Biên cương rợp bóng cờ bay
Đường lên xã Ch’ơm, Gari đã được trải nhựa, đổ bê tông, thế nhưng, sau mỗi đợt mưa lũ lại sạt, lở, rồi hình thành thêm vô số ổ trâu, ổ voi, ổ gà khiến chúng tôi ngồi trên xe cứ dập dềnh và rồi chỉ một chút sơ ý không bám chặt tay là đầu chạm nóc xe. Đại ngàn Trường Sơn xanh ngan ngát được “điểm xuyết” bằng những mái nhà của người Cơ Tu. Điều khá bất ngờ là các bản làng của người Cơ Tu nơi đây được quy hoạch rất bài bản. Mặt bằng được sản ủi và người dân dựng nhà tạo thành vòng tròn khép kín lấy nhà Gươl. Lối sống cộng đồng của người Cơ Tu bao đời nay vẫn thế, tâm hồn, ý chí đều hướng về ngôi nhà Gươl. Nhà Gươl những ngày này được trang hoàng rất đẹp.
Ở một số nơi, nhà truyền thống được xây, lợp tôn nhưng ở Ch’ơm, Gari thì vẫn bằng gỗ, mái tranh. Các nghệ nhân hoặc những người khéo tay nhất trong thôn sẽ được giao nhiệm vụ trang trí Gươl với những hình vẽ muông thú và đặc biệt không thể thiếu điệu múa truyền thống của người Cơ Tu với tên gọi rất ấn tượng - tung tung zá.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry cùng nhân dân thôn G'lao (xã Gari) treo cờ Tổ quốc. |
Để chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2-9, Trung tá Nguyễn Phúc Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ga Ry đồng ý xuất kho 300 lá cờ Tổ quốc để tặng nhân dân 2 xã Gari, Ch’ơm treo và cắm dọc theo đường thôn. Cán bộ Đội Vận động quần chúng, Trinh sát, Phòng, chống ma túy và tội phạm, Vũ trang, Kiểm soát hành chính cử người xuống địa bàn để vừa phát cờ vừa giúp người dân treo cờ vừa nắm tình hình. 12 tấm băng rôn chào mừng cũng được chuẩn bị tặng cho 12 thôn của 2 xã Gari, Ch’ơm treo trên cổng chào đầu thôn.
|
|
Trao cờ Tổ quốc tặng nhân dân thôn Choong, xã Ch'ơm. |
Mọi năm, khoảng thời gian này Gari, Ch’ơm đã sương mù che khắp lối, cái rét đã về, thế nhưng năm nay thời tiết nắng ráo, bầu trời xanh thẳm càng làm nổi bật lên màu đỏ của cờ Tổ quốc với điểm nhấn là sao vàng 5 cánh. Các bản làng người Cơ Tu được thắp sáng bằng cờ Tổ quốc, uy nghiêm và rực rỡ, lá cờ đỏ với sao vàng 5 cánh ở nơi này càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Xúc cảm trào dâng không nói lên thành lời.
Trời nắng, chúng tôi ngồi nghỉ ở nhà Gươl thôn A Tu (xã Ch’ơm). Một người phụ nữ chừng 60 tuổi tiến tới với chiếc rổ trên tay đựng mấy trái ổi. Theo sau, mấy chị phụ nữ cũng cầm theo quả dưa, dứa, có cả quả vả chín. Với tiếng phổ thông lơ lớ, các chị, các mẹ nói với chúng tôi “ăn cho vui”. Không biết có phải vì là loại quả được trồng tự nhiên hay vì xúc động mà sao trái ổi thật giòn, quả vả mềm, ngọt lịm và dứa khi cắt như chảy ra mật ong.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry treo băng rôn chào mừng Ngày Quốc khánh 2-9. |
Tôi nhớ câu chuyện của Thiếu tướng Lê Thanh Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam, nguyên Cục trưởng Cục cửa khẩu BĐBP kể nhiều năm trước. Khi còn ở Quảng Nam, ông đã đặt chân tới bản làng và tất cả các cột mốc trên gần 200km đường biên giới của tỉnh Quảng Nam tiếp giáp với nước Bạn Lào. Ông bảo, ngày trước, khi đường chưa có, mỗi lần bộ đội đi địa bàn mất cả tuần trời nên không mang theo được nhiều gạo vì còn phải mang theo thuốc men và muối, đường, mì chính (những thứ rất hiếm, quý với người dân vùng cao). Như đã thành lệ, khi bộ đội đến bản sẽ ở nhà Gươl, trưởng bản sẽ mang 1 chiếc gùi, đi từng nhà để gia chủ đổ vào 1 lon gạo để “nuôi bộ đội”. Thế nên mới có chuyện, nồi cơm nấu lên có hạt trắng-hạt đỏ, hạt dài-hạt ngắn, thậm chí hạt nếp-hạt tẻ. Tôi hiểu rằng, dứa, dưa, vả mà các mẹ, các chị mang ra cũng giống như gùi gạo mà Thiếu tướng Lê Thanh Tùng nhận được từ đồng bào của mấy mươi năm trước.
