Các đồng chí,

Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Đông Xuân của chúng ta đã toàn thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng Đông Xuân rất vĩ đại, cho nên chúng ta cần ra sức tổng kết và học tập những kinh nghiệm quý báu của chiến dịch.

Trong hội nghị tổng kết này, các đồng chí đã nghe những báo cáo điển hình và những báo cáo tổng kết kinh nghiệm về từng mặt quân sự, chính trị, cung cấp.

Hôm nay, thay mặt Tổng quân ủy, tôi xin đọc báo cáo tổng kết chung về chiến dịch. Bản báo cáo của tôi gồm 2 phần:

1. Phương châm chiến lược "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" và quyết định của Trung ương mang chủ lực lên Tây Bắc là then chốt của chiến thắng Đông Xuân.

2. Những bài học kinh nghiệm lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ.

I - PHƯƠNG CHÂM CHIẾN LƯỢC, "TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG, CƠ ĐỘNG, LINH HOẠT" VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TRUNG ƯƠNG MANG CHỦ LỰC LÊN TÂY BẮC LÀ THEN CHỐT CỦA CHIẾN THẮNG ĐÔNG XUÂN

A - HÌNH THÁI QUÂN SỰ VÀ ÂM MƯU CỦA ĐỊCH LÚC BƯỚC VÀO THU ĐÔNG 1953

Sau những chiến thắng của ta ở Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, bước vào mùa Hè 1953, nhìn chung trên chiến trường Đông Dương, thì địch bị uy hiếp mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ và Thượng Lào; ở chiến trường miền Nam thì địch còn mạnh, ta còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi Triều Tiên đình chiến, bọn hiếu chiến Pháp - Mỹ đặt kế hoạch tiến tới một bước mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương và giao nhiệm vụ cho Nava thực hiện kế hoạch đó gọi là kế hoạch Nava.

1. Nội dung kế hoạch Nava: là dựa vào sự viện trợ của Mỹ và sự phát triển ngụy quân mà ra sức tập trung và tăng cường lực lượng, lần lượt mở những cuộc tấn công chiến lược vào chiến trường miền Nam và miền Bắc Đông Dương, nhằm đi tới một thắng lợi quyết định trong 18 tháng.

Kế hoạch của địch chia làm 3 bước:

Bước thứ nhất: trong Thu Đông 1953 dùng chiến thuật tấn công để thực hiện chiến lược phòng ngự ở chiến trường miền Bắc, nhằm chống đỡ và phá những cuộc tấn công của bộ đội chủ lực ta, giữ vững thế phòng ngự ở miền Bắc.

Bước thứ hai: trong Xuân Hè 1954, sau khi bộ đội chủ lực của ta ở miền Bắc đã bị tiêu hao thì địch chuyển quân vào Nam, mở một cuộc tấn công chiến lược để đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, bình định toàn bộ chiến trường miền Nam.

Bước thứ ba: vào Thu Đông 1954, sau khi đã đánh chiếm chiến trường miền Nam, địch tập trung lực lượng ra miền Bắc, mở một cuộc tấn công chiến lược để tiêu diệt một bộ phận quan trọng của chủ lực ta, nhằm tranh thủ một thắng lợi quyết định để biến Đông Dương thành căn cứ quân sự của Mỹ.

2. Nava đã thực hiện kế hoạch như thế nào?

Ngay khi mới sang, Nava đã nêu khẩu hiệu "tập trung lực lượng tích cực tấn công, giành lại chủ động".

Để tăng cường lực lượng, địch tăng viện 9 tiểu đoàn ở Pháp và Triều Tiên sang và tích cực phát triển ngụy quân (54 tiểu đoàn trong 1953 và 108 tiểu đoàn trong 1954). Đồng thời địch rút tập đoàn cứ điểm Nà Sản và những vị trí lẻ ở đồng bằng Bắc Bộ, và chuyển bộ đội cơ động ở Trung, Nam, Lào, Miên ra Bắc Bộ để tập trung lực lượng. Bước vào Thu Đông năm 1953, địch tập trung ở Bắc Bộ 112 tiểu đoàn tức gần 50% lực lượng toàn bộ Đông Dương, trong đó có 44 tiểu đoàn cơ động tức là hơn 50% lực lượng cơ động của địch trên toàn Đông Dương.

Để thực hiện tăng cường viện trợ và tập trung lực lượng, đế quốc Mỹ đã tăng cường viện trợ, đảm nhận 80% toàn bộ kinh phí chiến tranh Đông Dương.

Đi đôi với việc tăng cường và tập trung lực lượng, địch đã mở những cuộc càn quét liên tiếp ở Tả Ngạn, Hữu Ngạn, mở những cuộc tấn công ra vùng tự do như ở Lạng Sơn, Nho Quan, thả hàng mấy ngàn thổ phỉ xuống Tây Bắc để uy hiếp thị xã Lào Cai và uy hiếp hậu phương ta. Trong khi đó, chúng chuẩn bị mở những cuộc tấn công vào Thanh Hóa, ra Hòa Bình hay lên Phú Thọ. Đến tháng 11, chúng cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, âm mưu biến Điện Biên Phủ thành một trung tâm điểm của kế hoạch Nava.

3. Địa vị quan trọng của Điện Biên Phủ trong kế hoạch Nava.

Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là một phần để yểm hộ Lai Châu và che chở Thượng Lào, nhưng chủ yếu là để sau đó một tháng thì dùng Điện Biên Phủ làm bàn đạp đánh chiếm Sơn La và Nà Sản, xây một phòng tuyến vững chắc từ Nà Sản lên Điện Biên Phủ và từ Điện Biên Phủ theo dọc sông Nậm Hu sang Luông Phabăng. Kế hoạch này nhằm thực hiện mục đích của kế hoạch Nava trong thời kỳ thứ nhất là thu hút chủ lực ta, làm cho ta phân tán lực lượng giữa đồng bằng và rừng núi, phá kế hoạch tấn công và tiêu hao chủ lực ta.

Điện Biên Phủ đối với kế hoạch Nava trong thời kỳ thứ nhất chiếm một địa vị quan trọng như vậy, nhưng quan trọng hơn nữa là trong thời kỳ thứ 3, sau khi đã đánh chiếm chiến trường miền Nam, địch tập trung lực lượng ra miền Bắc mở một cuộc tấn công chiến lược từ đồng bằng đánh lên, từ Điện Biên Phủ và Nà Sản đánh xuống, giáp nhau ở vùng giữa đồng bằng và rừng núi, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng của chủ lực ta và giành một thắng lợi quyết định.

Như vậy, đối với toàn bộ kế hoạch Nava, Điện Biên Phủ là một trung tâm điểm, trong thời kỳ thứ nhất thì thu hút và tiêu hao chủ lực ta, phá kế hoạch tấn công của ta, trong thời kỳ thứ 3 thì làm bàn đạp để tấn công vào hậu phương và tiêu diệt chủ lực của ta. Hơn nữa, sau khi giành được thắng lợi quyết định và biến Đông Dương thành căn cứ quân sự của Mỹ, thì bọn gây chiến Mỹ sẽ xây dựng Điện Biên Phủ thành căn cứ không quân quan trọng bậc nhất ở Đông Nam Á, có thể khống chế cả vùng Bắc Bộ Việt Nam, Thượng Lào và uy hiếp vùng tây nam Trung Quốc.

leftcenterrightdel

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sĩ trong lễ mừng chiến thắng, tổ chức tại Sở chỉ huy ở Mường Phăng. Ảnh tư liệu: TTXVN 

 

B - CHỦ TRƯƠNG VÀ PHƯƠNG CHÂM CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VÀ KẾ HOẠCH TÁC CHIẾN CỦA TỔNG QUÂN ỦY

1. Hai ý kiến về phương châm chiến lược và kế hoạch tác chiến.

Bước vào Thu Đông năm 1953, trước tình hình và âm mưu của địch như vậy, trong nội bộ ta có cuộc tranh đấu giữa hai ý kiến về phương châm chiến lược và kế hoạch tác chiến.

Ý kiến thứ nhất là: địch tập trung lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ uy hiếp vùng tự do của ta; ta cần tập trung toàn bộ hay phần lớn chủ lực ở đồng bằng để bảo vệ vùng tự do trong một thời gian; sau khi địch đánh ra và bị tiêu diệt một bộ phận, vùng tự do ta được củng cố, lúc đó sẽ tùy tình hình cụ thể mà để chủ lực ở đồng bằng hay điều động đi nơi khác.

