Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những ký ức thời hoa lửa của 7 thập kỷ trước ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Phóng viên (PV): Xin nhạc sĩ cho biết kỷ niệm sâu sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ?

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ tiễn quân lên đèo Nhe và Điện Biên Phủ chiến đấu đồng thời khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thì cũng làm nhiệm vụ đón đoàn quân chiến thắng trở về. Đây là nhiệm vụ rất vinh dự của tôi và các đồng nghiệp là những nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và cũng là kỷ niệm đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với tôi.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Doãn Nho (thứ hai từ phải sang) trong một lần được gặp Bác Hồ. 


PV: Giai đoạn này có thể coi là thời kỳ âm nhạc “hưng thịnh” của nước nhà không, thưa nhạc sĩ?

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Nhắc đến âm nhạc thời kỳ đó phải nói tới nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ông dẫn đoàn văn công xung kích của Tổng cục Chính trị có mặt ngay trong trận đánh Him Lam và nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết bài “Trên đồi Him Lam” ngay trong trận đánh này. Khi trận đánh kết thúc thì tốp văn công xung kích đó cùng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã hát phục vụ cán bộ và chiến sĩ trên đồi Him Lam, bài hát có ca từ hào sảng và ý nghĩa: “Hôm qua đánh trận Điện Biên/Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào/Đột phá, tiêm đao tiến đánh vào/Đi mở đường thắng lợi ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây/Quyết diệt cho hết quân thù…”.

Ngay sau đó, không chỉ có riêng tôi mà rất nhiều văn nghệ sĩ khác cũng đến Điện Biên và có nhiều sáng tác mới. Đây là một giai đoạn có thể coi là “hưng thịnh” của nền âm nhạc nước nhà bởi thời điểm này có rất nhiều tác phẩm lớn có thể so sánh được với thế giới. Lúc đó, những thể loại âm nhạc ở Việt Nam xuất hiện rất ít như giao hưởng, opera…thì đến thời điểm này bắt đầu có nhiều sáng tác, mở ra một giai đoạn mới.

leftcenterrightdel
 Nhạc sĩ Doãn Nho.

PV: Nhạc sĩ đánh giá thế nào về vai trò của văn hóa, văn nghệ trong chiến thắng của quân và dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ?

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Lúc đó, trong Quân đội thì mỗi đại đoàn cũng có một đội văn công và bám sát từng trận đánh của đơn vị ấy và có những bài hát của đơn vị đó.

Tôi nhớ, ông Roman Karman là đạo diễn nổi tiếng của Liên Xô (cũ) sang trực tiếp để ghi hình về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi kết thúc chiến dịch, đạo diễn này có ghi lại những thước phim về Điện Biên Phủ, trong đó có hình ảnh tôi kéo đàn violon bài “Cò lả” để chiến sĩ nghe.

Có thể nói, vai trò của văn hóa, văn nghệ thời kỳ đó rất quan trọng. Các đoàn ca múa nhạc từ Trung ương đến địa phương là cả một hệ thống cùng hòa chung một nhịp nên không thể kể hết được những đóng góp của văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội vào cuộc kháng chiến này.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Doãn Nho trong chương trình nghệ thuật "Dưới lá quân kỳ" năm 2019. Ảnh:VOV 


PV
: Bài hát nào về Điện Biên để lại dấu ấn sâu đậm nhất với nhạc sĩ?

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Có nhiều bài hát mà đến giờ tôi cũng không thể nhớ hết nhưng bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ”, viết năm 1958, có nhiều dấu ấn đậm nét đối với tôi. Lúc đó, đoàn văn công của Tổng cục Chính trị trở lại chiến trường Điện Biên, tôi là nhạc sĩ sáng tác, được cử đi “tiền trạm” với yêu cầu là phải viết ngay để khi đoàn đến Điện Biên thì có bài hát mới để phục vụ cán bộ và chiến sĩ.

Tôi đến đây trước và đã hoàn thành nhiệm vụ. Có một kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn không quên, đó là khi đến chân đồi A1, tôi đã khóc và nghĩ về cuộc chiến tranh, biết bao đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại đất mẹ. Lúc đó, khi cảm xúc trào dâng, tôi đã viết ngay bởi vì khi mình xúc động thì phải ghi ngay vào cuốn nhật ký âm nhạc. Bài hát được viết rất nhanh với ca từ hào hùng như bước chân người chiến sĩ trên đường hành quân: “Ghi sâu trong lòng từng bước ta đi/Mãi mãi vững tin Đảng tiền phong/Bộ đội của ta đã mạnh lớn/Lớp lớp sóng người vững bước, dưới cờ vinh quang này, là đoàn quân đã chiến thắng, đây ánh quân kỳ chiếu sáng ngời…”

PV: Lịch sử Việt Nam với những trang sử vàng sáng chói trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ gửi gắm gì vào thế hệ trẻ ngày hôm nay để tiếp bước truyền thống của thế hệ đi trước?

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Tôi rất tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay bởi vì không có gia đình Việt Nam và không có dòng họ nào mà không có người tham gia trong chiến đấu suốt bao nhiêu năm. Vì thế, giáo dục từ gia đình, ngoài xã hội đối với thế hệ trẻ là rất tốt, chỉ có điều là mỗi thế hệ có một ngôn ngữ âm nhạc riêng, ví dụ như các bạn trẻ bây giờ ảnh hưởng nhiều của thể loại âm nhạc pop, rock, rap... Vì thế, khi nhạc sĩ viết ra những tác phẩm thì phải đi vào đời sống xã hội và có ngôn ngữ riêng, mang màu sắc riêng của thế hệ đó, điều này hoàn toàn đúng, chỉ có điều là làm sao phải nhắc lại quá khứ kể cả trong lúc mình say sưa viết về những sự việc của ngày hôm nay. Tôi thấy, gần đây, trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam có nhiều chương trình âm nhạc, văn hóa nghệ thuật mà các nghệ sĩ lão thành hát lại những bài hát của ngày xưa vẫn vô cùng cảm động.

Các thế hệ kết hợp với nhau để đi đúng với tinh thần của Đảng, Bác Hồ đã đề ra cho các văn nghệ sĩ; không bao giờ được quên nguồn cội, quá khứ, lịch sử của dân tộc nhưng đồng thời không bỏ lỡ cơ hội học tập những cái mới và nâng cao lên, nhất là thời đại ngày nay.

PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.