Những bước đi đúng

Vào những ngày cuối năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú rất phấn khởi khi địa phương vừa được công bố xã nông thôn mới nâng cao. Đây một trong 5 xã đầu tiên của thị xã Cai Lậy vinh dự đạt danh hiệu này.

Khoác lên mình “chiếc áo mới”, diện mạo nông thôn khởi sắc là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, là sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân. Theo ông Nguyễn Văn Nha, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, địa phương đạt được xã nông thôn mới nâng cao là niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Để có được “quả ngọt” hôm nay, những năm qua, cán bộ và nhân dân xã Tân Phú đã tích cực, đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất, chống lại đói nghèo lạc hậu. Trên vùng đất này, thế hệ hôm nay ít ai có thể hình dung được hết những tàn khốc của chiến tranh, những tháng ngày pháo kích, đạn bom giày xéo trên từng tấc đất quê hương năm nào. Mặt khác, xã Tân Phú đã đi qua những chặng đường dài để chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt của nơi rìa của vùng trũng Đồng Tháp Mười-một trong những nơi nhiễm phèn nặng, để xây dựng một Tân Phú khá trù phú hôm nay.

Đường vào khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc hôm nay.

Để chứng minh lời anh Nha, chúng tôi đã có dịp về thăm quê hương Ấp Bắc anh hùng. Nhìn những cánh đồng lúa, vườn cây trái xanh ngút ngàn, nếu không có sự giới thiệu của những người dân địa phương, chắc chắn chúng tôi không ai hình dung được nơi đây từng bị mưa bom, lửa đạn giày xéo. Sau chiến tranh, địa bàn xã Tân Phú là vùng đất trũng, nhiễm phèn, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Nhưng nhờ những bước đi đúng, hiện nay cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực của xã, với khoảng 335 hec-ta, mỗi năm sản xuất 3 vụ với tổng sản lượng đạt 6.588 tấn/năm. Bên cạnh đó, người dân còn thực hiện trồng xen canh cây màu (dưa leo, bầu, bí, mướp…) dưới chân ruộng, với khoảng 51 héc-ta, đạt sản lượng 1.378 tấn/năm, góp phần tăng thêm thu nhập và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Những năm gần đây, nông dân xã Tân Phú đã chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây lâu năm, nâng tổng số diện tích chuyển đổi trồng cây lâu năm toàn xã đến nay hơn 205 héc-ta; chủ yếu là trồng dừa, bưởi, mãng cầu, sầu riêng, mít…; với sản lượng năm 2022 là 1.453 tấn/năm. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp năm 2022 thực hiện hơn 45 tỷ đồng. Đàn gia súc, gia cầm cũng phát triển theo hướng trang trại như heo, gà, bồ câu, bò thịt với trên 13.000 con. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân quê hương Ấp Bắc ngày được nâng lên.

Nông dân xã Tân Phú đã phát huy hiệu quả việc trồng xen canh cây màu trên ruộng lúa. 

Ông Bùi Văn Thương, nông dân ấp Tân Thới, xã Tân Phú đã gần 10 năm gắn bó với mô hình trồng 1,5 héc-ta cây màu như: Dưa leo, khổ qua, bầu, bí… nhưng từ ngày chuyển sang trồng hoa màu dưới chân ruộng, cuộc sống gia đình đã khá giả hơn. Ông Thương tâm sự: “So với lúa thì trồng hoa màu dưới chân ruộng phát triển hơn. Mỗi vụ, cứ một công đất sẽ thu được khoảng 10 triệu đồng; còn trồng lúa thì chỉ khoảng 2 triệu đồng. Trồng hoa màu tuy có vất vả nhưng thu nhập khá hơn. Người dân trong xã trước đây khổ lắm, nhưng bây giờ cuộc sống thoải mái rồi. Đường giao thông nông thôn đã được bê tông gần hết nên người dân có thể vận chuyển hàng hóa, đi lại rất thuận lợi”.