Ý kiến thứ hai là: địch tập trung lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, chiến trường đó thuận lợi cho địch, không thuận lợi cho ta, đánh ở đó thì có thể thu được thắng lợi nhỏ mà lại dễ bị tiêu hao lực lượng. Ta cần mang chủ lực đi đánh ở những hướng địch sơ hở để tiêu diệt địch trong những điều kiện thuận lợi, buộc địch phải phân tán đối phó, trong khi đó thì đẩy mạnh chiến tranh du kích trên khắp các chiến trường toàn quốc. Nếu địch đánh ra vùng tự do thì lại càng bị phân tán lực lượng, nếu chủ lực ta thu được thắng lợi ở hướng địch sơ hở thì tự khắc chúng phải rút khỏi vùng tự do. Muốn thực hiện kế hoạch này, cần khắc phục nhiều khó khăn như vùng tự do phải chuẩn bị đối phó với địch, cơ quan kho tàng phải phân tán, phải khắc phục khó khăn về cung cấp, phải giải quyết tư tưởng cho bộ đội lúc đó đang hướng về đồng bằng, v.v...

Giữa hai ý kiến này, vấn đề là tích cực diệt địch hay tiêu cực đối phó, là chủ động tìm địch mà đánh hay bị động chờ địch đánh ra, là kiên quyết khắc phục khó khăn về cung cấp ở rừng núi là nơi địch sơ hở để tiêu diệt sinh lực chúng hay đánh đồng bằng là nơi cung cấp thuận lợi nhưng khó tiêu diệt sinh lực địch, là tạm thời bỏ vùng tự do để tìm địch mà đánh hay là ở lại giữ vững vùng tự do. Đó cũng là vấn đề đã định một kế hoạch rồi thì cứ nhất định căn cứ vào kế hoạch mà làm, đã định công kiên thì nhất định phải đánh công kiên, đã định vận động thì nhất định phải đánh vận động, đã định đánh du kích thì nhất định phải đánh du kích, hay là căn cứ vào tình hình mỗi lúc một thay đổi mà cơ động, linh hoạt, khi thì công kiên, khi thì vận động, khi thì du kích.

Giữa hai phương châm chiến lược và hai kế hoạch tác chiến đó, trải qua cuộc đấu tranh trong nội bộ, Trung ương quyết định phương châm chiến lược của ta là phải tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, kế hoạch tác chiến của ta là cả vùng địch hậu và vùng tự do đều phải chuẩn bị tự lực đối phó với địch, còn chủ lực thì tập trung đi tác chiến ở rừng núi là nơi địch sơ hở hay tranh thủ tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh ra.

2. Trung ương và Tổng quân ủy đã áp dụng phương châm và thực hiện kế hoạch như thế nào?

a) Về chuẩn bị tư tưởng: Trung ương và Tổng quân ủy đã chuẩn bị tư tưởng cho địch hậu phải chuẩn bị đối phó với những cuộc càn quét khốc liệt của địch. Đối với vùng tự do bị uy hiếp, Trung ương đã chỉ thị cho các cơ quan, kho tàng, trường học phải phân tán và rút vào nội địa, địa phương phải chuẩn bị tự lực đối phó với địch và có thể bị địch chiếm đóng trong một thời gian dài hay ngắn.

b) Về phương châm chiến lược: Trung ương và Tổng quân ủy đã giáo dục phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt cho cán bộ và bộ đội, làm cho cán bộ và bộ đội nhận rõ địch tình có thể biến hóa rất nhanh, cho nên ta phải cơ động, linh hoạt, tránh máy móc cứng nhắc, phải có tư tưởng lúc cần đánh thì đánh, lúc cần rút thì rút, cần đánh to thì đánh to, cần đánh nhỏ thì đánh nhỏ, đang đánh công kiên nhưng cần thiết thì có thể chuyển sang đánh vận động, đang đánh vận động nhưng cần thiết có thể chuyển sang đánh du kích. Về phương châm này không những cán bộ quân sự phải thấu triệt, mà cán bộ chính trị và cán bộ cung cấp cũng phải thấu triệt.

c) Về kế hoạch tác chiến: Trung ương chỉ thị: địch tập trung lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, hướng sơ hở của chúng là Tây Bắc, Thượng Lào và Trung Lào. Kế hoạch tác chiến của chúng ta là mang quân lên Tây Bắc và Trung Lào, Tây Bắc là hướng chính, Trung Lào là thứ yếu.

