Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của Phan Tư được lệnh đi phá thác trên sông Nậm Na để mở thêm một đường vận chuyển từ biên giới Việt - Trung về thị xã Lai Châu. Tháng 1-1954, bộ đội hậu cần đã chở hơn 250 bè mảng ở đoạn sông này, nhưng bè vỡ, gạo chìm mất 200 bè vì trên 70km đường sông có tới 163 thác lớn, nhỏ.

Nhiệm vụ phá thác rất mới mẻ, trời rét buốt, hai bờ sông không có dân, sinh hoạt rất khó khăn. Mỗi khi thấy hàng trăm bè mảng chở gạo gặp thác lao xuống bị vỡ, gạo chìm, Phan Tư thấy rất xót xa vì không có gạo nuôi quân.

leftcenterrightdel
Công binh dùng bè mảng vượt sông Nậm Na đưa hàng về Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN 

Đơn vị quyết định trước hết phải tập trung phá thác Chiềng Nưa - một thác khá lớn để rút kinh nghiệm. Phá thác tức là dùng thuốc nổ để phá dãy đá chắn ngang sông. Nhưng làm sao khối thuốc nổ và bộ phận gây nổ không bị nước làm ẩm ướt, tịt ngòi. Làm sao đặt được khối thuốc nổ mà không bị nước chảy xiết xô đi... Phan Tư xung phong nghiên cứu phá trước để rút kinh nghiệm cho toàn đơn vị. Sau nhiều lần lặn xuống nghiên cứu tìm nơi đặt bộc phá, anh đã quyết định ôm khối thuốc nổ 6kg, ngòi đốt sẵn, nhoài người xuống ấn khối thuốc nổ vào kẽ đá, rồi nhanh chóng ngoi lên bơi vào bờ. Vừa bơi vào bờ thì bộc phá nổ, thác đá Chiềng Nưa bị phá tung, thông được luồng.

Từ kết quả đó, Phan Tư trực tiếp phá 4 thác khác để rút kinh nghiệm. Nhưng kiểu phá như vậy rất nguy hiểm. Phan Tư đã tìm ra những biện pháp sáng tạo: Gói thuốc nổ trong lá dong như cách gói bánh chưng rồi buộc thật chặt, ngâm xuống suối, thuốc nổ sẽ không bị ngấm nước. Cách làm này có hiệu quả, an toàn hơn, được anh em rất tin tưởng.

Trung đội của Phan Tư chia ra mỗi tiểu đội đảm nhiệm khoảng 25km, có chừng 30 thác. Trời rét buốt, suốt ngày ngâm mình dưới nước, gạo ăn không đủ, ngủ trong hang đá nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận. Có thác dữ quá, Phan Tư phải đến lần thứ mười hai mới buộc được thuốc nổ. Có hôm mới nhận được 250kg thuốc nổ về để trên bè đã neo buộc chặt nhưng trời mưa to gió mạnh, bè đứt dây trôi mất, Phan Tư và anh em phải đi tìm trong đêm tối mới kéo được bè về. Sau gần 2 tháng vượt bao khó khăn gian khổ, trung đội của Phan Tư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều người được khen thưởng.

leftcenterrightdel

 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Tư. Ảnh: dantri.com.vn

Ngày 30-3-1954, đợt hai của Chiến dịch bắt đầu. Chỉ trong vòng 7 ngày ta đã chiếm được một loạt cứ điểm trên các Đồi D, E, C, A, siết chặt thêm vòng vây. Địch đổ quân dù xuống tăng viện, pháo kích ngày đêm nã đạn vào các khu vực nghi có quân ta. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt giữa ta và địch diễn ra trên Đồi C1 và A1.

Sang tháng 4, bắt đầu có những trận mưa to làm cho một số đường tiếp tế bị sụt lở, lầy lội nhiều đoạn. Máy bay địch tăng cường đánh phá vào các đèo dốc trên đường. Trung đội của Phan Tư vừa chống lầy lún vừa phá bom nổ chậm. Mỗi ngày, mỗi trọng điểm, địch ném từ 160 đến 200 quả bom các loại. Có đợt, địch đánh liền 10 ngày, Phan Tư làm nhiệm vụ quan sát bom rơi. Khi máy bay địch quay trở lại ném bom tiếp, Phan Tư đã dũng cảm nằm ngay tại mặt đường quan sát để nắm chắc vị trí bom rơi, đánh dấu cho anh em phá gỡ. Một quả bom nổ chậm nằm giữa mặt đường, không nắm được giờ an toàn, nên không ai dám vượt qua, dân công bị ùn lại. Phan Tư đã dũng cảm đốt đuốc đứng cạnh quả bom, là lộ tiêu cho dân công vượt qua an toàn nhanh chóng...

Trong thông báo khen thưởng của Bộ chỉ huy Chiến dịch có ghi: "Đội công binh mở đường thắng lợi suốt mùa hè không nghỉ, giữ vững giao thông, không có con đường ấy, không có Chiến dịch này".

Ngày 31-8-1955, đồng chí Phan Tư được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

THÙY ANH (lược trích)

1. Anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ /Lê Hải Triều, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.