Trong 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại đoàn 316 của chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh đồi A1, C1, C2. Khi trận đánh ở đồi A1, C2 chưa thành công, thì cả ngày và đêm 31-3-1954, bộ phận tiền phương của Đội điều trị Đại đoàn 316 đã phải thu dung tới gần 1.000 thương binh.

Việc cứu chữa thương binh diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt. Đội quân y dã chiến được bố trí trong những căn hầm hình chữ V, không gian chật chội, cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu thốn trăm bề, có lúc việc vận chuyển thương binh bị ùn tắc tại giao thông hào chính. Việc phân loại thương binh cũng hết sức khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm cao độ, sự nỗ lực cố gắng cứu chữa cho những đồng đội bị thương, nên chỉ trong 5 ngày đêm liên tục, chúng tôi đã phẫu thuật cấp cứu, vận chuyển thương binh nặng về tuyến sau, thương binh nhẹ được đưa về khu điều trị chăm sóc. Chúng tôi đã cấp cứu kịp thời những thương binh nhẹ để bổ sung lực lượng cho chiến đấu, chiếm gần 30% tổng số thương binh, bệnh binh.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ. Ảnh: PHÚ SƠN

Theo tôi biết, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tổng số thương binh, bệnh binh có gần 1,5 vạn người. Ngay trong chiến dịch, để giảm bớt khó khăn về chăm sóc thương binh và tiếp tế hậu cần, ta đã chuyển gần 4.000 thương binh về các bệnh viện ở hậu phương, sau chiến dịch còn lại hơn 6.000 thương binh. Với sự cố gắng hết sức nên chỉ trong gần một tháng, với khẩu hiệu “Mỗi xe là một bệnh xá lưu động. Mỗi cáng là một gia đình thân yêu”, chúng ta đã chuyển hết thương binh về hậu phương bằng xe vận tải và cáng thương. Để tăng cường cho chiến dịch, Đảng và Nhà nước ta đã huy động các bác sĩ giỏi về chuyên môn lên mặt trận cứu chữa thương binh, bệnh binh, như: Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Vũ Đình Tụng...

Quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách nhân đạo đối với tù hàng binh và binh lính địch bị thương, trong thực hiện nhiệm vụ, lực lượng quân y ngoài nhiệm vụ cứu chữa bộ đội của ta còn được giao nhiệm vụ cứu giúp binh lính Pháp bị thương. Những binh lính Pháp bị thương phải chui rúc trong các căn hầm ô uế, bẩn thỉu cùng cực, phải nằm ở nhiều tầng trong hầm trú ẩn. Khi vào tiếp quản, bộ đội ta căng dù trên mặt đất rồi đưa họ lên. Lực lượng quân y Đại đoàn bố trí hai đội điều trị cùng với nhân viên y tế của quân đội Pháp tiến hành vệ sinh, tắm rửa, điều trị cho binh lính Pháp đến khi họ được trao trả.

Phát biểu khi trao trả tù binh, những binh lính bị thương của quân đội Pháp nói rằng họ được sống lại nhờ sự cứu giúp của những người lính quân y Việt Nam. Viên quan tư, thầy thuốc P.Grauwin đã thốt lên: “Tôi không biết nói gì hơn là những lời cảm phục. Xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Quân đội Việt Nam chiến thắng và nhân đạo”. Còn nữ y tá Geneviere De Gallard nói: “Nếu biết được lòng khoan dung của Cụ Hồ và nhân dân Việt Nam thì tôi đã xin làm tù binh sớm hơn”.

HỒNG CHUYÊN (theo lời kể của Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ, nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.