Nhưng địch tình ở đồng bằng Bắc Bộ và Tây Bắc có thể biến hóa nhanh. Địch có thể rút Lai Châu về Điện Biên Phủ, chúng cũng có thể tăng cường và chiếm đóng cả hai nơi, chúng cũng có thể rút tất cả. Ở đồng bằng địch có thể đánh ra nhưng cũng có thể không, chúng cũng có thể đánh lên Thái Nguyên, Phú Thọ, đánh ra Hòa Bình, nhưng chúng cũng có thể đánh ra Nho Quan, Thanh Hóa. Vì vậy, kế hoạch tác chiến của ta ở Bắc Bộ phải cơ động, linh hoạt: một bộ phận chủ lực lên Tây Bắc, đánh địch ở Lai Châu, nếu địch tăng cường Lai Châu thì bao vây, nếu địch rút Lai Châu thì truy kích và chuyển sang đánh Điện Biên Phủ, nếu địch tăng cường Điện Biên Phủ thì bao vây và chờ lực lượng tăng viện lên công kích, nếu địch rút Điện Biên Phủ thì truy kích. Một bộ phận chủ lực bố trí bí mật ở vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, nếu địch đánh ra vùng tự do thì dùng vận động chiến tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, nếu địch không đánh ra vùng tự do mà tăng viện lên Tây Bắc thì sẽ tăng cường lên Tây Bắc để cùng bộ phận chủ lực trên đó công kích tiêu diệt địch.

Chủ trương cho một bộ phận chủ lực lên Tây Bắc và bố trí một bộ phận chủ lực ở Phú Thọ rất đúng, vì theo tài liệu bắt được của địch thì lúc đó địch có hai kế hoạch: kế hoạch của Nava là tăng cường Điện Biên Phủ để chống đỡ với ta, kế hoạch của Cônhi là đánh vào hậu phương của ta để đỡ đòn cho Điện Biên Phủ. Chủ trương đó là một ví dụ rất điển hình trong việc áp dụng phương châm chiến lược "tích cực, chủ động, cơ động linh hoạt". Chủ trương đó đã đưa chúng ta đến thắng lợi vĩ đại Đông Xuân.

d) Ngoài ra, theo phương châm chiến lược "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt", Trung ương đã quyết định kế hoạch tác chiến thích hợp cho Liên khu 5.

Kế hoạch Nava là đánh chiếm toàn bộ vùng tự do của ta ở đồng bằng Liên khu 5. Trước âm mưu đó của địch, trong nội bộ của ta có cuộc tranh đấu giữa hai ý kiến về phương châm và kế hoạch tác chiến ở Liên khu 5. Một số đồng chí cho rằng vùng tự do Liên khu 5 quan trọng có nhiều nhân vật lực, ta cần để chủ lực ở đồng bằng bảo vệ vùng tự do, Trung ương nhận định rằng vùng tự do quan trọng, nhưng tác chiến ở đó không lợi vì sẽ bị địch từ biển đánh lên và từ trên rừng núi đánh xuống, ta dễ bị động. Hướng sơ hở của địch là Tây Nguyên, nếu ta mang chủ lực lên Tây Nguyên thì sẽ tiêu diệt được sinh lực địch, giải phóng được đất đai, mở rộng được căn cứ, phá được âm mưu của địch. Vì vậy, Trung ương quyết định: Liên khu 5 phải ra sức khắc phục khó khăn về cung cấp để mang chủ lực lên Tây Nguyên, còn ở đồng bằng thì chỉ để một bộ phận nhỏ và tích cực chuẩn bị để đối phó với địch. Nhờ phương châm và kế hoạch chính xác của Trung ương và Tổng quân ủy, nên Liên khu 5 đã thu được thắng lợi lớn ở Tây Nguyên và phá được âm mưu của địch đánh chiếm vùng tự do của ta.

e) Đi đôi với việc mang chủ lực lên Tây Bắc và sang Trung Lào, ở Liên khu 5 thì mang chủ lực lên Tây Nguyên, Trung ương đã chỉ thị cho tất cả các chiến trường địch hậu đều phải tích cực hoạt động để kiềm chế và tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh du kích chiến tranh phối hợp với hướng chính.

