Năm 1953, Vũ Xuân Thanh lên đường nhập ngũ là chiến sĩ trợ chiến ở Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn). Vũ Xuân Thanh được phân công nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản lương thực, kho tàng và làm một số công tác chuyên môn.  

Mỗi ngày, đơn vị của Vũ Xuân Thanh tiếp nhận gạo, lương thực của thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vận chuyển lên Điện Biên. Bộ đội ta sẽ đến vận chuyển số nhu yếu phẩm này, sau đó bảo quản ở những khu vực thuận lợi để tiếp tế cho lực lượng đang chiến đấu trực tiếp ngoài mặt trận. Hậu cứ cách mặt trận không xa, công việc bảo quản lương thực cũng không hề đơn giản. Khó nhất là những ngày bước vào mùa mưa, phải tìm cách cất giữ làm sao để cho gạo, lương thực không bị ướt. Hằng ngày, anh em trong đơn vị vào rừng chặt nứa, tìm lá cọ, đan mây, làm lán, khiến mặt mũi, chân tay thường xuyên bị trầy xước. Giữ cho trang bị, gạo, muối, lương thực khô ráo thì người chiến sĩ lại ướt và rét. Dẫu vậy, anh em trong đơn vị đều tự khắc phục, không kêu ca, phàn nàn.

leftcenterrightdel

 Vợ chồng ông Vũ Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Lan tại buổi gặp mặt tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tổ chức tại Thanh Hóa. 

Ở hậu cứ, các chiến sĩ cũng thường xuyên được cán bộ, chỉ huy thông báo về tình hình của chiến dịch, có những hôm tin thắng trận liên tục báo về, ai nấy đều hò reo, phấn khởi. Ông Vũ Xuân Thanh nhớ lại: "Thấy nhiều đơn vị trực tiếp ra chiến trường chiến đấu, chúng tôi ở lại hậu cứ, không được cầm súng thú thực cũng buồn lắm". Nhưng biết sao được, người lính phải phục tùng, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức. Thấy anh em tâm tư, cán bộ, chỉ huy đơn vị phải giải thích: Hoàn thành tốt bất cứ nhiệm vụ nào cũng đều góp phần vào thắng lợi cho chiến dịch. Từ đó, các chiến sĩ trợ chiến bớt trăn trở, tập trung làm tốt công việc được phân công, không khí lao động của đơn vị càng hăng say, không quản ngày và đêm. Dựng được một cái kho dã chiến, giữ được từng cân gạo, anh em trong đơn vị vui mừng như vừa chiến thắng một trận đánh.

Cuối năm 1953, lúc bấy giờ phong trào lao động sản xuất và huy động nhân tài, vật lực tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ rất sôi nổi, phụ nữ đi dân công, thanh niên đi bộ đội. Phong trào tác động mạnh đến tầng lớp học sinh. Bà Nguyễn Thị Lan khi đó mới là cô gái 17 tuổi, dáng người nhỏ bé, chỉ nặng 37kg cũng hăng hái xung phong đi dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến dịch. Ra Điện Biên, Nguyễn Thị Lan có nhiệm vụ gánh gạo, làm đường, san lấp hố bom. Được tập huấn lớp y tá khi còn đi học nên Nguyễn Thị Lan được đơn vị giao luôn việc chăm sóc, băng bó vết thương cho mọi người dọc đường đi. Càng gần Điện Biên, đường sá càng khó khăn; vào rừng sâu sên, vắt nhiều vô kể. Có đêm, Lan ngủ trong lán, sáng ra thấy mấy con vắt tròn lẳn nằm lăn lóc bên cạnh.

Nhớ về hồi ức thanh xuân sôi nổi, ông Thanh và bà Lan đều ngời lên niềm tự hào khi được phục vụ chiến dịch, góp sức vào cuộc chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Trên đường hành quân mệt nhọc nhưng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có dịp gặp nhau, rất vui, nhất là tìm được đồng hương. Thấy các anh bộ đội hành quân qua, các chị em thanh niên xung phong, dân công lại ào ra hỏi: Bên nớ có anh mô người Nghệ An không? Nhiều người nhận ra người làng, người cùng xã. Dọc đường gặp người như trẩy hội, nhất là đội quân xe đạp thồ, gồng gánh, mang vác... chỉ nghe giọng nói là đoán ra quê Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rồi hỏi thăm nhau. Từ Mộc Châu, lên Cò Nòi, Sơn La, Tuần Giáo ban đêm trở nên nhộn nhịp. Tất cả đều ra trận, hướng về Điện Biên Phủ.

leftcenterrightdel
 Ông Vũ Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Lan ngày còn trẻ.

Một hôm, ông Thanh đang ở hậu cứ tiếp nhận gạo của dân công hỏa tuyến vận chuyển vào kho, thì nghe được giọng nói của một cô gái xứ Nghệ. Ngẩng mặt lên, ông thấy một cô gái nhỏ nhắn, da dẻ trắng trẻo, tóc dài. Ông Thanh hỏi: "O dân công ni nghe giọng như người Nghệ An thì phải?". Nguyễn Thị Lan khi đó vừa gánh gạo lên đến nơi, mồ hôi từng giọt lăn dài trên gò má, tinh nghịch nói: Đúng rồi anh. Em người Nghệ An. Đồng hương gặp nhau giữa chiến trường, hai người chỉ trò chuyện một vài câu bâng quơ, cũng chưa kịp hỏi tên tuổi, địa chỉ, rồi lại chia tay mỗi người mỗi ngả đi làm nhiệm vụ. Nhưng ấn tượng về lần đầu gặp gỡ ấy đã gieo trong lòng anh bộ đội và cô dân công niềm xao xuyến, bâng khuâng khó tả.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Vũ Xuân Thanh đi theo đơn vị làm nhiệm vụ khác rồi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Biền biệt từ năm 1953 đến năm 1961, sau 8 năm Vũ Xuân Thanh mới có dịp về phép thăm gia đình. Hôm đó, anh hăm hở về quê, đi qua giếng làng thấy bà con đang gánh nước. Bỗng nhiên, một khuôn mặt và dáng dấp nhìn rất quen khiến tim anh hẫng lại một nhịp. Anh nhận ra cô gái dân công gánh gạo, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã gặp năm nào. Tưởng xa nhưng hóa gần, hỏi dân làng anh mới biết người con gái đó lại là hàng xóm của mình, cách nhà anh một quãng đồng.

Cảm giác như được ông trời se duyên, những ngày nghỉ phép, Thanh thường ghé sang nhà Lan hỏi thăm, trò chuyện. Thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tình yêu hai người nảy nở từ đó. Hết phép, Thanh lại vào chiến trường Trị-Thiên. Mãi đến năm 1969, khi gần 40 tuổi, đơn vị tạo điều kiện để anh về cưới vợ. Gần 10 năm yêu xa, tình yêu của hai người vẫn bền bỉ, vẹn nguyên, cùng đi qua năm tháng những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Giờ đây, ông Thanh, bà Lan tóc bạc, răng long nhưng mối tình ấy vẫn đậm đà, chung thủy, cùng nhau vui tuổi già bên con cháu!

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan