Nhà Trắng cho biết, động thái này nằm trong sáng kiến “Mua hàng Mỹ” của Tổng thống Donald Trump nhằm tạo thêm việc làm cho người dân cũng như giảm thâm hụt thương mại của xứ Cờ hoa.
Tham gia cuộc chơi theo cách chưa từng có
Thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump bày tỏ ý định nới lỏng các quy định bán vũ khí, khí tài quân sự cho nước ngoài. Các mặt hàng từ máy bay tiêm kích, MBKNL tới tàu chiến và pháo đều sẽ được xúc tiến xuất khẩu. Sự thay đổi trong chính sách xuất khẩu vũ khí này được cho là phù hợp với triết lý “Kinh doanh phải là kinh doanh” của ông Donal Trump-nhà lãnh đạo xuất thân từ doanh nhân. Ngoài ra, theo các quan chức Mỹ, việc nới lỏng luật lệ là cần thiết trong bối cảnh Washington đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, Israel, vốn là những “ông lớn” xuất khẩu vũ khí song lại ít phải chịu các quy định ngặt nghèo như Mỹ.
 |
Máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk tiến hành các cuộc thử nghiệm trên không. Ảnh: Reuters |
Chia sẻ với Reuters, Remy Nathan, một nhà vận động hành lang của Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ cho biết, các quy tắc xuất khẩu được đơn giản hóa có thể dễ dàng tạo ra hàng nghìn việc làm cho Mỹ. Trong khi đó, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho rằng, những thay đổi sẽ giúp Mỹ "tham gia cuộc chơi theo cách mà Washington chưa từng có trước đây".
Lĩnh vực kinh doanh tiềm năng
Trong số các loại vũ khí đang được xem xét nới lỏng quy định xuất khẩu, Mỹ đặc biệt quan tâm đến hệ thống vũ khí tự động, nhất là MBKNL. Tập đoàn Teal-một doanh nghiệp nghiên cứu thị trường-từng dự báo tổng doanh thu bán MBKNL trên thị trường toàn cầu sẽ tăng từ 2,8 tỷ USD năm 2016 lên 9,4 tỷ USD năm 2025. Điều này cho thấy việc xuất khẩu mặt hàng này là một lĩnh vực kinh doanh đem lại lợi nhuận cao. Bởi vậy, để không mất vị trí dẫn đầu trong thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, Chính phủ Mỹ ngoài việc tăng cường nghiên cứu và phát triển các loại thiết bị bay không người lái hiện đại, còn phải có chiến lược và sự thay đổi phù hợp trong chính sách xuất khẩu vũ khí.
Theo các chuyên gia, Mỹ sẽ hạ các rào cản thương mại đối với việc xuất khẩu các loại MBKNL "thợ săn-sát thủ" cỡ nhỏ hơn thay vì các mẫu lớn như Predator, cũng như thúc đẩy doanh số bán các loại MBKNL phi sát thương dùng cho mục đích theo dõi và trinh sát. Điều này xuất phát từ việc Mỹ sẽ phải tuân thủ Chế độ Kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) mà nước này cùng 34 quốc gia khác đã ký kết nhằm hạn chế phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa chuyên chở loại vũ khí này, trong đó bao gồm cả các loại MBKNL dạng Predator.
Dù mới chỉ hạ các rào cản thương mại, song bước đi này của chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn được đánh giá là “đột phá” bởi từ lâu, việc xuất khẩu MBKNL được xem là “điều cấm kỵ” tại Washington. Dưới thời các chính phủ tiền nhiệm, việc mua bán và xuất khẩu thiết bị không người lái dù có trang bị vũ khí hay không, đều bị hạn chế, chỉ có các đồng minh cực kỳ thân thiết của Mỹ mới được tiếp cận mặt hàng này.
Năm 2015, chính quyền Tổng thống Obama từng điều chỉnh lại chính sách xuất khẩu máy bay quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp Mỹ vào thời điểm đó lên tiếng than phiền rằng, các quy định của Tổng thống Obama vẫn hết sức ngặt nghèo so với các quốc gia khác. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu của Mỹ, đặc biệt đối với là mặt hàng thiết bị bay không người lái.
Theo phân tích của giới này, chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí đã trở nên lỗi thời, bởi ra đời và được thực hiện cách đây 15 năm khi Mỹ là quốc gia đầu tàu trong phát triển thiết bị bay không người lái. Sự cạnh tranh trên thị trường khi đó không gay gắt như hiện nay. Gần hai thập kỷ trôi qua, đã có rất nhiều biến động xảy ra trong môi trường quốc tế. Không chỉ có Mỹ mà Nga, Ấn Độ, thậm chí Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các loại MBKNL hiện đại, tham gia vào cuộc đua tranh giành hợp đồng mua bán mặt hàng này. Điều này dẫn tới một nghịch lý là các đối thủ cạnh tranh được phép bán vũ khí cho đồng minh của Mỹ nhưng Washington lại không thể.
Với sự điều hành của Tổng thống Donald Trump, giới doanh nghiệp Mỹ hy vọng những hạn chế trong chính sách xuất khẩu vũ khí từ các chính phủ tiền nhiệm có thể được dỡ bỏ, mở đường cho Mỹ tìm kiếm được nhiều hợp đồng béo bở và tăng doanh thu cho ngành công nghiệp vũ khí. Tuy nhiên, nhiều người lại bày tỏ lo ngại việc Mỹ nới lỏng quy định xuất khẩu vũ khí sẽ đe dọa sự ổn định của các luật lệ kiểm soát xuất khẩu vũ khí có từ nhiều năm qua, tăng nguy cơ gây bất ổn tại nhiều điểm nóng.
NGỌC THƯ - LAN ANH