Như vậy là chính diện và địch hậu kết hợp, du kích, vận động, công kiên kết hợp, Bắc, Trung, Nam kết hợp, Việt - Miên - Lào kết hợp. Nằm trong phương châm và kế hoạch chung đó, Điện Biên Phủ là trung tâm điểm trong kế hoạch tấn công của ta trên toàn chiến trường Đông Dương.

leftcenterrightdel
Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1, ngày 6-5-1954. Ảnh tư liệu: TTXVN 

 

C - THẮNG LỢI ĐÔNG XUÂN VÀ THẮNG LỢI ĐIỆN BIÊN PHỦ

1. Cuối tháng 11, ta bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc và sang Trung Lào.

Cuộc tấn công thứ nhất của Đông Xuân đánh vào Thà Khẹt. Vì đánh đúng vào chỗ sơ hở của địch nên đã giải phóng được Thà Khẹt, tiến đến bờ sông Mê Công.

Trong lúc đó, ta tiến lên Lai Châu, địch bỏ chạy, ta truy kích tiêu diệt đại bộ phận sinh lực địch và giải phóng Lai Châu. Đó là cuộc tấn công thứ hai.

Cuối tháng 12, bộ đội chủ lực Liên khu 5 mở cuộc tấn công vào Công Tum ở Tây Nguyên, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch và giải phóng toàn tỉnh Công Tum. Đó là cuộc tấn công thứ ba.

Ở Điện Biên Phủ, sau khi quyết định thay đổi phương châm, Tổng quân ủy điều Đại đoàn 308 sang Thượng Lào tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát đến Luông Phabăng. Đó là cuộc tấn công thứ tư.

Đồng thời một đơn vị nhỏ của ta hành quân theo dọc dãy núi Trường Sơn tiến xuống Hạ Lào, bao vây tiêu diệt Atôpơ cùng một lúc với Công Tum, giải phóng toàn bộ cao nguyên Bôlôven. Đó là cuộc tấn công thứ năm.

Trước tình hình đó, địch buộc phải điều lực lượng lên Điện Biên Phủ, lên Xênô, lên Plây Cu, rồi lên Luông Phabăng, biến những nơi đó thành những tập đoàn cứ điểm để đối phó với ta. Như vậy là khối lực lượng cơ động gồm 45 tiểu đoàn chủ lực của Nava dùng để thực hiện kế hoạch đánh ra vùng tự do của ta ở đồng bằng Bắc Bộ, nay bị phân tán thành 4 khối ở 4 nơi trên rừng núi. Trong lúc đó thì chiến tranh du kích của ta bắt đầu phát triển.

Cuối tháng 2 năm 1954, sau 5 cuộc tấn công của ta, địch cho rằng sức tấn công của ta đã đến mức độ cao nhất rồi, không thể nào hơn được nữa, nhất là sau khi Đại đoàn 308 sang Thượng Lào. Chúng cho rằng như vậy là chúng đã chặn được tấn công Thu Đông của ta, đã thực hiện được mục đích của kế hoạch Nava trong thời kỳ thứ nhất, cho nên chúng ta lệnh "chuyển hướng chiến lược", tập trung lực lượng đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 để thực hiện mục đích của kế hoạch Nava trong thời kỳ thứ hai.

Nhưng ngày 12 tháng 3 địch đổ bộ lên Quy Nhơn, thì chiều 13 tháng 3 cuộc tấn công vĩ đại của ta vào Điện Biên Phủ, cuộc tấn công lớn nhất trong lịch sử chiến đấu của quân ta và trong lịch sử chiến tranh Đông Dương bắt đầu. Cuộc tấn công kéo dài gần 2 tháng, đến ngày 7 tháng 5 thì toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Trong thời gian này, các chiến trường Bắc, Trung, Nam, Lào, Miên đều tích cực hoạt động để phối hợp với Điện Biên Phủ, đặc biệt những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ Gia Lâm, Cát Bi, đường số 5 ở đồng bằng Bắc Bộ đã có một tác dụng phối hợp rất có giá trị đối với Điện Biên Phủ và đã góp phần quan trọng vào thắng lợi Đông Xuân.

