Tiếp tục tham gia dân công phục vụ các chiến dịch rồi chuyển sang bộ đội chủ lực, giữa năm 1953, đồng chí xin đơn vị chuyển sang thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong quá trình tham gia chiến dịch, đồng chí đã có nhiều sáng kiến đặc biệt.

Khi làm nhiệm vụ ở Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin, nơi địch đánh phá vô cùng ác liệt, lực lượng TNXP hy sinh rất nhiều, đồng chí đưa ra sáng kiến phá bom nổ chậm bằng cách dùng cây hóp đá (thuộc họ tre) dài 4-5m, người nằm dưới hố an toàn rồi dùng cây hóp đá chọc cho quả bom lăn và tự nổ, chỉ trong 2 giờ, phá được 39 quả bom bươm bướm. Với kinh nghiệm này, có ngày toàn đội phá được 130 quả bom các loại. Chính đồng chí Huyền là người đưa năng suất đục lỗ, nhồi thuốc mìn phá đá tăng gấp 5 lần định mức. Ngay cả công việc tưởng chừng đơn giản như đốn tre, nứa, đồng chí cũng có sáng kiến chặt theo góc 150 độ để cây không bị nứt dọc và người chặt tránh được tai nạn, đưa năng suất cao gấp 8 lần định mức.

leftcenterrightdel

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Văn Huyền. Ảnh: bqllang.gov.vn

Đến cuối tháng 4-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra rất cam go, quyết liệt, quân ta đang bao vây Điện Biên, cần rất nhiều vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm để phục vụ cho việc chiến đấu. Vì thế, việc cung cấp đạn đầy đủ, kịp thời cho tiền tuyến rất quan trọng và cấp bách. Để đảm bảo cho các chiến sĩ có đủ đạn chiến đấu, quân ta phải chở đạn cả ban ngày. Chính vì thế địch bắn phá đèo Pha Đin càng ác liệt, liên tục hơn, khiến việc chở đạn của ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Đặc biệt, ngày 26-4-1954, 10 xe chở vũ khí, hàng hóa khi đến đèo Pha Đin thì bị địch phát hiện, cho nhiều tốp máy bay đánh phá. Xe đi đầu bị bắn trúng, bốc khói. Sự việc quá cấp bách, nếu không cứu thì cả 10 xe đạn sẽ bốc cháy và để chậm trễ máy bay địch đến thêm thì toàn bộ đoàn xe sẽ nổ cháy hết, ta sẽ thiệt hại về người và hàng rất lớn. Không cần đắn đo, suy nghĩ, mặc cho vết thương đang chảy máu, Trịnh Văn Huyền hạ lệnh: “Thà chết, không để đạn nổ, tất cả tập trung đưa xe và đạn về nơi an toàn“. Trịnh Văn Huyền ngay lập tức phân công anh em và chính đồng chí dù đang bị thương nặng vẫn nhảy lên xe dập lửa và cứu đạn pháo. Sau 9 giờ, các chiến sĩ TNXP trong đội của đồng chí Trịnh Văn Huyền đã cứu được 8 xe ô tô, 437 viên đạn đại bác 105mm, riêng đồng chí Huyền cứu được 19 quả đạn ở xe đang bị cháy.

leftcenterrightdel

  Một bài báo Bác Hồ viết về Chiến sĩ thi đua toàn quốc Trịnh Văn Huyền năm 1955. Ảnh: doisongphapluat.com.vn 

Nhờ siêng năng, có nhiều sáng kiến, gan dạ, dũng cảm, có tinh thần đoàn kết và lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đồng chí Trịnh Văn Huyền lần thứ hai được Bác viết bài báo “Thanh niên kiểu mẫu” (cũng với bút danh C.B) khen ngợi, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 17-3-1955. Trong bài có đoạn: “Trong một năm đồng chí ấy đã được khen thưởng 23 lần. Vừa rồi, ở Đại hội Thi đua, đồng chí Huyền đã được bầu là chiến sĩ số 1 toàn đoàn”, đồng chí Huyền vinh dự là người duy nhất được Bác tặng chiếc áo lụa khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Đồng chí cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương.

Giữa tháng 5-1962, trong bài nói chuyện tại Trường Cán bộ Thương nghiệp Mai Dịch, Hà Nội với nhan đề: “TNXP tiếp tục được phát huy”, lần thứ ba Trịnh Văn Huyền được Bác Hồ tuyên dương về tinh thần kiên trì học tập. Khi vào TNXP, Trịnh Văn Huyền mới thoát nạn mù chữ, khi chuyển lên xây dựng nhà máy ở Việt Trì, đồng chí Huyền tranh thủ học bổ túc văn hóa ban đêm cách nơi làm việc 12km. Vừa học phổ thông, vừa nghiên cứu các giáo trình về cơ khí, đồng chí Huyền đã nâng cao được trình độ học vấn, tiếp tục xứng danh là “cây sáng kiến”.

leftcenterrightdel

 Đồng chí Trịnh Văn Huyền (giữa) về thăm lại địa danh Ngã ba Cò Nòi ngày 10-11-2014. Ảnh: baohatinh.vn. 

Điển hình cho các sáng kiến của đồng chí Trịnh Văn Huyền là thiết kế trạm trộn bê tông dài 120m, đổ gần 3.000m3 bê tông trong thời gian ngắn, được chuyên gia Liên Xô thưởng 500 rúp. Sáng kiến của đồng chí Trịnh Văn Huyền là dùng máy phun bê tông xử lý hiện tượng rỗ chân cột bể chứa 400m3 nước trên đỉnh đồi, làm lợi cho công trình với số tiền lớn.

Cả đời phấn đấu không ngừng nghỉ, đồng chí Trịnh Văn Huyền đã 25 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua, được tặng thưởng hàng trăm bằng khen, giấy khen các loại. Tháng 7-2014, ở tuổi 84, đồng chí được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Với những chiến công, thành tích vẻ vang đó, đồng chí Trịnh Văn Huyền xứng đáng là một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam; một chiến sĩ cách mạng gan dạ, dũng cảm, tài giỏi, mưu trí; một “cây sáng kiến” đóng góp nhiều sáng chế hữu ích trong ngành xây dựng; một tấm gương sáng ngời để thế hệ trẻ học tập và noi theo.

ĐỨC THẮNG (lược trích)

1. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)

2. Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam”, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7-2015.

3. Báo Quân đội nhân dân (qdnd.vn)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan