Vào một ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về thôn Xuân Thủy, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội). Dưới cái nắng gắt của mùa hạ nhưng không khí làm việc tại xưởng gỗ của ông Lại Thế Nam rất nhộn nhịp.
Luôn cố gắng hết mình
Hiện nay ông Lại Thế Nam đang làm kinh tế với mô hình chế biến gỗ và trồng cây cảnh trên diện tích hơn 5.000m2, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 3 tỷ đồng. Theo chia sẻ của ông Nam, để có được thành quả như ngày hôm nay thì ngay từ khi còn trẻ, chưa lập gia đình ông đã nuôi ý chí làm giàu. Ban đầu ông học nghề làm đồ gỗ của gia đình nhưng thu nhập thấp do hệ thống máy móc, trang thiết bị thô sơ, các công đoạn làm cửa, tủ, giường chủ yếu được làm thủ công, tốn nhiều công sức mà năng suất kém. Sau khi lập gia đình, ông Nam đã làm đủ các nghề khác nhau như chăn bò, chăn vịt, nuôi cá, lái xe công nông, lái xe tải… nhưng trải qua nhiều nghề, ông thấy những công việc ấy vất vả sớm tối mà thu nhập vẫn thấp.
 |
Ông Lại Thế Nam là “Nông dân Thủ đô xuất sắc năm 2022” - được người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) biết đến là một người làm kinh tế giỏi và ấm áp tình người.
|
Rồi cơ duyên đến vào năm 2001, khi có một người bạn của ông làm trong Nhà máy Bê tông Xuân Mai muốn đặt hàng làm kệ gỗ kê bê tông, ông Nam quyết định nhận đơn đặt hàng và quay trở về với nghề chế biến gỗ truyền thống của gia đình. Sau thành công của đơn hàng đầu tiên, ông tiếp tục nhận được đơn hàng làm pallet kê kệ hàng của các nhà máy gạch. Ông Nam chia sẻ, gỗ làm kệ kê bê tông hay làm pallet kê kệ gạch đều là các loại gỗ tạp dễ kiếm, lại có chi phí rẻ, thuận lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng nên nhờ vậy, ông nhận thêm được nhiều đơn hàng, trong đó có nhiều đơn vị đặt hàng thường kỳ hằng năm như: Công ty Đá ốp lát Hà Nội, Nhà máy Bê tông Xuân Mai và các nhà máy thuộc khu công nghiệp Lương Sơn (Hòa Bình), Phú Nghĩa (Chương Mỹ). Thị trường không chỉ bó hẹp trong khu vực, ông Nam còn chuyên sản xuất và cung cấp pallet gỗ, các sản phẩm làm bao bì đựng hàng xuất khẩu cho một số nước trên thế giới, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
“Có lẽ để có được cơ ngơi hiện tại là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đó là sự chăm chỉ, chịu khó và một chút tầm nhìn và cả sự may mắn. Trước đây gia đình tôi cũng chỉ là hộ khó khăn của xã, giờ thì đã khá giả hơn”, ông Lại Thế Nam tâm sự.
 |
Ông Nam hướng dẫn thợ kiểm tra gỗ trước khi đưa vào chế biến. |
Anh Nguyễn Thành Trung tại thôn Xuân Trung, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội), công nhân tại xưởng gỗ của ông Nam chia sẻ: “Ông Nam là một người rất hiền lành, thân thiện, luôn hướng dẫn, chỉ bảo tỉ mỉ công nhân chúng tôi từng công đoạn chế biến gỗ. Mỗi khi có điều gì cần hỏi chúng tôi đều được ông giải đáp nhanh chóng, tận tình. Nhờ có xưởng gỗ nhà ông Nam mà suốt nhiều năm qua tôi và các anh em tại địa phương đã có công việc và thu nhập ổn định”.
Không chỉ dừng lại ở nghề chế biến gỗ, năm 2005 ông Nam còn mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh cây duối cảnh. Ông Nam cho biết: “Tôi yêu thích cây duối vì nó có tuổi thọ cao, thân cây to và tán lá mảnh”. Mỗi một cây duối trong vườn là một tác phẩm nghệ thuật khác nhau do chính đôi bàn tay của ông tạo thành. Từ một cây duối ban đầu ông mua về với giá 8,5 triệu đồng qua 7 năm chăm sóc và tạo hình ông Nam đã bán được với giá 1,9 tỷ đồng (đó là cây duối bán được giá cao nhất trong vườn nhà ông Nam từ trước đến nay). Với số tiền thu được từ việc buôn bán cây cảnh ông đã mua thêm 4 chiếc máy cẩu vừa để phục vụ cho việc vận chuyển cây cảnh nhà mình, ông vừa cho thuê xe để kiếm thêm thu nhập.
 |
Tạo hình cho cây cảnh là niềm vui của ông Nam mỗi ngày. |
Người nông dân với tấm lòng vì cộng đồng
Nhiều năm qua, ông Lại Thế Nam đã tích cực tham gia làm từ thiện cùng nhân dân trong xã, trong huyện và được gia đình rất ủng hộ. Hễ biết người nào gặp khó khăn, hoàn cảnh nào cần giúp đỡ, ông đều sẵn lòng chia sẻ với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Riêng trong 3 năm vừa qua, ông đã ủng hộ tổng số gần 300 triệu đồng, trong đó: Ủng hộ 15 triệu đồng để mua vật tư phòng, chống dịch Covid-19 cho địa phương; ủng hộ tu bổ, sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn trị giá 50 triệu đồng; ủng hộ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” do UBND xã phát động 5 triệu đồng; ủng hộ lắp camera an ninh 5 triệu đồng; ủng hộ thôn Xuân Thủy 10 triệu đồng làm mương thoát nước khu nhà văn hóa thôn; ủng hộ xóm 200 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn…
 |
Với những việc làm và cống hiến của mình cho xã hội, ông Lại Thế Nam nhận được nhiều giấy khen của các cấp. |
Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: “Ông Lại Thế Nam là hội viên nông dân xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của xã nhà. Trong phát triển kinh tế, ông áp dụng các khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giải phóng sức lao động, tăng năng suất, chất lượng công việc. Từ những kinh nghiệm kiến thức có được, ông không ngại phổ biến và trao đổi, chia sẻ giúp cho các hộ dân trong và ngoài địa bàn xã cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Là một người hòa nhã, vui vẻ ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ các hộ gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương”.
Từ năm 2012 đến nay, ông Nam luôn đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện; đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố từ năm 2015 đến nay; được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen năm 2019; UBND huyện Chương Mỹ tặng giấy khen năm 2019 và 2022; UBND xã Thủy Xuân Tiên công nhận là “Gia đình văn hóa” và khen thưởng nhiều năm liên tiếp… Đặc biệt, trong năm 2022 ông Lại Thế Nam là 1 trong số 18 nông dân được UBND thành phố Hà Nội vinh danh “Nông dân Thủ đô xuất sắc”.
Bài và ảnh: DIỆU HUYỀN