Thành quả của nỗ lực nội địa hóa công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ
Với nỗ lực thoát khỏi nguồn vũ khí-khí tài quân sự nhập khẩu, trong đó có vũ khí phòng không, Ấn Độ bắt tay vào phát triển và thử nghiệm lần đầu tiên tổ hợp tên lửa phòng không Akash trong đầu những năm 1990. Akash được phát triển trên cơ sở công nghệ của tổ hợp tên lửa 2K12 Kub (tên định danh NATO: SA-6 Grainful).
Tổ hợp tên lửa phòng không này do Cơ quan Nghiên cứu và Thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phối hợp với công ty nội địa Bharat Electronics Limited (BEL) hợp tác nghiên cứu và phát triển.
 |
Xe phóng trong cơ cấu tổ hợp Akash. |
Tuy nhiên, do các vấn đề kỹ thuật phát sinh khi Ấn Độ chưa nắm vững được công nghệ lõi của tổ hợp Kub, cũng như nguồn tài chính dành cho dự án, chương trình phát triển Akash đã bị trì hoãn và chỉ được nối lại, hoàn thiện từ năm 2007.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự quốc tế, tổ hợp Akash là một trong những tổ hợp vũ khí phòng không có chi phí phát triển và hoàn thiện thấp nhất thế giới với khoảng 200 triệu USD, thấp hơn khoảng 8-10 lần so với các tổ hợp vũ khí cùng loại trên thế giới. Tổ hợp Akash nổi bật ở khả năng cơ động, khả năng đánh chặn mục tiêu ở nhiều độ cao khác nhau, điều khiển cùng lúc nhiều đạn, hệ thống điều khiển số hóa và khả năng điều khiển tự động hóa.
Trên nền tổ hợp Akash tiêu chuẩn, Ấn Độ đã phát triển phiên bản Mark 2 từ năm 2010 với mục tiêu cải thiện tầm bắn, thời gian triển khai-thu hồi và độ chính xác của tên lửa đánh chặn. Kết quả của gói nâng cấp chính là phiên bản Akash Mark 2 hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cấp quốc gia hồi cuối tháng 2-2018 và sớm được trang bị đại trà cho Quân đội Ấn Độ thông qua hợp đồng trị giá tới 2,7 tỷ USD.
Đánh giá về tổ hợp Akash, Nguyên soái Arup Raha, người được trao “chìa khóa” biểu tượng hoàn thành giai đoạn thử nghiệm tổ hợp vũ khí phòng không nội địa này của Ấn Độ, nhận xét, Quân đội Ấn Độ đã thực hiện 27 lần phóng thử đối với Akash và hoàn toàn hài lòng với kết quả thử nghiệm.
Người kế thừa của “Ba ngón tay Thần Chết”
Trong lịch sử tồn tại, tổ hợp tên lửa 2K12 Kub từng minh chứng khả năng chiến đấu tuyệt vời của mình trong các xung đột, đặc biệt là tại chiến trường Cận Động. Trong cuộc xung đột giữa các quốc gia A rập và Israel, tổ hợp Kub đã khẳng định được tính năng tác chiến của mình và được giới chức quân sự Israel đặt biệt danh “Ba ngón tay Thần Chết”.
 |
Nhờ hiệu quả chiến đấu cao, tổ hợp tên lửa phòng không Kub được mang biệt danh “Ba ngón tay Thần Chết”. |
Phát triển trên nền tảng công nghệ của tổ hợp Kub, Akash cũng có khả năng tương tự, thậm chí có phần ưu việt hơn nhờ việc áp dụng nhiều công nghệ hiện đại.
Đạn tên lửa của tổ hợp Akash sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) cung cấp lực đẩy cực mạnh và đảm bảo đạn tên lửa bay siêu âm trong các pha phóng. Đạn tên lửa trong tổ hợp Akash có trọng lượng 720kg, đầu đạn nặng 60kg, đường kính 35cm, chiều dài 5,78m. Nó có tầm bắn tới 30km; trần cao tác chiến tối đa 18km; tốc độ tối đa đạt Mach 2,5. Điểm mạnh của đạn tên lửa nội địa phát triển là có giá thành rẻ, khoảng 500.000 USD/đạn, rẻ hơn 2 lần so với đạn tên lửa cùng loại của nước ngoài.
Cơ cấu của mỗi tổ hợp Akash gồm, xe phóng, trung tâm chỉ huy và hệ thống ra-đa đa nhiệm. Với 3 đạn tên lửa sẵn sàng trên mỗi xe phóng, tổng cộng khoảng 125 đạn cho mỗi tổ hợp, Akash cung cấp ô phòng không tầm trung trên diện tích 2.000km2.
 |
Các thành phần của tổ hợp Akash. |
“Tai mắt” của mỗi tổ hợp Akash là hệ thống ra-đa mảng pha Rajendra hoạt động ở băng tần G/H-Band (4-8 GHz), phạm vi giám sát ra-đa là 60km ở các tầm, hướng và độ cao. Tầm giám sát của tổ hợp Akash được mở rộng lên gấp 3 khi kết hợp với các ra-đa SR và 3D-CAR Rohini có phạm vi giám sát là 100 và 180km. Sự kết hợp này giúp nâng cao đáng kể khả năng đối phó với các mục tiêu được áp dụng công nghệ tàng hình và bay thấp. Hệ thống máy tính điều khiển hỏa lực của Akash có thể đồng thời theo dõi 64 mục tiêu, chỉ thị tấn công đồng loạt 12 mục tiêu. Toàn bộ quá trình phát hiện, theo dõi, khóa và phóng đạn đều được tự động hóa ở mức cao.
Cùng với đó, thiết kế của Akash cũng được mô-đun hóa phù hợp trang bị trên các xe việt dã bánh hơi hoặc bánh xích tùy theo môi trường và yêu cầu tác chiến.
Rõ ràng, Akash có thể coi là phiên bản “Ấn Độ hóa" và nâng cấp sâu của tổ hợp Kub. Nó đáp ứng tốt vai trò của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung hiện đại và là phương án nâng cấp đáng chú ý không chỉ với Ấn Độ, mà cả với các quốc gia đang sở hữu các tổ hợp tên lửa phòng không cũ do Liên Xô chế tạo.
TUẤN SƠN (tổng hợp)