2. Kết quả cụ thể và ý nghĩa lớn lao của thắng lợi Đông Xuân.

a) Ta đã tiêu diệt một bộ phận rất quan trọng sinh lực của địch.

Ở Điện Biên Phủ, ta tiêu diệt 16.000 địch gồm 17 tiểu đoàn bộ binh cơ động, 3 tiểu đoàn pháo binh, gần 1 tiểu đoàn công binh, cộng là 21 tiểu đoàn. Trong số này có 7 tiểu đoàn dù tức là toàn thể bộ đội nhảy dù Âu Phi, đó là chủ lực tỉnh nhuệ nhất của địch ở Đông Dương.

Cộng cả chiến trường toàn quốc thì địch bị tiêu diệt 112.000 tên tức là 1/6 toàn bộ lực lượng vũ trang của địch ở Đông Dương trong đó có 25 tiểu đoàn bị tiêu diệt hoàn toàn.

Số sĩ quan bị bắt và bị giết là 1.500 tên.

Số phi cơ bị diệt ở Điện Biên Phủ là 62 chiếc, ở toàn quốc là 177 chiếc, tức là 40% toàn bộ lực lượng không quân của địch ở Đông Dương.

b) Ta đã tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương.

Từ trước đến nay theo kinh nghiệm Nà Sản 1952, ở Tây Bắc và Cánh Đồng Chum năm 1953 ở Thượng Lào, địch cho rằng hình thức chiến thuật phòng ngự mạnh nhất và có hiệu nghiệm nhất của địch là tập đoàn cứ điểm. Chúng xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với những phương tiện tối tân, với nhiều tập đoàn cứ điểm nhỏ hợp lại, cho nên so với Nà Sản và Cánh Đồng Chum thì Điện Biên Phủ mạnh hơn nhiều.

Chúng ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tức là đã đánh bại hình thức chiến thuật phòng ngự cao nhất của địch. Trận tiêu diệt Điện Biên Phủ chứng tỏ khả năng chiến đấu mới của quân ta và đã buộc địch phải thay đổi cách bố trí: chúng đã phải rút phân khu Chợ Bến, thị xã Việt Trì và toàn bộ liên khu miền Nam đồng bằng Bắc Bộ để tập trung lực lượng, tránh nguy cơ bị tiêu diệt.

c) Ta đã giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, có tính chất quan trọng về chiến lược.

Ở Bắc Bộ, ta đã giải phóng Điện Biên Phủ và Lai Châu, phá âm mưu địch chiếm lại khu Tây Bắc của ta.

Ở Liên khu 5 ta đã giải phóng Công Tum, mở rộng căn cứ Tây Nguyên nối liền với vùng tự do Liên khu 5 và với căn cứ Hạ Lào.

Ở Bình Trị Thiên và Nam Bộ, hàng trăm đồn bốt bị tiêu diệt, nhiều căn cứ du kích và vùng du kích được mở rộng.

Ở Lào ta giúp nước bạn giải phóng tỉnh Phông Xa Lỳ và vùng lưu vực sông Nậm Hu, mở rộng căn cứ địa Thượng Lào, và mở rộng khu căn cứ Trung Lào, giải phóng cao nguyên Bôlôven ở Hạ Lào. Toàn cõi Pathét Lào thì hơn 1/2 đất đai và gần 1/2 dân số đã được giải phóng.

Ở Miên thì chiến tranh du kích bắt đầu lên, khu căn cứ Tây Nam được mở rộng, khu căn cứ Đông, Bắc được mở rộng và nối liền với Hạ Lào.

d) Bộ đội ta đã được rèn luyện và trưởng thành trong chiến đấu.

Trên mặt trận Điện Biên Phủ, lần đầu tiên bộ đội ta đánh tập trung quy mô tương đối lớn, có trọng pháo và cao xạ pháo phối hợp, đánh công kiên có tính chất trận địa. Không những bộ binh tiến bộ mà cả những binh chủng mới lần đầu ra trận cũng đã được xây dựng thành công trong tác chiến.

