Từ ngày nhập ngũ đến tháng 5-1954, Nguyễn Văn Thuần chiến đấu trên chiến trường Bắc Bộ ở Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ tiểu đoàn, Nguyễn Văn Thuần luôn bình tĩnh, mưu trí, linh hoạt.

Giữa tháng 12-1953, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 của Nguyễn Văn Thuần nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 17-1-1954, Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 đã vượt qua dãy Tà Lèng vào sát Điện Biên Phủ tổ chức phòng ngự và làm công sự cho pháo. Hai Trung đoàn 141 của Nguyễn Văn Thuần và Trung đoàn 209 tham gia kéo pháo. Sau 9 ngày đêm lao động khẩn trương phần lớn các khẩu pháo đã được đưa vào trận địa. Trong khi ta chuẩn bị nổ súng tiến công thì bỗng nhiên có lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch: "Tạm ngừng cuộc tiến công, kéo pháo ra". Tình hình chiến trường đã có những diễn biến mới nên chúng ta bỏ phương án: "Đánh nhanh, thắng nhanh" để "Đánh chắc, tiến chắc".

leftcenterrightdel
 Di tích trận địa pháo 105. Ảnh: TTXVN

Sau đó, Trung đoàn 141 của Nguyễn Văn Thuần nhận nhiệm vụ làm đường cho pháo cơ động. Làm đường cho xe kéo pháo được tiến hành khẩn trương trong điều kiện không có máy ủi, không được dùng thuốc nổ. Ngay những công cụ thô sơ như búa tạ, choòng cũng không đủ. Rìu để chặt càng không có. Anh em chỉ có những con dao rựa và chiếc xẻng bộ binh đã cũ.

Không có choòng, xà beng, Nguyễn Văn Thuần bảo anh em chặt gỗ cứng làm xà beng, không được dùng thuốc nổ, anh nói chiến sĩ kiên nhẫn theo thớ đá đục dần. Không có cưa, anh bảo mọi người bới gốc cây, chặt dần từng rễ rồi hạ cây bằng dao rựa.

Đào hầm cho pháo 105mm cồng kềnh đồ sộ đòi hỏi khá nhiều công sức. Trận địa pháo phải bảo đảm vừa bắn tốt vừa an toàn. Mỗi hầm pháo đào sâu vào vách núi phải moi từ 200m3 đến 300m3 đất đá. Gỗ cho hầm hào phải có đường kính từ 30cm trở lên. Nắp hầm phải dày trên 3m, gồm nhiều lớp đất xen với gỗ và những bó trúc, bảo đảm có thể chịu được bom tạ. Tất cả những công việc vất vả nặng nhọc đó Tiểu đoàn 16 của Nguyễn Văn đều thực hiện hoàn hảo.

Đồng thời với việc xây dựng công sự trận địa, việc chuẩn bị đánh cứ điểm Him Lam cũng được tiến hành khẩn trương. Đại đoàn 312 quyết định sử dụng Trung đoàn 141 và Trung đoàn 209 tiến công trên hướng chủ yếu.

17 giờ 5 phút 13-3-1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu! Mở đầu Chiến dịch ta tiến công cứ điểm Him Lam. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra vô cùng quyết liệt. 23 giờ 30 phút Đại đoàn 312 hoàn toàn làm chủ căn cứ Him Lam. Vòng vây của ta khép dần. Các đơn vị của Trung đoàn 141 tham gia đào hào khép chặt vòng vây. Phó tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thuần có sáng kiến đào ngầm dưới lòng đất khiến địch bất ngờ...

Đêm 6-5-1954, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 đột phá cứ điểm 507, cùng lúc với tiếng nổ của khối bộc phá đơn vị đánh chiếm phần còn lại của cứ điểm đồi A1. Cuộc chiến đấu ở cứ điểm 507 diễn ra quyết liệt. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.

Với những chiến công của mình, đồng chí Nguyễn Văn Thuần được tặng thưởng 2 Huy chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương chiến công hạng Ba, 11 lần được Tiểu đoàn, Trung đoàn, Đại đoàn khen thưởng. Ngày 31-8-1955, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

THÙY ANH (lược trích)

Anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ/Lê Hải Triều, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.