* Ai Cập đang nhắm tới tiêm kích J-35 của Trung Quốc?
Bulgarian Military cho hay, trong cuộc tập trận không quân chung Eagles of Civilization 2025 giữa Trung Quốc và Ai Cập, Tư lệnh Không quân Ai Cập Mahmoud Fuad Abdel Gawad đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến máy bay chiến đấu tàng hình J-35 của Trung Quốc.
Mặc dù thông tin này chưa được chính quyền Ai Cập hoặc Trung Quốc xác nhận chính thức, nhưng nó đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về sự thay đổi tiềm tàng trong chiến lược mua sắm quân sự của Cairo, cũng như nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng gia tăng giữa Cairo và Bắc Kinh.
 |
Tiêm kích J-35 của Trung Quốc. Ảnh: Domino Theory
|
Sự quan tâm của Ai Cập tới J-35 đã thu hút sự chú ý của dư luận do tiềm năng định hình lại năng lực không quân của Ai Cập. Thường được gọi là FC-31 Gyrfalcon trong cấu hình xuất khẩu, J-35 được thiết kế để cạnh tranh với các nền tảng tiên tiến như F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất và Su-57 của Nga. Thậm chí, truyền thông Trung Quốc còn đưa tin rằng một phi công Ai Cập đã lái một chiếc J-10C của Trung Quốc trong cuộc tập trận trên - một động thái nhằm thể hiện sự tự tin của Bắc Kinh vào máy bay của mình và là cơ hội tiếp thị cho các thương vụ xuất khẩu tiềm năng trong tương lai.
Không quân Ai Cập, một trong những lực lượng lớn nhất ở Trung Đông, hiện đang vận hành một đội bay đa dạng. Xương sống của lực lượng này bao gồm khoảng 220 máy bay F-16 của Mỹ. Vào năm 2015, Cairo mở rộng kho vũ khí của mình với 24 máy bay Dassault Rafale của Pháp và 46 MiG-29M/M2 của Nga. Ai Cập cũng vận hành máy bay huấn luyện K-8 Karakorum và máy bay không người lái Wing Loong do Trung Quốc chế tạo và gần đây đã mua hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9B của Trung Quốc, cho thấy nước này ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm quốc phòng của Bắc Kinh.
* Bangladesh muốn mua tàu ngầm lớp Jang Bogo của Hàn Quốc
BD Military dẫn nguồn tin từ Hải quân Bangladesh cho biết lực lượng này đang tích cực tham gia các cuộc đàm phán với phía Hàn Quốc cho hợp đồng 6 tàu ngầm lớp Jang Bogo trị giá khoảng 2 tỷ USD.
Thương vụ này là một phần trong chiến lược hải quân lớn hơn nhằm tăng cường đội tàu ngầm của Bangladesh thông qua khả năng hỗ trợ cả hoạt động tấn công và phòng thủ dưới nước ở vịnh Bengal và các khu vực hàng hải xung quanh.
 |
Tàu ngầm lớp Jang Bogo của Hàn Quốc. Ảnh: Army Recognition |
Cũng theo nguồn tin trên, quá trình đàm phán song phương hiện tập trung vào khả năng sản xuất các thành phần và đạn dược tại Bangladesh, vấn đề bảo trì và nâng cấp giữa vòng đời, đào tạo thủy thủ. Đồng thời, các tàu ngầm sẽ được trang bị vũ khí do Hàn Quốc phát triển, bao gồm ngư lôi White Shark và tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm Haeseong-3 (C-Star), cùng với các điều khoản về ngư lôi Tiger Shark như một lựa chọn trong tương lai và mìn thông minh dưới nước.
