Đặc biệt đứng trước sự đổi thay với màu xanh ngút ngàn giữa làng quê Đồng Lộc, nơi một thời là “tọa độ lửa” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ai ai cũng xúc động, tự hào trước sự vươn mình mạnh mẽ của làng quê cách mạng.

Huyền thoại ngã ba Đồng Lộc

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào huyền thoại, tô thắm những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên giao điểm huyết mạch giao thông chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Từ những năm 1964-1972, nơi đây bị máy bay Mỹ đánh phá liên tục, trở thành “tọa độ lửa”. Đỉnh điểm từ tháng 4 đến tháng  10-1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 1.900 lượt ném bom với hơn 50.000 quả bom các loại; ước tính, mỗi mét vuông đất nơi đây gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Ác liệt nhất là ngày 15-7-1968, có tới 103 lần máy bay Mỹ đánh phá, rải xuống hơn 800 quả bom.

Với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và tình cảm thiêng liêng “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, trong mưa bom, bão đạn, quân, dân Hà Tĩnh và các lực lượng ngày đêm vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, mưu trí với quyết tâm sắt đá “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu”, “địch phá một, ta làm mười”; bảo đảm thông đường cho phương tiện, hàng hóa, vũ khí và các lực lượng chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong 5 tháng của năm 1968, lực lượng của ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ; trong tháng 7-1968, đã phá 1.780 quả bom các loại, đóng góp hơn 974.300 ngày công để lấp hố bom, bạt núi, san đường.

leftcenterrightdel
Tuyến lửa Đồng Lộc năm 1968. Ảnh: Tư liệu 

Trong gian khổ, hy sinh đã ngời sáng các tấm gương Anh hùng Lực lượng vũ trang: La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẩn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, Nguyễn Xuân Lứ, Võ Triều Chung; Anh hùng Lao động Nguyễn Tri Ân và nhiều tên tuổi khác… Tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu, hy sinh tại “tọa độ chết” Ngã ba Đồng Lộc là gương nghĩa liệt của 10 nữ anh hùng Thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh. Các chị đã mãi mãi nằm lại nơi này vào ngày 24-7-1968 khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, khi mà “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được”.

Chiến thắng Đồng Lộc là chiến thắng của ngọn cờ cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, của đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại của Đảng ta; góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành bất tử, sừng sững một biểu tượng sáng ngời về tình yêu Tổ quốc, tô thắm truyền thống ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta; làm rạng danh quê hương Hà Tĩnh - vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước, văn hóa, cách mạng. Những tấm gương quên mình vì Tổ quốc, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ mãi được khắc ghi, là niềm tự hào, cổ vũ, động viên các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 Màu xanh từ sự tri ân.

Thực hiện lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến về thăm Đồng Lộc năm 1969: “Sau chiến tranh phải làm cho Đồng Lộc xanh tươi”, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã được đầu tư xây dựng. Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia; năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Khu di tích trở thành “địa chỉ đỏ” quen thuộc, là một trong những nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Xã Đồng Lộc (nay là thị trấn Đồng Lộc) đang nỗ lực vươn mình xây dựng đô thị văn minh.

Màu xanh tri ân

Đến thăm Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc vào những ngày tháng Bảy này, dưới cái nắng chói chang của vùng “đất lửa”, nhưng chúng ta có thể nhận thấy sự hồi sinh mạnh mẽ nơi này. Những ngọn đồi giữa Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, nơi đây từng bị cày nát bởi bom đạn, nay đã được phủ màu xanh ngút ngàn.

Điểm nhấn tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc là ngay cạnh bên khu mộ chung của 10 anh hùng liệt sĩ TNXP Đồng Lộc, có những hố bom không được san lấp. Những hố bom sâu hoắm, khoét nham nhở vào lòng đất như chứng tích vô thanh mà dữ dội. Sự tồn tại của chúng là dụng ý của những người kiến thiết khu di tích lịch sử này.

leftcenterrightdel

Bên những hố bom dưới Tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc hôm nay bạt ngàn màu xanh. 

Đứng trước màu xanh ngút ngàn của Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, bà Thái Thị Cương - nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Đội phó Tổng đội TNXP 55 từng chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc xúc động nói: “Những năm 1968 nơi đây trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù nên cây cối không thể sống nổi. Cả quả đồi, có thời điểm chỉ còn lại một số cây nhỏ xác xơ. Vậy mà, hôm nay một màu xanh ngút ngàn các loại cây”.

Những năm gần đây, xung quanh chứng tích hố bom ấy xuất hiện nhiều hàng cây cao vút. Anh Đào Anh Tuân, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Với tấm lòng thành kính tri ân, hàng năm có hàng trăm tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tham gia trồng cây tại khu di tích. Trong đó, có cả những cây gỗ quý, cây ăn quả và cây bóng mát. Ngoài ra, hàng năm hưởng ứng Tết trồng cây, các địa phương, tổ chức, chính trị xã hội đã tham gia trồng nhiều loại cây quý góp phần làm xanh thêm “tọa độ lửa”. Nhờ vậy, trên diện tích 107ha đều được phủ xanh các loại cây, khiến Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc bốn mùa luôn xanh mát.

leftcenterrightdel
Tuyến đường rợp màu xanh dẫn lên tháp chuông. 
leftcenterrightdel
Khu mộ 10 anh hùng liệt sĩ tỏa bóng mát những cây gỗ quý. 

Tản bộ trong không gian khoáng đạt của khu di tích, dường như chẳng thể dừng bước khám phá, trầm trồ ngắm nghía những loài cây đủ chủng loại, hình thế, sắc hoa muôn hồng ngàn tía. Nào lộc vừng đỏ thắm, nào mận quân tím thẫm, nào ban đỏ Tây Bắc, nào mận trắng biên cương… Có nhiều loài cây lưu niệm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. Ấn tượng hơn cả, trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc có những cây sim, cây mua hoa nở quanh năm. 

Theo cán bộ chăm sóc cây ở đây, mỗi cây có một “lịch sử” riêng; có cây được chở về từ Tây Bắc xa xôi, có cây phải vận chuyển, hay chiết cành từ miền nam xa xôi… Chẳng biết có phải nhờ khí thiêng Đồng Lộc hay không mà gần như 100% các cây trồng nơi đây đều sinh trưởng tốt, kể cả những cây khó sống trên đất lạ. Những năm gần đây, việc áp dụng số hóa bản đồ cây xanh, đánh dấu số hiệu lô thửa, loại cây, đơn vị và thời gian trồng giúp cho việc chăm sóc, thăm cây dễ dàng, thuận tiện hơn.

Trong khuôn viên rộng lớn của khu di tích lịch sử đặc biệt, những màu xanh của muôn vàn loài cây, loài hoa khiến Đồng Lộc cứ dần tươi lên như thế, hồi sinh trong những tri ân của lớp lớp thế hệ hôm nay. 

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG