17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, pháo binh của ta đồng loạt khai hoả, dồn dập bắn vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điên Biên Phủ. 40 khẩu pháo từ 75mm đến 120mm đồng loạt bắn vào cứ điểm Him Lam. Trận pháo kích kéo dài 2 giờ liền với 2.000 quả đạn pháo, gây cho địch tổn thất nặng nề, tạo điều kiện cho bộ binh ta xung phong tiến công đánh chiếm cụm cứ điểm Him Lam.

Thực tế những gì diễn ra trên chiến trường đã trở thành nỗi kinh hoàng với quân địch.

leftcenterrightdel
Bộ đội pháo binh dội bão lửa xuống căn cứ của địch tại Him Lam, ngày 13-3-1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Viên chỉ huy pháo binh của Pháp ở Điện Biên Phủ là Trung tá Piroth - người từng ngạo mạn tuyên bố sẽ làm cho pháo binh Việt Minh "câm họng" - đã phải tự sát ngay sau trận mở màn với lời trăng trối cuối cùng “Không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo của Việt Minh.”

Trong cuốn sách "Điện Biên Phủ - 170 ngày đêm bị vây hãm", Erwan Bergot viết về cảm giác của lính Pháp dưới làn đạn pháo của đối phương: “Pháo chuẩn bị tiến công của Việt Minh bắn vào Beatrice (Him Lam) lúc 17 giờ 5 phút, kéo dài suốt hai giờ. Lính lê dương không còn gì để mô tả ngoài từ “hỏa ngục”. Nhưng danh từ này vẫn chưa đủ mức nói hết…”

Tác giả Jean Lacouture và Philippe Devillers trong cuốn “Kết thúc của một cuộc chiến tranh” xuất bản tại Paris năm 1960, đã viết: "Cuộc tiến công mãnh liệt của Việt Minh vào Điện Biên Phủ đã được mở đầu bằng một cuộc pháo bắn chuẩn bị dữ dội, cuộc pháo bắn lần này lần đầu tiên tỏ rõ trang bị hiện đại và sức mạnh không thể nghi ngờ về đội quân mới của tướng Võ Nguyên Giáp. Số lượng và cỡ các khẩu pháo cũng như sự dồi dào về đạn dược đã gây nên một sự kinh ngạc hoàn toàn. Sự kinh ngạc đến nỗi là ba cứ điểm bảo vệ phía Bắc Điện Biên Phủ, Beatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập), Anne Marie (Bản Kéo) đã sụp đổ ngay những giờ đầu. Sứ mệnh đã quyết định là những quả đạn trọng pháo đầu tiên của Việt Minh rơi qua lỗ châu mai vị trí chỉ huy của cứ điểm Gaborien (Độc Lập) và giết chết Đại tá Gaucher, chỉ huy Bán lữ đoàn lê dương thứ 13 và ba người chỉ huy phó của ông ta.

... Tính chất dữ dội của cuộc tấn công của Việt Minh vào Điện Biên Phủ, tầm quan trọng của những phương tiện được huy động, nhất là về trọng pháo, đã gây nên ở Hà Nội và Sài Gòn một sự kinh ngạc đến nỗi là người ta không giấu giếm sự lo ngại về kết thúc của trận đánh...

Như vậy là ngay từ đầu, hỏa lực mạnh của Quân đội Việt Nam, những khẩu pháo 105 ly, những súng cối 120 ly, pháo cao xạ 37 ly, tất cả đã góp phần làm cho cái kìm sắt kẹp chặt 12 tiểu đoàn đóng ở Điện Biên Phủ càng thêm nặng. Ngay từ buổi sáng 15-3-1954, trong thâm tâm, tướng Navarre, ông Dejean (Cao ủy Pháp ở Đông Dương), các bộ tham mưu ở Hà Nội và Sài Gòn không còn nghi ngờ gì nữa trận đánh đã thất bại".

leftcenterrightdel

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13-3-1954, ngày mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Kubiak, một hạ sĩ Pháp - người còn sống sót sau đợt pháo của quân ta trong trận Him Lam, đã kể lại nỗi kinh hoàng của mình trước hoả lực pháo binh của đối phương đêm 13-3-1954 trong tạp chí “Kêpi trắng” số ra tháng 10-1962 như sau: “Trận pháo kích dữ dội đến nỗi người ta tưởng như ngày tận thế đã đến và tưởng chừng như cứ điểm Beatrice (Him Lam) bị bay đi như những làn bụi. Quanh tôi đất đá bị cày tung, đây đó đầy những người bị thương và nằm chết la liệt. Tất cả đều kinh ngạc và tự hỏi không biết Việt Minh lấy đâu ra nhiều pháo đến thế, họ đưa pháo bằng cách nào lên tận lưng chừng các mỏm núi cao này. Đạn pháo hạng nặng rơi liên tục xuống cứ điểm như những chùm mưa tuyết vào một chiều mùa thu. Hết lô cốt này đến lô cốt khác, hết đường hào này đến đường hào khác lần lượt bị băm nát, vùi theo người và vũ khí.”

