Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Đặng Đức Song là Tổ trưởng tổ súng máy Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Mở đầu chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho Đại đoàn 316 đưa lực lượng phòng ngự, kiên quyết giữ vững thế bao vây uy hiếp Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trung đội của Đặng Đức Song được giao nhiệm vụ phòng ngự Đồi Xanh, đánh trả các đợt tấn công của địch.

leftcenterrightdel
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song. Ảnh: vtv.vn 

Trong trận phòng ngự Đồi Xanh, tiểu đội của ta liên tiếp đánh lui 2 đợt tấn công của địch, ghìm chân chúng hơn một giờ rồi bí mật rút về trận địa chính. Địch chiếm Đồi Cháy làm bàn đạp tiến công lên Đồi Xanh; đồng thời cho một mũi bí mật luồn rừng đánh vào trận địa pháo của ta. Các chiến sĩ pháo binh cảnh giác theo dõi, phối hợp với lực lượng bảo vệ đánh bật quân địch. Các đơn vị xung phong của địch lên Đồi Xanh đều bị bẻ gãy.

Hôm sau, Đồi Xanh vẫn đang còn chìm trong sương mù dày đặc bỗng rung lên bởi từng đợt pháo địch dội tới. Loạt pháo vừa dứt, dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng, cả trung đội vào ngay vị trí chiến đấu. Sau tiếng hô của Trung đội trưởng, cả trung đội nhất loạt ném lựu đạn và bắn xối xả vào đội hình của địch. Bị đánh bất ngờ, nhiều tên địch chết ngay tại chỗ, số còn lại hốt hoảng bỏ chạy.

Một lúc sau, cả Đồi Xanh lại rung lên lần nữa, hầm của đồng chí Song bị sập, anh em bị thương vong rút xuống, đồng chí và một chiến sĩ mới nữa ở lại đã dũng cảm đánh lui đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa. Trận chiến đấu hôm ấy, tổ súng máy của đồng chí Song thắng lớn. Nhưng đơn vị cũng bị thiệt hại, 3 đồng chí hy sinh, 7 người thương nặng phải chuyển về tuyến sau. Tổng kết trận phòng ngự trên Đồi Xanh, có 24 chiến sĩ được phong danh hiệu “Dũng sĩ Đồi Xanh”.

Trận đồi Mâm Xôi ngày 3-5-1954, đồng chí đã lội nước 3 ngày dưới đường hào bùn nước ngập đến bụng. Hỏa lực địch tập trung bắn ra rất ác liệt, nhưng đồng chí vẫn đưa Đại đội trưởng qua lại nhiều lần, nghiên cứu mở cửa đột phá. Những ngày cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Song và các đồng đội vẫn kiên cường chiến đấu anh dũng trong vòng vây của địch.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song. 

Những năm sau này, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song được đi học tập, đào tạo ở nước ngoài, được bầu là đại biểu Quốc hội khóa II, trở thành Giám đốc Nhà máy Thông tin M1 (nay thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội). Ở vị trí nào, đồng chí Đặng Đức Song cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc xây dựng, phát triển Nhà máy Thông tin M1, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi nghỉ hưu, đồng chí Đặng Đức Song vẫn tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh địa phương, được tổ chức và hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Không chỉ làm tốt các công việc tại địa phương, đồng chí Đặng Đức Song còn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương bằng cách khuyến khích con cháu ủng hộ quỹ khuyến học của làng và dòng họ. Hằng năm, gia đình ông trích một số tiền nhất định để khen thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt, đồng thời, tham gia đóng góp ủng hộ các quỹ do địa phương vận động.

Với những đóng góp trong chiến đấu và lao động sản xuất, đồng chí Đặng Đức Song đã được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Issara do Nhà nước Lào trao tặng; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đức Song từ trần ngày 29-7-2023 tại Hà Nội. 

THÙY ANH (lược trích)

1. Điện Biên Phủ bài ca bất diệt/Huy Linh, Nxb Hồng Đức

2. antg.cand.com.vn

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.