Đồng chí Cao Xuân Thọ, sinh năm 1926, quê ở xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1946, đồng chí xung phong vào Đội tự vệ Thủ đô. 2 năm sau đồng chí Cao Xuân Thọ tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đồng chí tham gia cách mạng, gia nhập thanh niên xung phong (TNXP) để cống hiến trí tuệ, sức lực, tài năng cho sự nghiệp chiến đấu, giải phóng dân tộc.

Năm 1953, Đoàn TNXP được thành lập với mật danh Đoàn X-P, khi đó Đoàn quyết định thành lập đội phá bom nổ chậm. Hai đội TNXP 40 và 34 được điều ra làm nhiệm vụ bảo vệ Đường 13 và 41 phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Cao Xuân Thọ được cử làm Đội trưởng Đội phá bom, Đại đội 404 (thuộc Đội 40), đội của đồng chí phụ trách phá bom, thông đường tại ngã ba Cò Nòi và đường ngầm Hát Lót (Sơn La).

leftcenterrightdel

Anh hùng LLVT nhân dân Cao Xuân Thọ. Ảnh: Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi

Cò Nòi là ngã ba nối liền giữa Quốc lộ 13A (quốc lộ 37 hiện nay) và Quốc lộ 41 (quốc lộ 6 hiện nay), là một thung lũng hẹp và sâu. Hai bên là đồi đất, nằm ở tọa độ rất thuận lợi cho không quân Pháp đánh phá. Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công từ Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này, chính vì thế nó là con đường độc đạo vào Điện Biên Phủ.

Nếu quân ta để ngã ba này bị tắc thì không thể vận chuyển được xe, pháo, lương thực, đạn dược, vũ khí cho chiến dịch. Hiểu được điều này, quân địch đã tập trung đánh phá ác liệt, nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân ta với chiến dịch. Địch đánh phá liên tục, tốp máy bay này vừa rời đi, tốp khác đã kéo đến, nhiều lúc Cao Xuân Thọ cùng các chiến sĩ trong Đội phá bom 404 còn chưa phá xong loạt bom nổ chậm vừa rải, quân địch đã tiếp tục thả bom mới xuống. Bom chồng bom thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, núi rừng rung chuyển, đất đá văng khắp nơi, hòa lẫn trong đó không ít máu, xương của các chiến sĩ TNXP mở đường.

Khi đó dụng cụ phá bom mà Cao Xuân Thọ và các chiến sĩ TNXP sử dụng rất thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, thuốn và thuốc nổ. Thế nhưng với tinh thần tất cả cho chiến dịch, không sợ hy sinh, gian khổ, với bản lĩnh kiên cường và sự sáng tạo, Cao Xuân Thọ đã cùng đồng đội ngày đêm bám đường, phá hủy hết quả bom này đến quả bom khác do địch thả xuống. Thấy máy bay thả bom, Cao Xuân Thọ cùng đồng đội lập tức theo dõi, quan sát, xác định vị trí bom rơi, đợi máy bay địch đi khỏi là lao ra phá bom ngay, để thông đường cho bộ đội và xe của ta di chuyển an toàn, kịp thời.

leftcenterrightdel

Anh hùng Cao Xuân Thọ (ngoài cùng bên phải) tại Đại hội liên hoan anh hùng, Chiến sĩ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ hai ngày 7-7-1958. Ảnh: Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi

 

Bản thân Đội trưởng Cao Xuân Thọ vừa chỉ huy vừa trực tiếp phá bom. Tháng 3-1954, trong một lần địch thả quả bom nổ chậm xuống suối sâu cách đường ngầm Tà Vài 4m, nước quá lạnh không ai xuống được, Đội trưởng Cao Xuân Thọ nghĩ ra mẹo của người dân biển, anh uống 3-5 bát nước mắm rồi lặn xuống, một lúc sau tìm thấy quả bom mắc ở khe đá. Trước khi lặn, đồng chí Cao Xuân Thọ lấy dây buộc vào lưng và dặn đồng đội, khi ốp được bộc phá vào ngòi, dòng dây cháy chậm xong sẽ giật dây 3 lần để đồng đội kéo lên bờ. Sau 10 phút, đồng chí đã phá được quả bom trước kế hoạch quy định. Nhờ chiến công đặc biệt, đồng chí Cao Xuân Thọ được đơn vị tuyên dương.

Mặc dù đồng chí Cao Xuân Thọ và đồng đội hiếm khi được mặc bộ trang phục khô ráo, chân tay lúc nào cũng lở loét, nhưng vẫn kiên cường miệt mài làm nhiệm vụ phá bom, thông đường. Thấy máy bay thả bom, đồng chí Cao Xuân Thọ cùng đồng đội lập tức theo dõi, quan sát, xác định vị trí bom rơi, đợi máy bay địch đi khỏi là lao ra phá bom ngay, để thông đường cho bộ đội và xe của ta di chuyển an toàn, kịp thời.

Với những chiến tích của mình, đồng chí Cao Xuân Thọ được vinh dự gặp Bác Hồ 4 lần, được Bác Hồ tặng 3 lần Huy hiệu của Người và được Bác Hồ trực tiếp gắn Huân chương Lao động hạng Ba, là Chiến sĩ thi đua tham dự Đại hội liên hoan anh hùng, Chiến sĩ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ hai ngày 7-7-1958.

Năm 2014, đồng chí Cao Xuân Thọ là một trong 3 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những công lao của ông, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

ĐỨC THẮNG (lược trích)

1. Bảo tàng chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)

2. Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam”, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7-2015.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.