Chuyển mình mạnh mẽ

Đời sống gia đình chính sách, người có công cách mạng rất được quan tâm thông qua công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động tương thân, tương ái. Hiện tại đời sống các gia đình chính sách có mức sống từ ngang bằng đến cao hơn mức sống bình quân ở khu dân cư.

Tượng đài Chiến thắng Ấp Bắc. 

Đặc biệt, đối với các cựu chiến binh, khi đất nước sạch bóng quân thù đã trở về với gia đình bắt tay vào mặt trận lao động sản xuất. Ông Trần Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tân Phú cho biết, toàn xã có 123 hội viên Hội cựu chiến binh, đến nay 100% đều có cuộc sống ổn định, không có hội viên nghèo. Từ mô hình nuôi chim bồ câu trang trại đã giúp nhiều hội viên có nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng/năm như các ông: Trần Văn Son, ấp Tân Hiệp; Nguyễn Văn Dũng, ấp Tân An... Hội Cựu chiến binh xã Tân Phú 8 năm liền đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. “Hằng năm, Hội Cựu chiến binh xã còn vận động được các khoản để xây dựng quỹ “Nghĩa tình đồng đội” nhằm hỗ trợ cho các hội viên có nhu cầu phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội cũng thành lập tổ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Từ nguồn vốn này hội viên có thể đầu tư nuôi bò, bồ câu, cá tai tượng... Chúng tôi còn tuyên truyền, vận động hội viên tăng gia sản xuất, luân chuyển giống cây trồng, nhờ vậy đời sống hội viên ngày càng khấm khá hơn”, ông Trần Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tân Phú nói.

Một góc xã Tân Phú nhìn từ trên cao. 

Theo thống kê của UBND xã Tân Phú, toàn xã có hơn 1.500 hộ dân; trong đó chỉ còn 8 hộ nghèo, chiếm 0,51%; mức thu nhập bình quân đầu người là 65,5 triệu đồng/năm. Năm 2022, xã còn thu ngân sách được hơn 1,2 tỷ đồng, đạt hơn 183% so với chỉ tiêu. Đời sống người dân ổn định và phát triển, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Phú còn quan tâm, vận động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá, hoàn thiện hệ thống điện, nước sinh hoạt phục vụ nhân dân. Những năm gần đây, xã Tân Phú còn được Trung ương, UBND tỉnh Tiền Giang, UBND thị xã Cai Lậy đầu tư kinh phí và sự chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp trên 254 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, diện mạo nông thôn xã Tân Phú hôm nay đã khởi sắc.

Tân Phú hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ, đầy sức sống. Một vùng quê nghèo từng oằn mình gánh chịu bom cày, đạn xới của địch nay đã được khoác lên mình áo mới, khang trang và sung túc hơn. Hạ tầng cơ sở được đầu tư nâng cấp đồng bộ, 100% người dân địa phương đã được sử dụng điện, nước sạch trong sinh hoạt; 100% các tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa thay cho đường đất, đá đỏ sình lầy trước đây. Tỉnh lộ 874 - trục lộ chính vào trung tâm xã vừa được nâng cấp, mở rộng thông thoáng. Trên địa bàn xã Tân Phú hiện có 2 trường học (trường mầm non và trường trung học cơ sở - tiểu học) đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; trạm y tế; khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc; nhà truyền thống được xây dựng khang trang…

Đường vào khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc. 

Những ngày này, dọc tuyến đường vào Tân Phú cờ bay phấp phới để chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 / 2-1-2023). “Tuy đã đạt xã nông thôn mới nâng cao, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú không bằng lòng với thực tại mà sẽ phát huy tinh thần hào hùng của Chiến thắng Ấp Bắc, với nghị lực và niềm tin tất thắng để tiếp tục thi đua lao động sản xuất, gặt hái được thành quả cao hơn; chung tay góp sức để xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, bà Trương Thị Mãnh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú khẳng định.

Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc, ngày 29-12-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1649 công nhận di tích lịch sử Chiến thắng Ấp Bắc là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tiền Giang. 

 

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC