Đến Điện Biên để học lịch sử

Theo lời kể của Emmanuel Perve, ông và cha của mình đều từng là những cựu quân nhân phục vụ trong Binh đoàn lính lê dương (Quân đội Pháp). Cha của ông là lính của Tiểu đoàn dù lê dương số 1 (2e BEP) đã tham chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Còn bản thân ông đã có 12 năm trong quân ngũ, qua những đơn vị gồm Trung đoàn dù số 2 (2e REP), Trung đoàn Bộ binh 2 (2e REI) và Trung đoàn Bộ binh 3 (3e REI). Đây là ba đơn vị từng tham chiến ở Điện Biên Phủ năm 1954.

Emmanuel Perve kể rằng ông biết đến Điện Biên Phủ bởi đó là một phần ký ức của cha ông. Dù không được nghe nhiều câu chuyện từ cha, nhưng ông có một tình cảm đặc biệt với mảnh đất này, nhất là kể từ khi rời quân ngũ để theo đuổi công việc của một nhà nghiên cứu lịch sử. Ông nói muốn tận mắt nhìn thấy chiến trường và hiểu rõ những sai lầm chiến thuật và chiến lược mà Bộ tham mưu lực lượng Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mắc phải. Ông cũng muốn hiểu rõ hơn về những trận đánh cường độ cao tại Điện Biên Phủ, và so sánh với các trận đánh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai, để đưa vào cuốn sách nghiên cứu lịch sử của mình.

Lần đầu tiên ông đặt chân đến Điện Biên Phủ là năm 1992. Điện Biên Phủ lúc đó chỉ là một thị xã với diện tích nhỏ hơn rất nhiều và hầu hết các ngọn đồi nơi quân đội Pháp từng chiến đấu đều phủ cỏ xanh. Khi ấy, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi Dominique 2 (đồi D1), cũng như Đài tưởng niệm lính Pháp ở Điện Biên Phủ, đều chưa có. Chuyến đi đến Điện Biên Phủ lần đầu tiên với ông giống như một chuyến phiêu lưu. Ông phải tự định hướng trên bản đồ cầm tay với các ký hiệu địa danh của quân đội Pháp và đôi khi tình cờ bắt gặp một chiến hào, một khẩu pháo hỏng hoặc vết tích của một chiếc xe tăng. Sau chuyến đi đầu tiên ấy, ông đã lưu lại được nhiều hình ảnh quý giá, và có thêm động lực để quay trở lại nơi đây.

Tính cả chuyến đi này, ông đã đến mảnh đất Điện Biên 10 lần trong 32 năm qua. Nơi đây đã thay đổi rất nhiều kể từ chuyến đi đầu tiên của ông. Tuy nhiên, có một thứ không thay đổi, đó là cảm xúc mỗi khi đặt chân đến đây. Mỗi khi bước vào một căn hầm, hay đi qua một đường hào, ông đều cảm thấy rất xúc động khi nghĩ về những người lính đã chết hay bị thương ở trong một không gian nhỏ hẹp như vậy. “Đôi khi, tôi nhắm mắt lại và thấy những người lính của thời đó đang giao chiến với nhau”, Emmanuel Perve nhớ lại.

Truyền đi thông điệp hòa bình

Emmanuel Perve chia sẻ rằng, ông từng chiến đấu trong những trận đánh có quy mô và cường độ nhỏ hơn so với những gì đã diễn ra ở Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, ông hiểu được chiến tranh là gì và sự tồi tệ mà các cuộc chiến tranh mang lại. Khi nhắc đến cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương, cả ông và cha ông đều cho rằng cuộc chiến này đáng lẽ có thể tránh được. Chính phủ Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lẽ ra đã nên phi thực dân hóa Đông Dương trong hòa bình. Đáng tiếc lịch sử đã không diễn ra như vậy.

leftcenterrightdel
 Emmanuel Perve gặp gỡ, trò chuyện cùng cựu chiến binh Dương Văn Hoạt (đến từ Lạng Giang, Bắc Giang) khi đến thăm các di tích lịch sử ở thành phố Điện Biên Phủ, tháng 5-2024. Ảnh nhân vật cung cấp

Ông đã từng rất nhiều lần chia sẻ suy nghĩ ấy với những người dân Việt Nam mà ông gặp. Mỗi lần đến Điện Biên Phủ, Emmanuel Perve dành nhiều thời gian gặp gỡ các cựu chiến binh và người dân nơi đây. Dù biết ông là một cựu binh Pháp, họ luôn dành cho ông tình cảm ấm áp và nồng hậu. Cuộc trò chuyện giữa ông với các cựu chiến binh luôn diễn ra trong không khí thân thiện và cởi mở.

Lần trở lại Điện Biên Phủ này với ông thêm phần đặc biệt bởi vào đúng dịp kỷ niệm tròn 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Chứng kiến những đổi thay của mảnh đất Điện Biên trong lần trở lại này, ông nói: "Dân tộc các bạn là một dân tộc tử tế và thông minh. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất nước các bạn vẫn đứng vững và xây dựng đất nước của mình được như bây giờ. Đó thực sự là điều kỳ diệu." Với người dân Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng rất vĩ đại, nhưng với ông, sự kiện này cũng rất quan trọng, bởi cha của ông đã có mặt ở đây vào thời điểm 70 năm trước. Sẽ là một lần ông có thêm cơ hội để gặp gỡ người dân, các cựu chiến binh, các nhân chứng lịch sử, để lắng nghe, cảm nhận và suy nghĩ về những gì đã diễn ra ở Điện Biên Phủ, để tiếp tục các công trình nghiên cứu lịch sử của mình.

leftcenterrightdel
Emmanuel Perve và các cựu lính lê dương Pháp chụp ảnh chung cùng các cựu chiến binh Việt Nam trên đường Võ Nguyên Giáp (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) sau khi theo dõi Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TRUNG THÀNH

Emmanuel Perve đã xuất bản nhiều cuốn sách về các dân tộc thiểu số, lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật của đất nước Thái Lan, quốc gia láng giềng của Việt Nam. Ông cũng đang thu thập tư liệu để chuẩn bị xuất bản một cuốn sách lịch sử về các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Đặc biệt, Emmanuel Perve chia sẻ rằng ông đã lưu trữ được ít nhất 100.000 bức ảnh tự chụp và ảnh tư liệu về Điện Biên Phủ và miền Bắc Việt Nam. Ông nói rằng ông dự định sẽ viết một cuốn sách về Chiến tranh Đông Dương trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRUNG THÀNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.