Dẫn đường bằng la-de và GPS

Mỹ có thể coi là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng đạn pháo dẫn đường thông minh trên pháo binh truyền thống vào năm 1982 với dòng đạn pháo dẫn đường la-de 155mm M712 Copperhead. Trong khi đó, tới năm 1986, Liên Xô mới lần đầu tiên thử nghiệm dòng đạn pháo 152mm 2K25 Krasnopol.

Cả hai dòng đạn pháo dẫn đường của Nga và Mỹ có nhiều điểm tương đồng nhau về phương thức dẫn đường, độ chính xác tương đương, nhưng tầm bắn của đạn pháo Krasnopol xa hơn, khoảng 20km (đạn Copperhead chỉ có tầm bắn 16km). Để tăng độ chính xác của phát bắn, cả đạn pháo Krasnopol và Copperhead đều dùng phương thức dẫn đường quán tính có hiệu chỉnh ở pha giữa của quỹ đạo bắn. Tới pha cuối, quỹ đạo đạn được hiệu chỉnh bằng đầu dò la-de bán chủ động. Phương thức này giúp sai số mỗi phát bắn đạn pháo thông minh khoảng dưới 10m.

Đạn pháo dẫn đường Krasnopol. Ảnh: warfare.ru
Đạn pháo dẫn đường có thể sử dụng trên các tổ hợp pháo binh truyền thống. Ảnh: RIAN.

Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Vadim Saranov, ngay khi thử nghiệm, các vấn đề của đạn pháo thông minh đã được nhận ra. Dù là đạn dẫn đường, nhưng để đạt được độ chụm cao của phát bắn, đầu dò la-de lắp trên đạn phải phát hiện ra mục tiêu được chiếu la-de chỉ thị, cũng như việc trinh sát pháo binh phải tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách đủ gần để chỉ thị mục tiêu.

Ở phiên bản đầu tiên, tổ hợp đạn pháo Krasnopol khá cồng kềnh. Thiết bị trinh sát quang-ảnh nhiệt nặng tới 42kg và cần tới 3 người để mang vác. Để chỉ thị cho đạn tới mục tiêu, thiết bị cần giám sát mục tiêu liên tục trong 10-13 giây. Trong thời gian đó, cả kíp trinh sát rất dễ bị phát hiện và bị tấn công.

Đánh giá về đạn pháo Krasnopol, chuyên gia Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí quân sự Arsenal of the Fatherland, nhận định, dù đạn pháo chỉ thị bằng la-de có những hạn chế, nhưng nó lại có lợi thế là độ chính xác của các phát bắn cao hơn nhiều so với các phương thức dẫn đường khác. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các thiết bị chỉ thị la-de đã được thu nhỏ đáng kể. Thậm chí, trinh sát không còn phải tiếp cận mục tiêu để chỉ thị cho đạn pháo, mà thiết bị chỉ thị có thể lắp trên các thiết bị không người lái hoặc máy bay quân sự.

Do không khắc phục được nhược điểm của phương thức dẫn đường bằng la-de, tới đầu những năm 1990, Mỹ bắt đầu tìm hướng phát triển đạn pháo thông minh mới sử dụng phương thức dẫn đường GPS. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục nâng cấp đạn pháo Krasnopol với việc nâng tầm bắn của nó lên 25km.

Kết quả nghiên cứu của Mỹ chính là sự ra đời của đạn pháo M982 Excalibur vào năm 2006. Những bài thử nghiệm thực chiến tại Iraq với việc 92% phát bắn của dòng đạn pháo dẫn đường này trúng mục tiêu với sai số khoảng 4m ở khoảng cách 40km đã thuyết phục được giới chức Lầu Năm góc đưa vào trang bị rộng rãi đạn Excalibur. Với một số gói nâng cấp đơn giản, tầm bắn của Excalibur có thể nâng lên 57km. Ngoài ra, Excalibur có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết, tối ưu hơn nhiều so với đạn pháo chỉ thị la-de Copperhead cũ. Tuy nhiên, đạn pháo Excalibur cũng có những nhược điểm chí tử.