Jang Bogo là lớp tàu ngầm được phát triển dựa trên mẫu tàu ngầm động cơ diesel-điện Type 209 của hãng Howaldtswerke-Deutsche Werft (Đức) và là lớp tàu ngầm đầu tiên do Hàn Quốc tự đóng (tập đoàn đóng tàu Daewoo (DSME) của Hàn Quốc đảm nhiệm chế tạo). Biến thể mới nhất của nó là Jang Bogo-III với chiều dài 83,5m, chở được 50 thủy thủ, thời gian hoạt động liên tục lên đến 50 ngày, tốc độ tối đa 37km/giờ, tầm hoạt động lên đến 18.520km. Tàu được trang bị 8 ống phóng ngư lôi 533mm và có thể được trang bị các loại tên lửa hành trình chống hạm.
* Philippines nhận máy bay tuần tra, chống ngầm ATR 72-600MPA đầu tiên
Army Recognition đưa tin, Không quân Philippines đã tiếp nhận máy bay tuần tra, chống ngầm ATR 72-600MPA đầu tiên trong hợp đồng hai chiếc được đặt hàng. Máy bay do hãng Leonardo của Italy sản xuất, được đăng ký theo mã CSX62349 với số đuôi là 1702.
Máy bay sẽ trải qua quá trình kiểm tra sau khi giao hàng và thử nghiệm hoạt động trước khi đưa vào sử dụng. Trong khi Không quân Philippines vẫn chưa xác nhận đơn vị vận hành, dự kiến nó sẽ được khai thác bởi Phi đội Tình báo và An ninh Không quân số 300.
 |
Máy bay tuần tra, chống ngầm ATR 72-600MPA đầu tiên của Philippines. Ảnh: World Defence News |
ATR 72-600MPA được thiết kế dựa trên nguyên mẫu máy bay dân dụng ATR-72-600, nhằm thực hiện nhiệm vụ chống ngầm, chống tàu nổi, tuần thám biển, cứu hộ - cứu nạn. Ngoài ra, cấu hình của ATR-72-600 TMPA còn có thể chuyển đổi sang một số nhiệm vụ như: Bảo vệ lãnh hải, chống cướp biển, buôn lậu, giám sát và xử lý thảm họa môi trường.
Theo Army Recognition, phiên bản ATR 72-600MPA của Philippines bao gồm các hệ thống giám sát hàng hải được điều chỉnh cho các vai trò thu nhập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) và nhận thức lãnh hải (MDA) với radar giám sát hàng hải đa chế độ X-band AN/APS-143 tích hợp hệ thống nhận diện địch-ta (IFF). Máy bay cũng trang bị cảm biến quang điện tử Wescam MX-20HD, hỗ trợ phát hiện, theo dõi và nhận dạng các vật thể, bao gồm cả các mục tiêu có kích thước bằng người trên bè cứu sinh cách xa tới 128km. Tuy nhiên, vẫn chưa có xác nhận chính thức nào về khả năng tác chiến chống ngầm (ASW) của máy bay.
Khung thân cơ sở của ATR-72-600 TMPA được giữ nguyên của phiên bản gốc, với khối lượng cất cánh tối đa gần 23 tấn, tải trọng 7,3 tấn, tốc độ tối đa 510km/giờ, tầm hoạt động 1.500km, thời gian hoạt động liên tục trên không là 11 giờ. Tuy nhiên, biến thể máy bay mới có phần đuôi được thiết kế thêm 1 cửa mở để thả lính dù hoặc hàng hóa, đồng thời cửa sổ có kích thước lớn hơn. Máy bay được trang bị buồng lái hiển thị đa năng, hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số và kiểm soát bay tự động, cùng thiết bị quang điện.
Vũ khí trang bị trên máy bay ATR-72-600 TMPA gồm tên lửa chống hạm và ngư lôi Mk54 hoặc Mk46 hạng nhẹ, hệ thống thả phao thủy âm và thiết bị tính toán vị trí thả vũ khí chống ngầm. Hệ thống phòng thủ của máy bay gồm: Radar giám sát, hệ thống mồi bẫy nhiệt, radar cảnh báo, hệ thống cảnh báo tên lửa, hệ thống cảnh báo laser, hệ thống gây nhiễu điện tử và cảm biến để xác định, theo dõi các mối đe dọa.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.