... Một buổi chiều mùa Đông tháng 11-1953, mới chân ướt chân ráo về nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới, tôi đã cảm nhận ngay được không khí nhộn nhịp của toàn Đội điều trị 2 chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ phục vụ Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.

Những buổi luyện tập hành quân ban ngày, ban đêm, mặc dù gió rét, mưa lạnh, mồ hôi thấm áo vẫn ra sức rèn luyện đôi chân, đôi vai mang vác nặng hành quân xa để mai ngày ra chiến trường có sức dẻo dai, tác phong khẩn trương gọn gàng, nhanh nhẹn phục vụ chiến đấu, phục vụ thương bệnh binh được tốt.

leftcenterrightdel

Lực lượng y tế và đội ngũ quân y luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời cho các chiến sĩ bị thương. Ảnh tư liệu: TTXVN

Toàn đội được học tập quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 nhằm tạo nên một bước ngoặt lớn trong cục diện chiến tranh ở Đông Dương. Để giữ bí mật, chiến dịch được mang tên "Trần Đình".

Đường đi chiến dịch, trên đầu luôn luôn có máy bay địch bay lượn trinh sát, thỉnh thoảng lại có tiếng súng "tắc bọp, tắc bọp" của bọn phỉ bắn lén. Hai bên đường, các chiến sĩ bộ binh vai vác nặng ngụy trang kỹ, rầm rập tiến bước, đi sâu vào khu rừng núi Tây Bắc. Từng đoàn dân công miền xuôi, miền núi gồng gánh, gùi sọt, đẩy xe đạp thồ, vừa rảo bước vừa cất cao giọng hò, tiếng hát. Đêm đêm, từng đoàn ô tô kéo pháo ngụy trang như những chú voi lớn, voi bé. Núi rừng vang vọng tiếng hát của các chiến sĩ pháo thủ: "Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến...".

Anh chị em Đội điều trị 2 chúng tôi cũng rảo bước hòa chung vào đội hình trùng điệp của đoàn quân ra mặt trận. Gần một tháng trèo đèo, lội suối, hành quân vất vả, gian khổ, vượt qua phà Âu Lâu, Tạ Khoa, đỉnh Lũng Lô, đèo Cò Nòi, dãy núi Pha Đin... hành quân dài ngày, đường rừng bước thấp bước cao hay bị vấp ngã, anh chị em có phần thấm mệt, sức khoẻ giảm sút.

Tiếng chim rừng hót vang "Khó khăn khắc phục... khó khăn khắc phục" như đồng cảm, khích lệ đoàn quân đang tiến ra mặt trận. Mọi người cười vang, xốc ba lô vững bước đi tiếp. Càng gần tới mặt trận, máy bay trinh sát của địch càng lùng sục mạnh, đạn pháo của địch thỉnh thoảng nổ gần, lóe sáng.

Đơn vị chúng tôi đang đi qua một rừng chuối thì bị địch pháo kích. Nhường chỗ ẩn nấp cho hai chị dân công Vĩnh Yên, đồng chí y tá Thuần vác hộp dụng cụ phòng mổ chạy được vài mét thì trúng đạn pháo, hy sinh. Hai đồng chí Xứng và Lương bị thương. Thương tiếc đồng chí Thuần, anh chị em chúng tôi không cầm được nước mắt, đứng lặng bên thi hài anh, cùng nhau hứa với người đã khuất: Đội điều trị 2 ra mặt trận quyết tâm phục vụ thương binh thật tốt, chăm sóc thương binh mau lành để sớm trở về đơn vị chiến đấu tiêu diệt quân thù, trả thù cho đồng chí Thuần thân yêu của chúng tôi.

Đội điều trị 2 chúng tôi hành quân đến vị trí tập kết tại chiến trường đúng thời hạn quy định. Các đồng chí Đội trưởng Vũ Trọng Kính, Đội phó Võ Duy Cương, chính trị viên Hoàng Văn Nhu chia nhau đi tới từng bộ phận thăm hỏi, động viên anh chị em và phổ biến nhiệm vụ, bố trí khu vực đóng quân cho từng bộ phận.

Được bổ sung dân công, toàn đội bắt tay ngay vào việc làm lán trại, đào hầm hào bảo đảm sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên và thu nhận 500 thương binh. Hầm thương binh bố trí rải rác khắp sườn đồi. Mỗi khu thương binh nặng, vừa, nhẹ đều có phòng mổ trong hầm sâu dưới đất. Còn có hầm sâu cho Ban Dược pha chế thuốc...

Đội điều trị 2 làm nhiệm vụ bệnh viện dã chiến tuyến 1 tiếp nhận thương binh của các trung đoàn trực tiếp chuyển về nên đội luôn bám sát chiến trường.

leftcenterrightdel

Nữ y tá tận tình bón từng thìa cháo cho thương binh ngoài hỏa tuyến. Ảnh tư liệu

Tôi và đồng chí Quán là hai y tá trong một tổ thuộc khu trọng thương do quân y sĩ điều trị Phạm Ngọc Phú phụ trách. Tổ được bổ sung bốn nữ dân công để làm công tác hộ lý. Anh chị em chúng tôi tranh thủ hội ý chớp nhoáng và phân công mỗi người mỗi việc: Kiểm tra lán trại, hầm hào, chuẩn bị thuốc men, bông băng, dụng cụ y tế, đun sẵn nước sôi... để sẵn sàng tiếp đón thương binh. Tiếng đạn pháo, tiếng súng nổ giòn giã ở mặt trận vọng về.

Chỉ khoảng ba mươi, bốn mươi lăm phút sau đã có thương binh chuyển về tới phòng khám chọn lọc của đội. Từ đầu dốc, tiếng gọi í ới của đoàn dân công tải thương: "Khu A đâu, khu trọng thương đâu, ra nhận thương binh". Chúng tôi hối hả ra đón thương binh về lán, về hầm, sắp xếp, phân loại thương binh để tiện theo dõi phục vụ. Chúng tôi khẩn trương sơ cứu, rửa sạch vết thương hở bị vùi đầy đất cát, kiểm tra và báo cáo với y bác sĩ những thương binh cần được phẫu thuật kịp thời để hạn chế tử vong hoặc hoại tử.

Chúng tôi nhắc nhở nhau nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh điều trị, thuốc men tiêm truyền chính xác, đầy đủ. Nhìn các đồng chí thương binh người bị cụt tay, cụt chân, người bị chấn thương sọ não... máu me đầy mặt, đầy mình, chúng tôi vừa đau xót vừa khâm phục chiến sĩ ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh thân mình để giành chiến thắng.

Chúng tôi động viên nhau tận tụy phục vụ thương binh, nhắc nhở chị em dân công cùng y tá chăm sóc, nâng giấc thương binh thật chu đáo, nhẹ nhàng, nói năng dịu dàng để thương binh cảm thấy như được chăm sóc trong gia đình mình, đội điều trị là nhà, quân y với thương binh là những người ruột thịt. Chúng tôi tận tình bón từng thìa cháo, ngụm sữa, cố gắng đáp ứng từng yêu cầu của anh em.

Có những tối, chúng tôi ngồi cho thương binh nặng dựa lưng đến tận khuya, khi anh thương binh đã dìu dịu cơn đau, ngủ được mới nhẹ nhàng đỡ anh nằm xuống giường. Có thương binh khi được chuyển về tuyến sau đã nắm chặt tay chúng tôi và nói: "Các chị đã xoa dịu vết thương của tôi đang rỉ máu và cũng đã an ủi chúng tôi rất nhiều trong lúc bị thương, xa những người thân yêu trong gia đình".

Có chiến sĩ trẻ được chữa lành vết thương đã xúc động nói lúc chia tay: "Rất biết ơn các anh các chị quân y đã chữa cho em khỏi, được trở về đơn vị. Tình cảm của các anh, các chị đã tiếp thêm sức mạnh cho em nắm chắc tay súng lao vào những trận chiến đấu mới".

Kết thúc đợt 2 của chiến dịch, qua sự nhận xét của anh em thương binh và anh chị em cán bộ, nhân viên trong khu trọng thương và trong toàn đội, tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua và ngày 1-5-1954, được Bộ Tổng tư lệnh tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Niềm vui đến thật bất ngờ, đây là thành tích chung của toàn thể anh chị em Đội điều trị 2, công sức của chị em dân công, trong đó có sự góp phần nhỏ bé của tôi.

Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong niềm vui chiến thắng, Đội điều trị 2 chúng tôi vinh dự được nhận lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" - phần thưởng cao quý của Hồ Chủ tịch.

Sau chiến dịch, tôi được Cục Quân y cử tham gia đoàn Chiến sĩ thi đua ngành Quân y đi dự Hội nghị Chiến sĩ thi đua Điện Biên của Tổng cục Hậu cần.

Sau đợt chuyển thương binh về Quân y viện 4 ở Phú Thọ, Đội điều trị 2 chúng tôi lại nhanh chóng hành quân đường dài vào Sầm Sơn nhận nhiệm vụ phục vụ trao trả tù binh.

TRƯỜNG AN (lược trích)

(Sách "Âm vang Điện Biên", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.