Khi INF hết giá trị với Mỹ
Được Mỹ và Liên Xô ký vào tháng 12-1987, INF được coi là biểu tượng kết thúc của chiến tranh Lạnh. Hiệp ước này yêu cầu cả Mỹ và Liên Xô phải hủy bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo, hành trình trên bộ với tầm bắn từ 500 tới 5.500km và các phương tiện mang phóng tương ứng. Theo quy định của INF, Liên Xô đã phải phá hủy và triệt thoái các đơn vị tên lửa tầm trung như: RSD-10 Pioner, R-12, R-14 và RK-55, cũng như các tổ hợp tên lửa tầm ngắn Temp-S và Oka. Về phía Mỹ là các tổ hợp tên lửa Pershing II, BGM-109G Gryphon (phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk trên bộ) và Pershing IA.
Xét một cách toàn diện, khi được ký, INF mang lại giá trị lợi ích nhiều hơn cho châu Âu và Liên Xô và phần lãnh thổ bang Alaska của Mỹ. Sự so kè giữa Mỹ và Liên Xô chỉ còn ở lĩnh vực tên lửa đạn đạo liên lục địa vốn có thời gian phản ứng và quỹ đạo bay dài hơn nhiều so với các loại vũ khí bị cấm bởi INF. Trong nhiều thập kỷ, INF được coi là định chế đảm bảo an ninh chiến lược của châu Âu.
 |
Vụ phóng thử tên lửa Tomahawk của Mỹ được coi là tín hiệu cho hàng loạt sự thay đổi chiến lược ở quy mô toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, với sự xuất hiện của các loại vũ khí siêu vượt âm tiên tiến, giá trị của INF đã trở nên lỗi thời đối với Mỹ và giới hạn khả năng cạnh tranh của Mỹ trong nhiều lĩnh vực vũ khí tương lai. Điều này buộc Washington phải hành động.
Giới chuyên gia đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến Mỹ quyết định rút khỏi INF là Nga đã bất ngờ công bố 7 loại vũ khí tiên tiến mới trong Thông điệp Liên bang năm 2018. Đây là những loại vũ khí Mỹ gần như không có đối trọng và buộc Washington phải xem xét lại các chiến lược hạn chế vũ khí với Nga. Tiếp đó, Trung Quốc lại không bị ràng buộc bởi INF và đang có những chương trình vũ khí tiên tiến có thể đe dọa vị thế của Mỹ và đồng minh tại châu Á, nơi được coi là trọng điểm chiến lược của Mỹ ở thời điểm hiện tại. Cuối cùng, Iran và Triều Tiên cũng được coi là nhân tố khiến Mỹ phải xem xét lại sự tồn tại của INF.
Để thoát khỏi sự ràng buộc của INF, Mỹ tất nhiên sẽ phải tìm một lý do và đối tượng được chọn là dòng tên lửa hành trình 9M729 trong cơ cấu tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M của Nga, quốc gia kế thừa di sản thời Liên Xô, trong đó có cả INF với Mỹ. Washington cáo buộc tên lửa mới của Nga có tầm bắn vượt quá 500km và vi phạm INF. Về phần mình, Nga thừa nhận đã có chỉnh sửa kết cấu khối nhiên liệu của tên lửa, nhưng các lần phóng thử nghiệm tại Kapustin Yar chứng minh đạn tên lửa 9M729 có tầm bắn không vượt quá 500km. Thậm chí, Nga đã tổ chức họp báo công khai về tên lửa 9M729, nhưng không có bất kỳ đại diện NATO nào tới dự. Theo lập luận của Mỹ, thông số tên lửa được công khai trên giấy khó có thể chứng minh được độ xác thực trong thực chiến của loại vũ khí này.
 |
Cáo buộc Nga vi phạm INF chỉ là cái cớ để Mỹ thoát khỏi sự ràng buộc của hiệp ước này. Ảnh: RIA |
“Lời đáp trả” tức thì của Mỹ sau khi INF đổ vỡ
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ công bố các chương trình phát triển tên lửa tầm trung mới sau khi rút khỏi INF. Tuy nhiên, sự xuất hiện quá nhanh của các vụ thử vũ khí mới, đặc biệt là vụ phóng thử tên lửa Tomahawk, đã làm xuất hiện nghi vấn về việc Washington đã bắt tay vào phát triển tên lửa mới trước cả thời điểm INF đổ vỡ.
Điểm đặc biệt của vụ phóng thử tên lửa là việc đạn tên lửa RGM / UGM-109E Tomahawk (TLAM Block IV) của Hải quân Mỹ được chỉnh sửa và phóng từ thiết bị giếng phóng thẳng đứng Mk-41. Thiết bị phóng trên vốn là trang bị tiêu chuẩn của không chỉ của tổ hợp Aegis trên hạm, mà còn là tổ hợp Aegis Ashore trên bộ đang được Mỹ triển khai tại Romania.
 |
Những tổ hợp Aegis Ashore của Mỹ đã triển khai sẽ là tiền đề cho sự bất ổn ở châu Âu. Ảnh: RIA |
Như vậy, những nghi vấn của Nga liên quan tới việc Mỹ có thể hoán cải các các tổ hợp Aegis Ashore tại châu Âu từ lý do ban đầu là phòng thủ tên lửa thành vũ khí tấn công với tên lửa Tomahawk tầm bắn 2.500km là có cơ sở. Những giếng phóng Mk-41 trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 có thể được thay thế bằng tên lửa Tomahawk bất kỳ lúc nào. Việc này cũng khiến cáo buộc của Mỹ về tên lửa 9M729 chỉ là một trong những cái cớ giúp Mỹ thoát khỏi sự ràng buộc của INF.
INF đổ vỡ, Hiệp định START cũng lung lay
Vụ thử tên lửa Tomahawk TLAM Block IV của Mỹ vừa thực hiện có thể mang 2 hàm ý. Đầu tiên là gửi thông điệp tới Nga và Trung Quốc là Mỹ đã quay trở lại cuộc đua. Tiếp đó, Mỹ với các tổ hợp tên lửa tầm trung di động sẽ sớm xuất hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Động thái trên của Washington rất dễ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới ở quy mô toàn cầu và khiến một hiệp ước vốn có vai trò quan trọng trong an ninh toàn cầu là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) có nguy cơ chung số phận với INF.
Dự kiến, START giữa Nga và Mỹ sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Với việc INF đổ vỡ, hàng loạt vũ khí mới của Nga như: Avangard, RS-28 Sarmat, Poseidon, Kinzhal và Burevestnik, sẽ nằm trên bàn đàm phán về START mới giữa hai siêu cường.
 |
INF đổ vỡ có thể chỉ là bước khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ảnh: RIA. |
Ngoài ra, Mỹ cũng muốn sử dụng START để khống chế các siêu cường mới nổi khác trên thế giới. Tuy nhiên, khác Nga và Mỹ, sẽ không có quốc gia nào muốn bị ràng buộc bởi START. Đây có thể là nguyên do khiến START không được gia hạn.
TUẤN SƠN (theo Lenta, Izvestia, RIA)