Một lính Pháp thoát chết ở Điện Biên Phủ trở về đã kể lại những giờ phút căng thẳng dưới làn đạn pháo của bộ đội ta như sau: “Ngọn đồi ấy ở gần bờ phía bên ngoài của lòng chảo như một cái bánh mì ở trong giỏ, Việt Minh thì ở khắp mọi rìa chung quanh. Chiều tàn, báo động chúng nó từ trên núi tràn xuống. Chúng ta nhìn thấy chúng từ mọi nơi trên núi tràn xuống như một đàn kiến phía trước đồi 674, đồi 701. Đến 17 giờ, tất cả mọi người trong bốn đại đội ở vị trí sẵn sàng chiến đấu... Đến 18 giờ, pháo của Việt Minh chụp xuống đầu chúng ta, như một trận hồng thủy. Cậu thấy đấy, đây là cái mới và nó trở thành chiến tranh như kiểu ở Verdum. Nào là 81, 105, 120, tất cả đều tham gia vũ khúc. Và thế là thảm hại thay, những khẩu cối của chúng ta, hạng trung và hạng nặng bị loại ra khỏi vòng chiến đấu. Chúng ta cố gắng chuyển chúng vào hầm. Rồi lại lôi ra để bắn tí chút, nhưng mà chúng nó dập kinh khủng quá. Đạn pháo rơi mọi chỗ làm tung lên những đám bụi đỏ, nhất là ở phía bắc, đối diện với các mỏm đồi bao vây lấy chúng ta. Chúng nó cũng đi tìm sở chỉ huy của chúng ta. Vào khoảng 19 giờ 30, tổ điện đài đi đời nhà ma, hầm sập, hai trong bốn tên bị ngoẻo, còn radio thì bẹp dí. Ít nhất cũng có tới hai trăm cú đi tìm sở chỉ huy. Suốt trong một giờ vẫn còn chịu được nhưng rồi tiếp theo là các cú 3, 4, 5 đạn 105 nổ gần đúng mục tiêu... và đến 4 giờ 45 phút loảng xoảng, tất cả mọi người đều nằm bẹp dí dưới đất đá gỗ vụn”.

Một trong những tù binh địch bị ta bắt cũng đã thốt lên rằng: "Pháo của các ông giỏi quá! Cứ như là “đánh đáo lỗ ấy”.

Còn đây là lời thú nhận của Le Cruyc, Trung uý thuộc Tiểu đoàn 3, Bán lữ đoàn lê dương 13 (3/13 DBLE), bị ta bắt tại Him Lam: “Có thể nói chúng tôi chưa biết mùi pháo binh Việt Nam như thế nào nên khi bị pháo kích, từ sĩ quan đến binh lính đều mất hẳn tinh thần. Ngay phút đầu, trọng pháo Việt Nam đã rót trúng sở chỉ huy tiểu đoàn. Thiếu tá Pégot đứt văng đầu, trung uý Pacdi và trung uý Pungie chết ngay tại chỗ, trung uý Lemone chỉ huy đại đội 12 tan xác…”.

Sự bất ngờ của các chính khách và tướng tá Pháp trước hoả lực pháo binh Việt Nam đã được ký giả  Jean-Henri Jauneaud ghi lại trong cuốn “Từ Verdum đến Điện Biên Phủ” như sau: “Điều đáng kinh hơn cả không phải là ở chỗ Việt Minh có các loại pháo đó, vì Bộ chỉ huy Pháp đã biết từ một năm trước, mà là ở chỗ làm sao Việt Minh lại đưa được một khối lượng lớn pháo hạng nặng và duy trì việc tiếp tế đạn cho chúng qua vùng núi cao, rừng rậm, chẳng có đường sá gì cả”.

KIM GIANG (tổng hợp)

- Điện Biên Phủ - Sự kiện Tư liệu, Nxb Quân đội nhân dân, 2004.

- Thế giới ca ngợi các lực lượng vũ trangg nhân dân ta, Nxb Quân đội nhân dân, 2005.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.