Tại Chương trình giao lưu-tọa đàm “70 năm-Vang mãi bản hùng ca Điện Biên” do Thư viện Quân đội tổ chức ngày 16-4, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng suốt gần hai giờ tham gia các hoạt động với những câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc, Đại tá Nguyễn Hữu Tài khiến chúng tôi không khỏi thán phục. Ngày ấy, ông thường xuyên nhận nhiệm vụ đến các đơn vị trực thuộc Trung đoàn 209 tổ chức lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể chuyện chiến đấu trong Chương trình giao lưu-tọa đàm “70 năm-Vang mãi bản hùng ca Điện Biên”, tháng 4-2024. Ảnh: NAM TIẾN 

Ông khẳng định, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác chính trị có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng. Lực lượng văn nghệ sĩ, các đoàn văn công hợp thành một binh chủng đặc biệt trong đội hình chiến dịch với những bài hát, bài thơ được sáng tác trên đường hành quân và trong quá trình chiến đấu. Văn công luôn sẵn sàng biểu diễn tại chiến hào, hầm pháo. Truyền đơn địch vận được tán phát vào tận trong khu trung tâm, thường xuyên tác động vào tư tưởng binh lính địch. Báo Quân đội nhân dân xuất bản đều kỳ ngay tại Mặt trận, truyền đạt mọi chủ trương của lãnh đạo, phản ánh các trận đánh kịp thời, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ...

Nếu trong các chiến dịch trước, mỗi đơn vị chỉ đánh vài trận và thường diễn ra không quá một đêm, sau trận đánh, bộ đội ta rút ngay về vị trí an toàn phía sau, nghỉ ngơi, củng cố chuẩn bị cho trận khác, thì đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu đã kéo dài. Những trận truy kích đường dài, công đồn, phòng ngự, đánh phản kích quyết liệt diễn ra liên tiếp. Chiến đấu xong bộ đội ta lại bắt tay vào xây dựng trận địa, chiến hào. Cán bộ, chiến sĩ ăn, ngủ ngay tại công sự trên trận địa, đối mặt với quân địch. Cường độ chiến đấu đã vượt lên sức chịu đựng của con người.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Hữu Tài (thứ tư, từ phải sang) tham gia giao lưu nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện Quân đội, tháng 4-2024. Ảnh: NAM TIẾN 

Kết thúc đợt 1 và sang những ngày đầu của đợt 2, đã xuất hiện những gương dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nhưng cũng nảy sinh một số biểu hiện tiêu cực, như ngại hy sinh, gian khổ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm... Không thể bỏ qua những hiện tượng này, cuối tháng 4-1954, Đảng ủy Mặt trận quyết định triệu tập hội nghị các bí thư đảng ủy đại đoàn, các đồng chí phụ trách tổng cục, những người có trách nhiệm cao nhất trong chiến dịch, để tiến hành kiểm điểm tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trước khi bước vào đợt chiến đấu quyết định. Đại tá Nguyễn Hữu Tài nhớ lại: “Cuộc họp diễn ra tại ngôi nhà mái nứa ở sở chỉ huy Mường Phăng. Hầu hết các đồng chí có mặt đều là người quen nên chúng tôi tranh thủ hỏi nhau kinh nghiệm về các trận đánh hoặc cùng bàn cách vượt qua khó khăn, giành thêm những thắng lợi mới. Bước vào hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu nghị quyết mới của Bộ Chính trị và trình bày bản báo cáo “Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, xây dựng tinh thần tích cực cách mạng, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch” của Đảng ủy Mặt trận. Hội nghị thảo luận, nhất trí về tình hình sau khi phân tích kỹ những khó khăn, thuận lợi của ta và địch. Sau cuộc họp, Đại tướng còn gặp riêng từng đồng chí bí thư đảng ủy, trao đổi về kế hoạch tác chiến sắp tới, về những khó khăn của đơn vị. Những cuộc trao đổi kéo dài tới 2 giờ sáng, ai nấy đều tỏ ra lạc quan, tin tưởng”.

Ngay hôm sau, bản kết luận hội nghị như một tài liệu học tập được phổ biến. Cán bộ cơ quan chính trị chia nhau xuống giúp đỡ các đơn vị triển khai một đợt giáo dục cấp tốc cho toàn thể bộ đội, từ cấp ủy đến đảng viên, từ cán bộ đến chiến sĩ, để mọi người nhận thức rõ tình hình, nâng cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. “Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều tự kiểm điểm việc thực hiện chức trách của mình, xác định phải nỗ lực vượt bậc, không chủ quan, tự mãn, không hoang mang, dao động. Nhờ vậy, một khí thế mới dâng lên khắp nơi sau đợt học tập. Đây là một trong những thành công rất lớn của công tác chính trị trên Mặt trận Điện Biên Phủ của Quân đội ta”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài khẳng định.

PHƯƠNG NINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.