Những đơn vị ở các mặt trận phối hợp cũng tiến bộ nhanh, đặc biệt là bộ đội ở đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 5. Bộ đội ta không những tiến bộ về chiến thuật, kỹ thuật mà còn tiến bộ về tinh thần chiến đấu kiên quyết, anh dũng, bền bỉ, về tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn. Nhiều đơn vị hoạt động liên tục 6, 7 tháng vẫn nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu và tích cực tiêu diệt địch; đó là những cố gắng và những tiến bộ từ trước đến nay chưa từng có trong quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội ta.

Trong bước trưởng thành chung của bộ đội, cả cán bộ và chiến sĩ đều tiến bộ, rất nhiều cán bộ và chiến sĩ thi đua mới xuất hiện. Có thể nói rằng trong chiến dịch Đông Xuân, bộ đội ta được rèn luyện và tiến bộ bằng mấy năm xây dựng.

e) Chúng ta đã phá tan kế hoạch Nava.

Chiến dịch Đông Xuân đã làm thay đổi cục diện chiến trường toàn quốc và toàn Đông Dương và đã phá tan kế hoạch mở rộng chiến tranh của địch.

Địch mong tăng cường và tập trung lực lượng nhưng lực lượng của địch bị tổn thất rất nặng, chủ lực của chúng bị phân tán hơn bao giờ hết. Địch mong bình định địch hậu và đánh chiếm vùng tự do của ta, song những căn cứ du kích của ta ở sau lưng địch được củng cố và mở rộng hơn trước, trong khi đó thì vùng tự do của ta ngày càng thêm vững chắc. Địch mong chuyển phòng ngự sang tấn công để giành lại chủ động, nhưng địch bị ta tấn công trên khắp các mặt trận, bị thất bại liên tiếp và ngày càng bị động. Địch mong giành lấy một thắng lợi quyết định trong 18 tháng để kết thúc chiến tranh, nhưng chúng đã bị đại bại ở Điện Biên Phủ, buộc phải rút khỏi miền Nam đồng bằng Bắc Bộ và buộc phải ký hiệp định đình chiến với ta.

f) Chiến thắng Đông Xuân đã có ảnh hưởng chính trị sâu rộng khắp trong nước và trên thế giới.

Toàn quân, toàn dân, toàn Đảng vô cùng phấn khởi vì chiến thắng Đông Xuân, đã đẩy mạnh hoạt động trên các chiến trường, xúc tiến mọi mặt công tác. Tin chiến thắng đã thổi một luồng gió thi đua sôi nổi giữa các ngành hoạt động. Tin chiến thắng từ tiền tuyến bay về đã làm nức lòng anh chị em nông dân, làm cho anh chị em càng hăng hái tham gia phát động quần chúng cải cách ruộng đất và đẩy mạnh thi đua sản xuất.

Tin chiến thắng từ trong nước bay ra đã làm rung chuyển dư luận thế giới, làm cho nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới vui mừng phấn khởi, làm cho bọn gây chiến và bè lũ phản động hoang mang lo sợ. Chiến thắng Đông Xuân là một đòn rất nặng đã góp phần đánh đổ bọn phản động Lanien, Biđôn và bọn Việt gian Bửu Lộc, đồng thời nó là một cống hiến lớn lao cho sự thành công của Hội nghị Giơnevơ, cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ của nhân dân Đông Dương và cho sự nghiệp hòa bình thế giới.

Chiến thắng Đông Xuân rất vĩ đại.

Có chiến thắng Đông Xuân, chủ yếu do phương châm chiến lược rất đúng đắn của Trung ương, phương châm "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt". Vì vậy, bài học kinh nghiệm chủ yếu của chiến thắng Đông Xuân là bài học về phương châm chỉ đạo chiến lược của Trung ương.

Trung ương và Hồ Chủ tịch đã căn cứ vào Chủ nghĩa Mác - Lênin mà phân tích tình hình và đề ra phương châm chiến lược chính xác cho chúng ta. Vì vậy, thắng lợi Đông Xuân là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lênin... của sự chỉ đạo quân sự của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch.

(còn nữa)

* Theo một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.