* Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua một thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc phòng giữa Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) và Lầu Năm Góc. Dự thảo được công bố ngày 6-2 sau nhiều năm thảo luận về việc cho phép chính phủ Mỹ và tổ hợp công nghiệp quốc phòng của nước này tham gia vào quy trình phát triển các dự án quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU).

leftcenterrightdel
Xe tăng Abrams của Quân đội Mỹ tại một nhà ga ở Litva. Các quan chức Mỹ và châu Âu muốn cải thiện khả năng điều động quân sự trên khắp châu Âu. Ảnh: Getty 

Dự thảo này vạch ra các hoạt động cụ thể trong lĩnh vực điều động quân sự (military mobility), các vấn đề về chuỗi cung ứng và tác động của biến đổi khí hậu đối với quốc phòng. Thuật ngữ “điều động quân sự” cho thấy nỗ lực hợp lý hóa việc vận chuyển thiết bị quốc phòng qua biên giới châu Âu.

Theo Marie Jourdain, nhà phân tích người châu Âu tại nhóm chuyên gia cố vấn của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, dự thảo không bao gồm bất kỳ công việc hợp tác nào về nghiên cứu và công nghệ.

* Cộng hòa Séc đang thúc đẩy kế hoạch mua xe tăng Leopard 2A7+ mới của Đức. Hiện bộ binh của Séc đang thử nghiệm chiếc đầu tiên trong số 14 chiếc 2A4 đã qua sử dụng mà quốc gia này sẽ nhận được từ Đức.

leftcenterrightdel

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7 của lực lượng vũ trang Đức tham gia cuộc tập trận tháng 10-2016 tại khu huấn luyện Bundeswehr gần Bergen, Đức. Ảnh: Getty

Theo kế hoạch, 13 chiếc Leopard 2A4 còn lại sẽ được chuyển giao cho căn cứ quân sự Přáslavice của Séc trước cuối năm nay và sẽ được biên chế cho Lữ đoàn cơ giới số 7.

Việc Berlin chuyển giao lô Leopard 2A4 cho Praha nằm trong chương trình “Ringtausch” nhằm giúp quân đội Séc duy trì khả năng chiến đấu và thay thế vũ khí lỗi thời.

Lực lượng vũ trang Séc cho biết việc hoán đổi Leopard 2A4 sẽ giúp Praha sẵn sàng mua những chiếc Leopard mới. Tháng 5 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Černochová cho biết Séc có thể mua tới 50 xe tăng phiên bản 2A7+.

* Trang Polishnews đưa tin, quân đội Thụy Điển đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại cảng Gothenburg. Đây là lần đầu tiên kể từ khi được giao vào năm 2021, hệ thống phòng không Patriot của Thụy Điển được triển khai bên ngoài căn cứ.

Cảng Gothenburg, theo quân đội Thụy Điển, là một địa điểm chiến lược, nơi các tàu cung cấp hàng hóa và nhiên liệu đến Thụy Điển và Phần Lan. Theo lực lượng vũ trang Thụy Điển, hoạt động này không phải là một cuộc tập trận.

Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin từ báo Aftonbladet (Thụy Điển) cho biết, việc triển khai hệ thống này, theo Therese Fagerstedt, thư ký báo chí lực lượng vũ trang Thụy Điển, là để bảo vệ đất nước khỏi bị tấn công. Mặc dù nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào nước này là thấp, nhưng không thể loại trừ khả năng này.

leftcenterrightdel

Hiện Thụy Điển đang sở hữu 4 hệ thống Patriot nhưng số lượng tên lửa được giữ bí mật. Ảnh minh họa: Quân đội Mỹ  

Còn theo Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson, việc triển khai không xuất phát từ bất kỳ mối đe dọa nào trước mắt. Tình hình an ninh của Thụy Điển đã xấu đi theo thời gian nên điều quan trọng là lực lượng vũ trang Thụy Điển phải cho thấy khả năng tiến hành các hoạt động triển khai như thế này.

Patriot là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không hiện đang được 17 quốc gia và khu vực sử dụng.

Hiện Thụy Điển đang sở hữu 4 hệ thống Patriot nhưng số lượng tên lửa được giữ bí mật.

* Reuters đưa tin, nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên Kim Jong Un cam kết sẽ mở rộng các cuộc tập trận quân sự và tăng cường trạng thái sẵn sàng chiến đấu của nước này.

Cam kết được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban quân sự trung ương của Đảng Lao động cầm quyền do nhà lãnh đạo Kim Jong Un chủ trì ngày 6-2. Tại đây, các quan chức đã thảo luận về nhiệm vụ chính trị và quân sự lớn trong năm, các vấn đề dài hạn liên quan đến định hướng xây dựng quân đội.

leftcenterrightdel
Nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì một cuộc họp quân sự ở Bình Nhưỡng ngày 6-2. Ảnh: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) 

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, cuộc họp diễn ra hai ngày trước khi CHDCND Triều Tiên dự định tổ chức một cuộc diễu binh để kỷ niệm ngày thành lập lực lượng vũ trang của nước này và sau khi CHDCND Triều Tiên lên án các cuộc tập trận của Mỹ và các đồng minh, nhấn mạnh Mỹ và đồng minh đã chạm đến lằn ranh đỏ.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc cho biết họ sẽ mở rộng các cuộc tập trận quân sự và triển khai thêm "khí tài chiến lược", như tàu sân bay và máy bay ném bom tầm xa.

* Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BasNews, chỉ huy lực lượng Peshmerga - lực lượng vũ trang người Kurd tại Iraq cho biết, các hoạt động quân sự chung của lực lượng Peshmerga và quân đội Iraq là cần thiết để tiếp tục làm suy yếu Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại các vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Erbil và Baghdad.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Sirwan Barzani, Tư lệnh Khu vực 6. Ảnh: BasNews 

Trong cuộc phỏng vấn này, Thiếu tướng Sirwan Barzani, Tư lệnh Khu vực 6, đã nhấn mạnh nhiều vấn đề, trong đó có sự gia tăng các phong trào của nhóm thánh chiến và các chiến thuật mới được lực lượng Peshmerga áp dụng.

Chỉ huy lực lượng Peshmerga lưu ý rằng dù IS đã trở nên suy yếu nhưng hai lữ đoàn phối hợp của Peshmerga và quân đội Iraq cần phải chiến đấu tốt hơn với nhóm nổi dậy trong nước.

Liên quan đến sự hiện diện của các lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq, tướng Barzani lưu ý rằng sự hiện diện của họ ở Iraq và khu vực Kurdistan là rất quan trọng và rằng tình hình sẽ xấu đi nếu họ vắng mặt.

Tướng Barzani cho biết, việc họ ở lại sẽ giữ thế cân bằng ở Iraq. Theo vị tướng này, điều quan trọng là phải duy trì an ninh cho toàn bộ Iraq, bởi vì tình hình ngày càng xấu đi sau những gì đã xảy ra hồi năm 2011 khi Mỹ rút quân.

Tháng 10-2021, cựu Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi chính thức ban hành lệnh thành lập lữ đoàn phối hợp vốn đã được hứa hẹn từ lâu giữa quân đội Iraq và lực lượng Peshmerga. Lệnh này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Erbil và Baghdad công bố thỏa thuận về các lữ đoàn phối hợp sẽ được triển khai tới các khu vực người Kurd tranh chấp để giải quyết các mối lo ngại về an ninh do tàn dư của Nhà nước Hồi giáo tự xưng gây ra.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

MAI HƯƠNG (thực hiện)