“Sấm sét” giữa trời
Theo RIA, bom chính xác cao Grom (Sấm sét) đang trải qua các bài thử nghiệm và sẽ sớm đi vào trang bị của lực lượng Không quân- Vũ trụ (VKS) Nga.
Bom hàng không “có cánh” Grom thuộc Đề án vũ khí hàng không dòng Grom và có tên chính thức là “Tổ hợp bom-tên lửa điều khiển" với mã 9-A-7759. Đây là loại vũ khí được thiết kế cho máy bay ném bom tiền tuyến và máy bay chiến đấu đa nhiệm của Nga. Bom Grom được áp dụng trong các cuộc không kích cần độ chính xác cao vào các khu công nghiệp, sân bay, bệ phóng tên lửa và cụm trang thiết bị chiến đấu của đối phương.
Sau khi được thả ra từ máy bay, Grom sẽ tự khởi động động cơ, tăng tốc tiến về phía mục tiêu. Trong hành trình bay đến mục tiêu, quả bom được điều khiển bởi hệ thống dẫn đường quán tính chống nhiễu có sử dụng tín hiệu vệ tinh GLONASS và GPS. Theo các nhà phát triển, tầm nhắm đến mục tiêu của Grom không vượt quá 11m.
Một trong những tính năng độc đáo của quả bom hàng không mới Grom là khả năng đánh trúng các mục tiêu mặt đất ở phía sau phương tiện mang bom. Điều này cho phép quả bom ngay lập tức bay đến quỹ đạo rơi đã định, mà không cần tốn thời gian để ổn định sau khi khởi động. Ngoài ra, với phương pháp thả rơi về phía sau này, độ chính xác của đòn tấn công bằng bom tăng lên đáng kể.
Phiên bản bom Grom nhẹ nhất có khối lượng 488kg còn phiên bản nặng nhất là 598kg. Được phóng ra từ máy bay, tùy thuộc vào phiên bản, Grom có thể bay xa 65-120km với đôi cánh có thể mở ra gấp lại. Ngoài ra, để tăng phạm vi bay, các nhà thiết kế đã trang bị động cơ hành trình cho bom Grom.
 |
Bom GBU-39 của Mỹ được trang bị trên máy bay tiêm kích-ném bom F-15E Strike Eagle. Nguồn: U.S Air Force.
|
Vũ khí dành cho tất cả
Thành viên thuộc Hội đồng chuyên gia của Tổ hợp Công nghiệp - quân sự Viktor Murakhovsky cho biết, quả bom hàng không “có cánh” mới là một dự án vũ khí được chờ đợi từ lâu. Hiện nay, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu và phát triển vũ khí loại này.
"Mẫu bom mới được chế tạo ra trong thời gian ngắn và có khả năng tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao nhờ sự hỗ trợ từ hệ thống GLONASS. Thiếu hệ thống này, quả bom sẽ mất đi tính chính xác khi tấn công mục tiêu”, ông Viktor Murakhovsky nhấn mạnh.
Theo ông, quả bom Grom là một vũ khí lý tưởng khi triển khai các cuộc không kích mà không cần xâm nhập vào khu vực phòng không của địch. Và tính chính xác khi tấn công mục tiêu không liên quan tới trình độ của phi công, mà phụ thuộc vào hệ thống định vị vệ tinh.
Grom có thể được triển khai trên hầu hết các máy bay chiến đấu đa nhiệm và ném bom tiền tuyến đang ở trong trang bị của Không quân-Vũ trụ Nga như: Su-30SM hạng nặng, Su-35, Su-34, máy bay hạng nhẹ MiG-35SMT, MiG-29 và máy bay Su-33 trên boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Ngoài ra, máy bay ném bom Su-24, thành phần chủ lực của đội bay tấn công tiền tuyến, cũng có thể mang theo Grom.
Các nhà sáng chế vũ khí đã tiến hành thử nghiệm bom hàng không Grom trong nhiều điều kiện khí hậu thời tiết, tính chống nhiễu điện từ của bom và một số tình huống khó khăn khác. Ngoài ra, các đặc tính kỹ-chiến thuật cơ bản của bom Grom cũng được kiểm tra trong những đợt thử nghiệm bay. Trong thời gian thử nghiệm, các nhà sáng chế đã sử dụng máy bay ném bom đa nhiệm Su-34 và máy bay chiến đấu tiền tuyến MiG-35 làm phương tiện mang bom. Các máy bay này đã thực hiện 30 chuyến bay cùng với quả bom Grom và tiến hành ném bom trong điều kiện khẩn cẩp.
 |
Máy bay ném bom đa nhiệm Su-34 mang theo bom Grom. Nguồn: ktrv.ru.
|
Chi phí rẻ, hiệu quả cao
Mặc dù có một số giải pháp thiết kế sáng tạo, các nhà phát triển Nga không thể được coi là người tiên phong trong lĩnh vực phát triển bom lượn. Quả bom tương tự Grom- bom hàng không chính xác cao có điều khiển GBU-39 của Mỹ đã được đưa vào trong trang bị của Không quân nước này từ đầu năm 2006.
Tuy nhiên, vũ khí Nga có một số lợi thế. Điểm quan trọng nhất là công suất đầu nổ. Bom Grom của Nga tấn công mục tiêu bằng 300kg thuốc nổ, trong khi đó bom GBU-39 của Mỹ chỉ chứa khoảng 100kg thuốc nổ. Tầm bay của hai loại bom tương đương nhau.
Chuyên gia quân sự Alex Leonkov khẳng định: “Bom Grom sẽ được bổ sung vào tổ hợp vũ khí hàng không hiện nay của Không quân-Vũ trụ Nga và cho phép lực lượng này giải quyết nhiều nhiệm vụ với phạm vi rộng hơn để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Kể từ cuối những năm 1990, để nâng cao tính chính xác của các vụ ném bom, phi công Mỹ đã sử dụng module điều khiển đặc biệt JDAM. Thiết bị này được gắn trên các quả bom thông thường với kích thước khác nhau. Và các quả bom rơi tự do có thể được định hướng từ trước. Người Mỹ đã sử dụng những quả bom tiên tiến lần đầu tiên ở Nam Tư.
 |
Sơ đồ mô phỏng đường bay của quả bom “có cánh” Grom. Nguồn: ktrv.ru. |
Chuyên gia quân sự Alex Leonkov nhận xét: “ Bom hàng không là một loại vũ khí tương đối rẻ. Loại bom cải tiến thì có giá đắt hơn một chút. Module JDAM của Mỹ lắp ở bom hàng không có giá khoảng 30.000 USD, làm tăng chi phí đáng kể. Điều này sẽ gây trở ngại khi tiến hành sản xuất bom theo dây chuyền. Trong khi đó, Grom có giá rẻ hơn so với tên lửa hành trình và đắt hơn bom thông thường một chút”.
Theo dự kiến, các cuộc thử nghiệm bom Grom cấp nhà nước sẽ được hoàn tất trong tháng 9 năm nay. Sau đó, vấn đề đưa quả bom mới này vào trang bị của lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga sẽ được giải quyết.
THUỲ LINH (THEO RIA)