Cập nhật thông tin mục tiêu vào đạn Excalibur. Ảnh: DefenseNews.
Tổ hợp pháo M777 bắn đạn Excalibur. Ảnh: DefenseNews

Giám đốc công ty công nghệ định vị Nga TeKnol, Alexei Levchenkov cho biết, nhờ định vị GPS, đạn pháo dẫn đường Mỹ có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Tuy nhiên, nếu đụng độ đối phương có khả năng tác chiến điện tử, gây nhiễu tín hiệu GPS thì Excalibur sẽ không khác gì đạn pháo thông thường. Ngoài ra, đạn pháo Excalibur khó có thể tấn công các mục tiêu đang di chuyển do đặc thù của chỉ thị bằng mốc GPS. Trong khi đó, thực tế chiến đấu đã chứng minh đạn Krasnopol có thể tấn công chính xác mục tiêu đang di chuyển với vận tốc 36km/giờ.

Chính vì điểm yếu này, năm 2014, hãng chế tạo Mỹ Raytheon, nơi phát triển đạn pháo Excalibur, đã giới thiệu phiên bản Excalibur S sử dụng phương thức dẫn đường la-de để tấn công các mục tiêu cơ động. Trong khi đó, Viện thiết kế Tula (Nga) đang phát triển biến thể Krasnopol-D sử dụng dẫn đường vệ tinh GLONASS.

Như vậy, trong tương lai gần, cả Nga và Mỹ sẽ đều sở hữu các dòng đạn pháo dẫn đường sử dụng phương thức dẫn đường hỗn hợp phù hợp với từng loại mục tiêu khác nhau.

Quân đội Nga bắn thử đạn pháo dẫn đường Krasnopol. Nguồn: Sputnik

Hiệu quả kinh tế

Dù có tính năng chiến đấu tốt, nhưng giá thành chính là vấn đề cần tính tới khi đưa các dòng đạn pháo dẫn đường như Krasnopol và Excalibur vào trang bị đại trà cho lực lượng pháo binh. Giá thành của mỗi đạn pháo dẫn đường khoảng 50.000-70.000 USD.

Ngoài đạn pháo dẫn đường, một hướng phát triển khác để tăng độ chính xác của pháo binh là việc trang bị tổ hợp thiết bị dẫn đường, gồm cảm biến GPS và cánh dẫn đường khí động vào đạn pháo thông thường. Mỹ đang đi đầu trong công nghệ này. Năm 2013, Quân đội Mỹ bắt đầu trang bị thiết bị M1156 Precision Guidance Kit dành cho đạn pháo 155m. Chi phí của mỗi tổ hợp trên chỉ khoảng 10.000 USD. Với mức giá trên, đạn pháo được hoán cải có độ chính xác bằng một nửa so với đạn Excalibur. Nga hiện cũng có chương trình tương tự do Viện Kompass Construction tại Moscow thực hiện.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế tin rằng, trong tương lai không xa sẽ xuất hiện thiết bị hoán cải được trang bị cả cảm biến GPS và la-de giúp biến đạn pháo thông thường thành vũ khí tấn công chính xác cao trong mọi điều kiện tác chiến.

Chuyên gia Viktor Murakhovsky đánh giá: “Công nghệ như vậy sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong tác chiến pháo binh. Hiện tại, để tiêu diệt mục tiêu như xe tăng cần sử dụng 600-900 đơn vị đạn. Với đạn Krasnopol, số lượng đạn cần sử dụng sẽ giảm 95% và không một chiếc xe tăng nào có thể sống sót khi trúng một phát đạn pháo cỡ 155mm vào nóc xe”.

Rõ ràng, mỗi dòng đạn pháo của Nga và Mỹ đều được thiết kế với mục đích riêng, phương thức dẫn đường khác nhau, nhưng có chung mục đích giúp biến các loại pháo binh truyền thống thành vũ khí tấn công chính xác cao với chi phí tối ưu nhất. Về khía cạnh này, đạn pháo Krasnopol có lợi thế về chi phí, độ tin cậy, trong khi đó đạn pháo Excalibur của Mỹ lại có lợi thế về sự đơn giản trong sử dụng, cũng như tối ưu an toàn cho kíp trinh sát chỉ thị mục tiêu.

TUẤN SƠN (tổng hợp)