Thắm tình quân dân
Theo Trung tá Nguyễn Phúc Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ga Ry, đơn vị quản lý địa bàn 2 xã Gari và Ch’ơm, nơi đây có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Người dân luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Dù trong chiến tranh hay hòa bình vẫn luôn một lòng tin theo Đảng và dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc một tình cảm vô cùng lớn, bởi vậy mà việc tặng cờ, tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử Ngày Quốc khánh 2-9 của đất nước, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, quyết tâm cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu đẹp.
|
|
Tặng nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo xã Gari. |
Hàng năm, Đồn Biên phòng Ga Ry tổ chức kêu gọi nhiều đoàn thiện nguyện, nhà hảo tâm hướng về bà con ở vùng biên này. Những phần quà gồm nhu yếu phẩm để vượt qua khó khăn trước mắt tới sinh kế là cây giống, con giống mới để người dân vươn lên thoát nghèo… Nhân dịp 79 năm Ngày Quốc khánh 2-9, sáng ngày 1-9, Đồn Biên phòng Ga Ry phối hợp với Đoàn từ thiện Thiện Duyên TP Hồ Chí Minh-Quảng Nam-Đà Nẵng trao 150 suất quà, gồm: Gạo, mì tôm, cá khô, dầu ăn, nước tương, mắm, bột ngọt, muối, bình đun nước, chăn, màn, đèn năng lượng cho các gia đình khó khăn xã Gari. Đoàn thiện nguyện cũng trao tặng dụng cụ học tập, đồ chơi thể thao cho Trường Mẫu giáo liên xã Gari-Ch’ơm và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Gari.
|
|
Tặng đồ chơi các em học sinh Trường Mầm non liên xã Gari - Ch'ơm. |
Tại thôn G’lao (xã Gari), ngay từ buổi sớm, bà con đã tập trung ở nhà Gươl. Những cụ già mặc áo truyền thống, phụ nữ thì túm lại nói chuyện cười vui vẻ. Thích nhất là trẻ con vì biết rằng thế nào cũng có bánh kẹo. Tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa đặt ở nhà Gươl với những bài hát Đất nước trọn niềm vui, Tổ quốc ơi ta mến yêu người, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát… càng khiến không khí trở nên nhộn nhịp. Ngày lễ lớn của dân tộc, người dân lại càng nhớ và biết ơn Đảng, Bác Hồ, của Đảng. Nhờ có hòa bình, độc lập, tự do mà người Cơ Tu đã có cơm ngon, áo mặc, có mái nhà vững chãi để ở, có điện thắp sáng và tất cả trẻ em đều được đến trường.
Già làng Riah Díp bảo, người Cơ Tu rất ham học và trở thành truyền thống đầy tự hào. Học sinh sau khi học hết cấp 3 sẽ thi vào các trường cao đẳng, đại học. Nhiều gia đình khó khăn đã không ngại ngần vay Ngân hàng chính sách để có tiền cho con đi học. Những thanh niên không học lên cao cũng thoát ly đi làm công nhân ở dưới thành phố Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng và xa hơn là các tỉnh phía Nam. Việc đi học hay đi lập nghiệp nơi xa giúp lớp trẻ có cái nhìn thoáng hơn, tiên tiến hơn. Nếu như ngày xưa, 13, 14 tuổi đã lấy vợ, lấy chồng giờ thì lớp trẻ có khi đủ tuổi kết hôn theo pháp luật rồi vẫn chưa chịu vì “muốn lập nghiệp trước”.
|
|
Trao tặng 300 cây ăn quả giống cho nhân dân xã Gari. |
Thôn G’lao giờ không có tảo hôn, thậm chí các cặp vợ chồng cũng không muốn sinh con thứ 3 để nuôi dạy con cho tốt. Tất nhiên, trong câu chuyện vui, già làng Riah Díp không thể không nhắc đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry. Già làng Riah Díp bảo: “Không chỉ ở thôn G’lao này mới nhận được sự giúp đỡ của BĐBP. Ở các thôn khác cũng nhiều người nghèo, khó khăn được giúp đỡ. Người thì được làm nhà, người thì được tặng cây giống, con giống để phát triển kinh tế. BĐBP cũng kêu gọi xây điểm trường cho trẻ con…, BĐBP làm việc cho dân mà cứ như thể làm việc cho BĐBP vậy”.
Những lời tâm sự của già làng Riah Díp và chứng kiến những gì mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry làm cho nhân dân, chúng tôi tin rằng chính những điều đó sẽ tạo nên bức tường thành vững chắc để bảo vệ biên giới mà không kẻ xấu nào có thể phá hoại, chia rẽ. Sự đồng lòng của quân và dân là tiền đề vững chắc để vùng đất biên cương Gari, Ch’ơm ngày càng khởi sắc.
Bài, ảnh: THANH TRÚC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.