng việc quý trọng sinh mệnh con người không chỉ là vấn đề đạo đức, trách nhiệm mà còn là thước đo trình độ và phẩm chất văn hóa của người cầm quân. Ông chính là một vị tướng đã thể hiện rõ nét nhất tính chất nhân văn của một người làm tướng. Thượng tướng Trần Văn Trà, từng viết: “Có trận thắng vang dội, nhưng mất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy, nhiều khi úp mặt xuống phên tre mà khóc".

Nước mắt đầm đìa ướt cả gối mây…” và “Anh là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy, là Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến sĩ. Anh Văn trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội”. Còn Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết: “Đấy là trái tim anh Văn! Đấy là cách đánh và cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp!”. Đại tướng luôn nhắc nhở các tướng lĩnh thuộc quyền một câu nói rất nhân văn của Bác Hồ rằng, không có một trận thắng nào gọi là đẹp cả!

leftcenterrightdel
Chiều 7-5-1954, lá Quân kỳ quyết thắng đã kiêu hãnh tung bay trên nóc hầm thép của tướng De Castries. Ảnh tư liệu

Thực tế trên chiến trường Điện Biên đã chứng tỏ cách đánh chắc, tiến chắc là phù hợp. Bộ đội ta đã lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm của quân địch, siết chặt vòng vây, vận dụng đánh lấn, bắn tỉa, chia cắt sân bay, triệt đường tiếp tế… làm cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, (Pháp và Mỹ đều cho là “bất khả xâm phạm,” thách thức Việt Minh đến đánh) ngày càng bị bóp nghẹt, khó khăn chồng chất, tinh thần chiến đấu của binh lính địch ngày càng sa sút, rệu rã… Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không sờn”, bộ đội ta mở đợt tiến công quyết định đánh vào sở chỉ huy đầu não địch. Chiều 7-5-1954, lá Quân kỳ quyết thắng màu đỏ máu đã kiêu hãnh tung bay trên nóc hầm thép của tướng De Castries.

2. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.

Nếu như trước đây, dân tộc ta đã viết nên những trang sử vẻ vang chống xâm lăng với những địa danh đi vào lịch sử: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… thì đến thời đại Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đánh một trận tiêu diệt lớn ở Điện Biên Phủ, buộc đối phương phải ký kết hiệp định Geneva, giải phóng một nửa đất nước, giải phóng Thủ đô Hà Nội; miền Bắc trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.

Có một điều trùng lặp rất kỳ lạ về thời gian. Hai trận quyết chiến chiến lược ở hai đầu đất nước ấy đều diễn ra trong 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và chiến thắng vô cùng vẻ vang. Còn một điều trùng lặp kỳ diệu nữa là khi tình thế thay đổi thì cả hai chiến dịch đều đã kịp thời thay đổi quyết sách trận trước dự định đánh trong 2 ngày 3 đêm đã chuyển sang gần 2 tháng. Cách 21 năm sau, trận sau dự định phải đánh trong 2 năm nhưng chớp thời cơ “ngàn năm có một” với tinh thần tấn công “thần tốc”, “táo bạo”… chỉ đánh trong 56 ngày đêm!.

3. Với Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không chỉ trở thành một huyền thoại, mà đã trở thành một trong những thiên tài quân sự lớn của thế kỷ XX. Đại tướng Võ Nguyên Giáp một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính ông đã đóng góp những giá trị lịch sử làm sâu sắc trí tuệ, nghệ thuật quân sự; đặc biệt là đường lối chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh!

 

VÕ QUỐC HIỂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ  - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.